Dư luận chưa hết xôn xao về vụ cả nhà làm quan ở huyện Kim Thành (Hải Dương) thì tại Hải Phòng cũng có chuyện tương tự khi 6 người trong một gia đình đang làm quan ở huyện An Dương.
Nhiều ý kiến quan ngại, việc “cả nhà làm quan” sẽ dẫn đến tình trạng bao che, bưng bít sai phạm, cậy quyền, nhũng nhiễu người dân do thiếu người giám sát. Xung quanh vấn đề này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đặng Ngọc Dinh - Giám đốc trung tâm Nghiên cứu Phát triển Hỗ trợ Cộng đồng.
PV: Thời gian qua, câu chuyện “cả nhà làm quan” diễn ra khá phổ biến ở một số địa phương, điển hình như Hải Dương và gần đây là Hải Phòng. Ông có chia sẻ gì về câu chuyện này?
PGS.TS Đặng Ngọc Dinh: Hiện tượng “cả nhà làm quan” cho thấy nó nằm trong phạm trù “chủ nghĩa vị thân”- cứ thân quen thì được xem xét đến lợi ích, có một “ghế”… Thân ở đây bao gồm nghĩa rộng là những người thân quen, có quan hệ họ hàng hoặc là có tiền… Khi đã có “dây mơ rễ má” sẽ dẫn đến tình trạng thiên vị, không còn sự công minh, công bằng.
PV: Nói như vậy, khi một nơi “cả nhà làm quan” sẽ chặn đứng cơ hội của những người khác, thưa ông?
PGS.TS Đặng Ngọc Dinh: Đúng vậy. Chuyện cả nhà đều giữ vị trí chủ chốt ở một nơi sẽ làm mất đi tính công bằng, cạnh tranh trong đơn vị đó. Ngay cả khi những người đó có tài, giỏi thật sự thì cũng phải cạnh tranh công bằng. Nói nôm na như trong lĩnh vực kinh doanh là phải đấu thầu chứ không thể chỉ định thầu. Ở nơi này, nơi kia “cả nhà làm quan” ở dạng “chỉ định” thì dù người đó có giỏi cũng dẫn đến những bất cập.
PV: Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều địa phương có hiện tượng “cả nhà làm quan”?
PGS.TS. Đặng Ngọc Dinh: Nếu như một xã, một huyện, một địa phương có việc “cả nhà làm quan” thì đó là chuyện hoàn toàn bình thường, nhưng hiện tượng này diễn ra ở nhiều địa phương thì dư luận có quyền đặt câu hỏi. Điều đó cũng cho thấy "lỗi" hệ thống. Cụ thể, chuyện tuyển chọn của chúng ta đang có vấn đề, do quá tin tưởng vào cơ quan, thủ trưởng của đơn vị khi tuyển chọn cán bộ hoặc cơ chế tuyển chọn không đảm bảo tính cạnh tranh, công khai, công bằng. Theo tôi, điều cần phải “chữa” đó là khâu tuyển chọn.
Quy trình tuyển chọn cán bộ mà nảy sinh hiện tượng “cả nhà làm quan” không phải là một quy trình đơn giản mà sâu xa hơn, đó là vấn đề tham nhũng kinh tế, tham nhũng quyền lực (lương bổng, thu nhập cao hơn… - PV). Chừng nào ở xã hội còn tồn tại tham nhũng thì đương nhiên xảy ra những chuyện như thế này.
PV: Vậy theo ông, giải pháp nào để xóa bỏ tình trạng “cả nhà làm quan”, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh?
PGS.TS Đặng Ngọc Dinh: Tôi lấy dẫn chứng từ câu chuyện doanh nghiệp để thấy cách tuyển dụng cán bộ ở cơ quan Nhà nước cần phải làm là gì. Ví dụ, doanh nghiệp tư nhân rất cần sự hỗ trợ và cùng làm việc của những người trong gia đình để phát triển. Nhưng, doanh nghiệp Nhà nước thì phải tuyển chọn, không nên để bố là chủ tịch quản trị, con là tổng giám đốc, cách tuyển chọn đó làm hỏng cả doanh nghiệp.
Cơ quan công quyền cũng giống như doanh nghiệp Nhà nước, không thể cơ cấu theo kiểu “con ông cháu cha”. Thời phong kiến đã có những quy định chặt chẽ về việc này và thường những người ở địa phương sẽ không làm quan đầu tỉnh ở chính địa phương đó. Theo quan điểm của tôi, chúng ta cần có quy định không nên để người nhà làm cùng một nơi.
Tôi cũng thẳng thắn nói rằng, “cả nhà làm quan” thì không tránh được tình trạng bao che, bưng bít, lạm cửa lạm quyền. Người xưa có câu “một người làm quan, cả họ được nhờ” và bây giờ “một người làm quan, cả họ làm quan và tạo một “lãnh địa” để có lợi ích, làm “xiêu vẹo” cơ quan công quyền.
PV: Xin trân trọng cảm ơn PGS về cuộc trao đổi!
Ngân Giang