Căn bệnh quái ác
Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP. HCM cho biết ca mổ ghép tế bào gốc cho bệnh nhân bị bệnh bạch cầu cấp dòng tủy vừa được bệnh viện tiến hành đã thành công mỹ mãn. Bệnh nhân là anh Cao Xuân Hiệp (21 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) đã có cơ hội tái sinh lần thứ 2. Trước đó, bệnh nhân Hiệp nhập viện trong tình trạng ung thư máu. Nhận thấy đây là một ca bệnh vô cùng khó điều trị, các bác sĩ bệnh viện đã ngay lập tức đưa Hiệp vào điều trị. Bệnh nhân Hiệp được điều trị trong một thời gian dài bằng nhiều phương pháp, nhưng bệnh tình vẫn chưa khả quan. Các bác sĩ bệnh viện này đã đưa đến quyết định ghép tủy xương mà nay được gọi là ghép tế bào gốc tạo máu. Đây cũng chính là phương pháp điều trị được áp dụng rộng rãi trong chuyên ngành huyết học và ung thư học để điều trị các bệnh lý ung thư máu và ung thư các cơ quan khác.
Bác sĩ Phù Chí Dũng, giám đốc bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP.HCM cho biết: "Ghép tế bào gốc tạo máu có hai phương pháp chính. Tùy theo từng trường hợp nặng hay nhẹ mà có từng phương pháp cho phù hợp. Phương pháp đầu tiên là tự ghép tế bào gốc, nghĩa là thu thập tế bào gốc của bệnh nhân sau lui bệnh, lưu trữ và tiến hành ghép trả lại cho bệnh nhân. Đối với phương pháp này các bác sĩ chỉ áp dụng cho một số bệnh nhân. Khả năng tái phát của phương pháp rất cao. Phương pháp thứ hai là dị ghép hay ghép đồng loại. Theo các bác sĩ giải thích thì phương pháp này là ghép của người khác phù hợp với kháng nguyên hòa hợp tổ chức (HLA) với bệnh nhân. Phương pháp này chỉ áp dụng cho bệnh lý ác tính có nguy cơ cao, bệnh tái phát hoặc kháng trị rất có thể xảy ra".
Bệnh nhân và chị gái trước khi xuất viện. Ảnh bệnh viện cung cấp
Việc tìm người cho phù hợp với bệnh nhân vô cùng khó khăn với các bác sĩ bệnh viện. Các bác sĩ bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP.HCM đã phải huy động những người thân trong gia đình anh Hiệp để xét nghiệm. Tuy nhiên, số người như mong đợi của các bác sĩ bệnh viện này dường như không có. Ngay thời điểm ấy, các bác sĩ bệnh viện đã đưa vào một công nghệ tiên tiến. Bác sĩ Phù Chí Dũng cho biết: "Gần đây kỹ thuật Haploidentical transplantation gọi tắt là HAPLO, ghép tế bào gốc nửa thuận hợp HLA từ nguồn cho của người thân trong gia đình. Đây là một kỹ thuật ghép mới đầy hứa hẹn và triển vọng. Kỹ thuật này có thể cho phép người bệnh được điều trị kịp thời nếu không có người cho thuận hợp HLA hoàn toàn".
Từ những nghiên cứu ban đầu các bác sĩ đã bắt tay vào công việc. Ngày 25/4, bệnh viện Truyền máu - Huyết học đã thực hiện ca ghép HAPLO đầu tiên tại Việt Nam chính là cho anh Cao Xuân Hiệp. Người cho mảnh ghép tế bào gốc là chị Cao Thị Nguyệt, chị ruột của anh Hiệp. Vì trong số người thân của Hiệp không ai có thể cho tế bào gốc, nên họ buộc phải lấy của chị Tuyết mặc dù không hội đủ điều kiện thuận hợp hoàn toàn HLA với anh Hiệp. Sau khi được tiến hành làm các xét nghiệm đánh giá tình trạng sức khỏe đạt tiêu chuẩn lấy tế bào gốc (không có mang dấu ấn ung thư, không trong thời gian thai kỳ, không mang các bệnh truyền nhiễm, các bệnh HIV, HBV, CMV, EBV, Giang mai...), chị Nguyệt đã được các bác sĩ thực hiện thu thập, xử lý tế bào gốc máu ngoại vi bằng hệ thống tự động chuyên biệt và bảo quản với hệ thống đông lạnh tự động Bioarchive với ni tơ lỏng âm 1960 C trong 20 ngày.
Sau đó, các bác sĩ đã tiến hành giải đông mẫu tế bào gốc trong điều kiện vô trùng tuyệt đối và dị ghép cho anh Cao Xuân Hiệp qua đường tĩnh mạch trung tâm. Sau 28 ngày theo dõi, sức khỏe anh Hiệp dần ổn định, mảnh ghép tế bào gốc đã mọc và phát triển tốt trong cơ thể anh Hiệp. Bước đầu xác định, giai đoạn mọc và ổn định mảnh ghép tế bào gốc nửa thuận hợp đã thành công. Sức khỏe của bệnh nhân Hiệp cũng đang dần ổn định. Ngày 29/5, anh Hiệp cho biết đã xuất viện trong niềm hân hoan, vui sướng của gia đình, người thân và các y bác sĩ bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP.HCM. Tiếp theo đó bệnh nhân Hiệp vẫn đang được theo dõi đặc biệt tai bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP.HCM để xem mảnh ghép có bị thải ra ngoài hay không. Theo các bác sĩ bệnh viện này thì phải theo dõi trong một thời gian dài đối với bệnh nhân Cao Xuân Hiệp.
