Liên quan đến việc cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) cập nhật, bổ sung 324 ca khúc vào danh mục phổ biến rộng rãi, trong đó có ca khúc Tiến quân ca đang gây nhiều tranh cãi. PV báo ĐS&PL đã có cuộc trao đổi nhanh với luật sư Nguyễn Quang Ngọc (Công ty luật Quốc Tế Thiên Việt).
Ông có thể phân tích kỹ hơn về sự việc gây tranh cãi của cục NTBD?
Thứ nhất, cần xem xét ở góc độ quy định tại Nghị định 79/2012. Nghị định này có quy định về phạm vi điều chỉnh gồm:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Nghị định này quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu trên lãnh thổ Việt Nam hoặc từ Việt Nam ra nước ngoài.
2. Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia các hoạt động quy định tại Khoản 1 Điều này.
Xét trong phạm vi điều chỉnh của Nghị định thì không có bất cứ quy định nào về việc lưu hành tác phẩm (bản nhạc) viết. Tuy nhiên, tại điều 29 nghị định79 và điều tương tự của Nghị định 15/2016 cho thấy, ngay trong việc xác định đối tượng và phạm vi điều chỉnh của chính nghị định cũng có khá nhiều điều khoản chưa rõ ràng và điều này có thể dẫn đến việc hiểu sai và áp dụng luật tùy tiện.
Theo luật Sở hữu Trí tuệ năm 2005 và Công ước Berna mà Việt Nam là thành viên thì, không hạn chế việc phổ biến, công bố tác phẩm tới công chúng. Việc đưa ra các quy định nhằm kiểm duyệt các tác phẩm trước khi xuất bản, thì các quốc gia đều có những quy định chung, nhằm ngăn chặn, hạn chế việc lưu hành các tác phẩm gây hại (trái thuần phong mỹ tục, gây thiệt hại cho tổ chức cá nhân).
Do vậy, các quy định tại Nghị định 79 và sửa đổi bổ sung ở Nghị định 15/2016 có nhiều điểm không phù hợp với điều kiện thực tế hiện tại, cũng như chưa thực sự chặt chẽ khi chỉ quy định về thủ tục cấp phép đối với tác phẩm âm nhạc. Việc quy định như vậy có thể sẽ hạn chế sáng tạo của các tác giả.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng, việc yêu cầu tổ chức, cá nhân phải làm thủ tục cấp phép trước khi phổ biến tác phẩm âm nhạc là chưa phù hợp với tinh thần của luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, luật Xuất bản và công ước.
Văn bản cho phép “phổ biến rộng rãi” 324 ca khúc, trong đó chủ yếu là các ca khúc nhạc cách mạng của cục NTBD có đúng thẩm quyền không, thưa ông?
Như đã phân tích ở trên, việc quản lý biểu diễn thông qua thủ tục cấp phép nhằm mục đích bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các chủ thể có liên quan, đồng thời thực hiện việc quản lý nhà nước đối với nội dung của tác phẩm trước khi phổ biến ra công chúng. Tuy nhiên, việc bỗng dưng "cập nhật, bổ sung" 324 ca khúc vào danh sách phổ biến rộng rãi lại có dấu hiệu vi phạm các quyền cơ bản của tác giả, người biểu diễn quy định tại luật và các hiệp định, công ước mà Việt Nam đã tham gia. Và theo quy định hiện hành của pháp luật việc các cơ quan, tổ chức ban hành mà không phù hợp với quy định hiện hành của Luật có liên quan thì không có hiệu lực và phải bị bãi bỏ.
Theo ông, trách nhiệm của người ban hành và cơ quan tham mưu này là gì?
Hiện nay, hiện tượng ban hành các văn bản dưới luật (văn bản hướng dẫn) nhưng trái hoặc xung đột với Luật có liên quan là khá phổ biến. Tuy nhiên, việc xem xét trách nhiệm cá nhân đối với cơ quan tham mưu hoặc người ký văn bản ban hành là chưa có, dẫn đến việc soạn thảo văn bản dưới luật một cách tuỳ tiện. Điều này không những gây bất bình đối với công chúng mà còn gây thiệt hại rất lớn cho tổ chức, cá nhân có liên quan… Do vậy, cần có chế tài đủ mạnh để xử lý việc lạm phát văn bản dưới luật như hiện nay bao gồm: Xem xét trách nhiệm hành chính, bồi thường thiệt hại, thậm chí xem xét trách nhiệm hình sự nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Cảm ơn ông!
Xem thêm >>> Cấp phép Quốc ca, cục Nghệ thuật Biểu diễn có vi hiến?
Mai Thu