‘Cả họ làm quan': Người có liêm sỉ không làm như vậy!

‘Cả họ làm quan': Người có liêm sỉ không làm như vậy!

Vũ Phương

Vũ Phương

Thứ 7, 22/10/2016 17:48

Người có tài có thể chọn rất nhiều con đường để thăng tiến, không nhất thiết phải làm phó, làm “sếp” ở nơi có người nhà làm to. Người có liêm sỉ sẽ lựa chọn con đường tránh sự dị nghị của dư luận.

Gần đây, tình trạng “cả họ làm quan”, mẹ bổ nhiệm con, anh bổ nhiệm em, chồng quy hoạch vợ… hay một sở có 44/46 lãnh đạo ở Hải Dương và gần đây có 14/18 trường hợp bổ nhiệm, tuyển dụng trái quy định tại sở GD&ĐT TP.HCM… khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Khi dư luận xì xào, bàn tán thì người đứng đầu địa phương lại phân bua, chứng minh việc bổ nhiệm cán bộ là đúng quy trình, chọn được người tài.

Bên hành lang kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, PV báo điện tử Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với một số Đại biểu Quốc hội về thực trạng này.

Dân sinh - ‘Cả họ làm quan': Người có liêm sỉ không làm như vậy!

 Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (Ảnh: Vũ Phương). 

Theo đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai), vấn đề này ông đã nói nhiều. Việc bổ nhiệm “đúng quy trình” như “cái áo chống đạn” mà người ta thường dùng khoác lên khi xảy ra sự cố. Việc bao biện việc bổ nhiệm là đúng quy trình, người nhà cũng là người tài, nhưng không bao giờ thuyết phục được dư luận.

Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng: “Quy trình bổ nhiệm không phải là cá nhân có quyền. Người nhà mà là người tài thì cũng tốt. Nhưng thực tế quy trình của chúng ta lại đang có lỗ hổng, không trung thực.

Cần thiết phải xem lại quy trình mà nhiều người cho rằng đang có sự lạm dụng dẫn đến tình trạng “cả họ làm quan””.

Bàn đến hai chữ “liêm sỉ”, đại biểu Dương Trung Quốc nhấn mạnh: “Người có tài có thể chọn rất nhiều con đường để đi, không nhất thiết phải làm phó, làm “sếp” ở nơi có người nhà làm quan to.

Sự liêm chính xuất phát từ lựa chọn của mỗi người. Người liêm chính, có liêm sỉ không làm như vậy.

Ai cũng muốn có một cuộc sống tốt đẹp, tiền đồ tươi sáng, hoài bão được thực hiện. Nhưng nếu là người tài, người có liêm sỉ sẽ lựa chọn con đường công danh tránh sự dị nghị của dư luận, xã hội. Và trong xã hội có nhiều người làm được như thế chứ không phải ít”.

Dân sinh - ‘Cả họ làm quan': Người có liêm sỉ không làm như vậy! (Hình 2).

 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương (Ảnh: Vũ Phương). 

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) cho rằng: “Đúng quy trình chỉ là cách biện minh dùng để che đạy ý đồ về việc bổ nhiệm một người đã được “quy hoạch” từ trước.

Nếu có ý định đưa ai lên vị trí nào đó thì sẽ bằng mọi cách họ gắn người đó với những tiêu chuẩn, các bước sao cho đúng quy trình, thủ tục, quy định nhằm hợp lý hóa việc bổ nhiệm.

Như vậy, cơ hội của những người thực sự xứng đáng sẽ bị lấy mất và những người thực sự có tài năng sẽ bị đẩy ra xa hệ thống công quyền.

Trước câu hỏi của PV, làm sao để hạn chế, chấm dứt tình trạng “cả họ làm quan”, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương lắc đầu: “Không dễ một chút nào. Là lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện, người đứng đầu địa phương, nắm thẩm quyền trong tay nếu như anh không công minh, chính trực mà cố tình đưa người nhà vào thì sẽ thực hiện được.

Còn những người cấp dưới làm sao dám chống lại ý của anh, mà chống thì chỉ có thiệt về mình. Thậm chí còn bị “trả thù”, “trù dập”, vậy ai dám nói đây.

Rất khó giải quyết vấn đề này bởi người ta cứ căn vào quy trình thủ tục, điều kiện tiêu chuẩn để bổ nhiệm. Nhưng cái người ta làm ngầm thì không ai phát hiện ra. Bởi vì những tiêu cực đó không thể hiện trên bất cứ một văn bản nào”.

Ông Nguyễn Sỹ Cương cho rằng: “Sức chiến đấu của tổ chức chính quyền rất quan trọng trong việc này phải dám đấu tranh, dám nói thẳng thắn những tiêu cực đó.

Anh là lãnh đạo địa phương, anh cứ đưa người nhà vào thì phải có người dám nói ra sự thật. Người dám chống lại sai trái, nhưng rõ ràng điều này rất khó.

Hiện, chúng ta đã có rất nhiều luật như Luật chống tham nhũng, Luật kế toán,… một số vị trí nhất định như kế toán trưởng, trưởng phòng tổ chức… thì không được bổ nhiệm người nhà.

Ví dụ chồng là thủ trưởng thì vợ không được là kế toán trưởng của cơ quan, đơn vị đó… Nhưng có rất nhiều vị trí khác mà Luật không quy định hết được. Ví dụ chồng làm thủ trưởng, vợ làm thủ phó thì pháp luật không cấm.

Và đã có thời gian chúng ta tránh việc bổ nhiệm cán bộ về quê hương làm cán bộ. Nhưng sau này cái này bị phá vỡ, còn nguyên nhân tôi không rõ.

Có thời điểm Trung ương đã thực hiện, nếu như anh là người địa phương đó sẽ không được bổ nhiệm về địa phương đó mà phải sang tỉnh khác công tác.

Hiện nay quy định đó vẫn đang được thực hiện, tuy nhiên thực tế không ít cán bộ vẫn được bổ nhiệm về quê công tác”.

Vũ Phương

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.