Vợ chồng bà Ánh. Ảnh H.M
Bán nhà để chữa bệnh cho con
Theo các bác sĩ của bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP.HCM trong suốt quá trình ghép tế bào gốc bệnh nhân Hiệp phải sử dụng kháng sinh tĩnh mạch. Theo đó chi phí cho ca ghép này lên tới 300 triệu đồng. Mẹ của anh Hiệp là bà Nguyễn Thị Ánh, sinh năm 1965 với gương mặt đầy vẻ lo âu cho hay: "Nhà tôi làm nông, đồng lương ba cọc ba đồng nhưng vẫn gắng gượng cho 4 đứa con đi học thành tài. Ngày Hiệp phát bệnh khoảng tháng 10/2012, gia đình chúng tôi đã rất lo lắng, sợ căn bệnh hiểm nghèo của nó sẽ vô phương cứu chữa. Tuy vậy, chúng tôi vẫn không từ bỏ bất cứ hy vọng nào để có thể cứu được nó, cho nó có một cuộc sống bình thường như bao người khác". Được biết hiện tại chị gái Hiệp là Cao Thị Nguyệt đang học cao học, còn bản thân Hiệp ngày phát bệnh cũng đang bảo vệ luận án tốt nghiệp tại trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng (TP.HCM).
Giấc mơ con chưa thành thì tai họa đã ập đến với gia đình bà Ánh. Ngày Hiệp la đau bụng, gia đình đưa anh đến bệnh viện tuyến huyện khám và cho uống thuốc đau bao tử nhưng vẫn sốt thì bắt đầu có dấu hiệu lo lắng. Tiếp đó gia đình chuyển anh đến bệnh viện tỉnh thì họ cho biết một tin động trời rằng Hiệp có tế bào ung thư mới phát. Người nhà bà Ánh đưa Hiệp đến bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, ở đây họ chọc tủy và phát hiện ra căn bệnh bạch cầu cấp dòng tủy. Đến đây cả gia đình bà Ánh dường như không khí não nề bủa vây, bà thương Hiệp đau đớn, bao đêm vợ chồng bà nằm khóc vì nghĩ rằng con mình không qua khỏi. Bà Ánh chia sẻ: "Hiệp nằm điều trị tại bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP.HCM mà cả gia đình đều lo sốt vó. Nó nói với tôi thôi mẹ cứ để cho con về nhà, đừng chạy chữa nữa tốn kém lắm. Nó nói tới đó, nước mắt tôi chực trào ra, tôi không thể để con chịu khổ được, bằng mọi giá cũng phải cứu đời nó".
Chi phí cho cuộc ghép tế bào gốc là 300 triệu đồng, lúc tách từ người chị Nguyệt thêm 100 triệu đồng nữa, gia đình bà Ánh đều tự chạy vạy. Bà Ánh chia sẻ: "Số tiền ấy với người làm nông chúng tôi kiếm đến bao giờ mới có được. Tôi bàn với chồng và các con tôi thôi hãy cứu lấy đời em nó. Chúng tôi đã quyết định bán nhà, bán đất để có đủ tiền chữa trị cho Hiệp. Chưa có tổ chức nào hỗ trợ, nhưng bạn bè, thầy cô, xóm làng của tôi và các con cũng có hỗ trợ được hơn 100 triệu. Tôi thấy ấm lòng và cảm ơn mọi người rất nhiều. Đây cũng là một nguồn động lực giúp cho Hiệp có thêm niềm tin vào cuộc sống".
Khó khăn trăm bề nhưng bù lại niềm vui của gia đình bà Ánh là có thêm hy vọng sống cho Hiệp. Bà Ánh lộ vẻ vui mừng cho biết: "Lúc các bác sĩ cho biết ca ghép đã thành công tôi như muốn ôm chầm lấy bác sĩ vì quá vui mừng. Cả gia đình tôi đều như được hồi sinh. Các bác sĩ cho biết ca ghép kéo dài cả một tháng rưỡi. Sau này còn điều trị dài dài, biết sẽ tốn kém nhưng tôi và gia đình sẽ cố chạy vạy hàng ngày để lo cho cuộc sống của Hiệp. Được chừng nào hay chừng đó, dù các bác sĩ có cho biết tủy mọc 100% tác dụng phụ mới phát ra".
Hồi hộp chờ kết quả Bác sĩ Phù Chí Dũng, Giám đốc bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP.HCM cho biết: "Đây là trường hợp đầu tiên được ghép thành công tại Việt Nam. Tuy nhiên mọi diễn biến đều phải chờ cơ thể bệnh nhân có bị kháng với tế bào ghép này không. Trong thời gian tới, anh Hiệp phải được bệnh viện theo dõi từ 6 đến 12 tháng, cho uống thuốc chống thải ghép. Những ngày này bệnh nhân Hiệp được theo dõi và tận tình chăm sóc của đội ngũ y, bác sĩ nhiều kinh nghiệm của bệnh viện. Nhìn chung bước đầu đã thành công và tạo kết quả tốt thêm động lực và nghiên cứu tốt cho những trường hợp sau này". |
Minh Thơ