Tin tức từ nhiều nguồn cho biết, ông Nguyễn Hữu Tiến hiện đang giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy Kim Thành. Ông Tiến là con trai của ông Nguyễn Hữu Bạ - nguyên Bí thư Huyện ủy Kim Thành. Em trai ruột của ông Tiến là ông Nguyễn Hữu Hưng, đang giữ vị trí Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Thành. Em rể của ông Tiến là ông Nguyễn Hồng Cương, đang là Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy và được quy hoạch vào chức Phó bí thư, Bí thư Huyện ủy Kim Thành.
Ngoài ra, anh trai ông Tiến hiện là một cán bộ của chi cục Thuế huyện Kim Thành. Cháu ông Tiến (con trai ông Cương) hiện cũng là chuyên viên Thanh tra huyện Kim Thành.
Tương tự, không ít người nhà của Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Kim Thành Lê Ngọc Sang cũng đang nắm giữ những vị trí lãnh đạo tại huyện này. Ông Sang là con của ông Lê Văn Khoái, nguyên Bí thư huyện, nguyên Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy. Chị gái ông Sang là Chủ tịch UBND huyện Kim Thành đã về hưu.
Em ruột ông Sang là Phó Chi cục trưởng chi cục Thuế huyện. Còn con trai ông Sang làm Trưởng phòng Tài chính huyện Kim Thành, con dâu làm Phó Giám đốc BHXH huyện, con gái làm chuyên viên phòng Nội vụ huyện.
Nhưng cũng phải thừa nhận, gia đình ông Nguyễn Hữu Tiến và Lê Ngọc Sang cũng phần nào khiến dư luận nể phục. Họ không đi đâu xa, chỉ mong muốn làm giàu và cố gắng hết sức để cống hiến, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Họ khéo léo tìm các vị trí phù hợp để “ngồi” và cống hiến cho chính nơi “chôn nhau cắt rốn”. Như thế cũng là lựa chọn sáng suốt.
Chẳng phải lâu nay, nhiều quan điểm cá nhân đã từng rất gay gắt khi người ngoại tỉnh đến các thành phố lớn rồi mải vui, ham giàu mà không muốn tìm đường về quê? Có những cá nhân gai góc còn “đổ tội” cho “người nhà quê” và coi họ là “tội đồ”, là những mảng màu u tối nơi thành phố rực rỡ ánh đèn. Bây giờ, ông Nguyễn Hữu Tiến và Lê Ngọc Sang có nhiều người thân cùng đoàn kết, phát triển trên quê hương Kim Thành, nỗ lực thăng tiến lại bị chụp mũ “cả họ làm quan”.
Ta vẫn nói, “một người làm quan, cả họ được nhờ”. “Làm quan” một cách chính trực, ngay thẳng, thiên hạ nể trọng, gia đình danh giá, vinh hạnh. Huống hồ, “cả họ làm quan” đáng tự hào lắm chứ. Nếu một họ có nhiều người làm quan như thế thật, đáng lý phải được vinh danh, được ghi vào kỷ lục. Trên thực tế, nhiều dòng họ ở Việt Nam được vinh danh khi có những con người tài năng và đức độ tuyệt đỉnh. Tìm kiếm trên Google, không khó để có kết quả về những dòng họ như thế.
Mà từ bao giờ, “cả họ làm quan” như một cái tội bất thành văn?
Nếu không phải là nể nang, cảm tính, nhắm mắt ký bừa, là ưu ái cho dự án này, công trình nọ “lọt qua lỗ kim”, là để điều sai trái chình ình giữa bàn dân thiên hạ, nghênh ngang kiểu “bố đời” nhờ cái “chân kiềng” quá vững? Nếu không phải là những gia trang “khủng” với hàng chục nghìn mét vuông đất không rõ nguồn gốc, những tài sản khủng hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn tỷ đồng? Nếu không phải là con đường thăng tiến “thần tốc” với nhiều bước trong quy trình chặt chẽ được nới lỏng, xem xét một cách chớp nhoáng, qua loa… để cái danh giá không thuộc về tài năng mà thuộc về “hậu duệ, quan hệ, tiền tệ”?... Thì thử hỏi, điều gì đã khiến việc “cả họ làm quan” trở nên méo mó và xấu xí đến vậy? Điều gì đã khiến chữ “cả họ làm quan” đáng tự hào luôn phải đặt trong ngoặc kép?
Thành viên trong gia đình phát triển, ăn nên làm ra, công danh thành đạt là phúc lộc mấy đời của dòng họ. Ta vẫn thường lo “bụt chùa nhà không thiêng”. Nhưng có lẽ với con đường công danh thì phải đưa ra khái niệm ngược lại, “quan phát tại chỗ", nhất là khi nhìn vào những vụ việc như "cả họ làm quan" ở Kim Thành (Hải Dương).
Nhưng nói đi nói lại, có lẽ vẫn cần ghi nhận và biểu dương tinh thần yêu quê hương, cùng chí hướng của “quan” thuộc hai họ Lê, Nguyễn ở Kim Thành. Dồn tâm huyết, sức lực phát triển quê hương là điều đáng mừng. Nếu vì cùng “họ” mà có năng lực vẫn bị "soi" thì thật lãng phí nhân tài.
Dương Thu
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả