Ngày định mệnh đau đớn
Chỉ trong tích tắc, cả một làng quê thanh bình đã bị bom đạn của giặc Mỹ san phẳng cùng với những mất mát đau thương đến xé lòng. Gắng gượng vượt qua nỗi đau, mỗi người dân thôn Yên Bệ đã phát huy tinh thần anh dũng quật cường, giữ vững ý chí sắt đá của những người chính nghĩa vượt lên giành chiến thắng. Với ước mơ làng quê thật giàu đẹp và văn minh nhưng cũng âm thầm, lặng lẽ, suốt 40 năm qua, năm nào họ cũng cùng nhau tổ chức ngày "giỗ bom" nhằm hồi tưởng và tri ân những người đã mất.
"Một ngày mùa đông cuối tháng 12/1972, tôi đang cùng một số bạn bè đào hầm trú ẩn, bỗng nghe tiếng bom nổ ngay sát bên tai, cùng lúc đó là gạch, đá, bụi, khói bay mù mịt. Thế rồi, cả một làng quê yên bình bỗng tan hoang vì bom đạn. Hình ảnh những hố bom san sát, sâu hoắm cùng xác người nằm ngổn ngang ám ảnh chúng tôi đến tận bây giờ", ông Nguyễn Bá Mùi (SN 1955), khi đó vừa tròn 17 tuổi, trú tại thôn Yên Bệ nhớ lại.
Ngày 23/12/1972 đúng là ngày định mệnh với bà con dân làng thôn Yên Bệ, bởi chỉ trong chốc lát đã có hàng trăm người chết vì bom đạn của giặc Mỹ. Quang cảnh làng quê thanh bình thuở nào không còn nữa mà thay vào đó là một đống đổ nát, tiêu điều, quện với dòng máu túa lên của thân xác con người cùng với xác động vật. "Ngay bản thân tôi cũng bị mảnh bom nổ, bắn găm vào bụng. Vừa lấy tay ôm bụng vừa chạy trốn làn bom đạn nhưng thân xác như chực ngã, mồm mũi bị nhét đầy đất cát, cố lấy tay moi ra mà không được. Sau này, được anh trai tìm thấy, đưa đi cấp cứu ngoài bệnh viện Việt - Đức và phải điều trị hàng năm trời vết thương mới khỏi. Tuy nhiên, đó còn là may mắn cho tôi, chứ hàng trăm người khác lại không được như vậy, người còn xác, người mất xác và vĩnh viễn ra đi không trở lại", ông Mùi rơm rớm nước mắt.
Cùng chung tâm trạng, bà Tuấn Thị Vinh (gần 70 tuổi, trú thôn Yên Bệ) tâm sự: Trong 40 năm qua, hình ảnh tang thương ập đến gia đình bà như vừa mới xảy ra. Bà xúc động kể lại: "Vào khoảng 13h45' ngày 23/12/1972, đứa con đầu của tôi lên 6 tuổi. Như thường lệ, buổi chiều cháu đi học, trước khi cầm túi sách ra khỏi nhà, con tôi còn chào mẹ: "Mẹ ơi, con đi học nhé!". Lúc đó, đứa con thứ hai của tôi cũng đi theo anh ra lớp. Khi hai cháu đi khuất, chưa kịp đặt đứa con thứ 3 mới được 8 tháng tuổi xuống giường thì đã nghe tiếng máy bay gầm rú trên bầu trời làng Yên Bệ. Tôi liền bế cháu chạy vội xuống hầm chữ A. Ngay lúc đó, ở phía bên ngoài cũng có năm người hàng xóm kịp chạy vào nơi mẹ con tôi trú ẩn. 10 phút sau, khi tiếng gầm rú của máy bay dứt, tôi ngoi lên mặt đất, thì thấy một cảnh tượng hãi hùng, thôn xóm yên bình đã biến mất, thay vào đó là hình ảnh đổ nát, tang thương khắp làng".
Các nhân chứng đang hồi tưởng lại lịch sử
Bà Vinh giọng lạc đi, đôi mắt ngấn nước khi nói đến hai đứa con vừa ra khỏi nhà: "Trong giây lát, tôi kịp trấn tĩnh và biết trong hầm có bảy người trú ẩn thì có một người bị thương nặng là ông Nguyễn Bá Bê, tôi liền hô hoán mọi người đưa ông Bê đi cấp cứu. Sau đó, tôi ôm con nhỏ chạy lên xóm trên, xóm dưới để tìm hai đứa con. Nhưng càng đi càng vô vọng, cảnh tượng hoang tàn, người chết, người bị thương nằm la liệt, tôi đã lờ mờ hiểu được điều tồi tệ nhất đã xảy ra với những đứa con thân yêu, vô tội của mình".
Một chi tiết bà Vinh kể lại làm nhói đau những ai được nghe: "Ngày hôm sau (24/12/1972), bộ đội công binh về làng Yên Bệ khắc phục hậu quả, san gạt đường đi, đưa người bị thương đi cấp cứu, mai táng những người đã khuất. Khi họ làm đến khu vực đống rơm nhà ông Khang đã phát hiện một phần thân thể của con trai tôi, dấu hiệu để nhận biết là vết thuốc màu đỏ tôi vừa bôi cho con vào buổi sáng hôm trước. Hai đứa con đã vĩnh viễn rời xa tôi mà không tìm thấy hết xác".
Trong thời điểm vô cùng nguy nan ấy, bà Tuấn Thị Vinh đã nén nỗi đau riêng để hoàn thành nhiệm vụ đã được Đảng giao phó. Người đảng viên trẻ tuổi Tuấn Thị Vinh với trọng trách là Chủ nhiệm HTX Thủ công nghiệp, Hội trưởng hội Phụ nữ xã Kim Chung đã lãnh đạo nhân dân thôn Yên Bệ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Bà đã chỉ đạo nhân dân tổ chức mai táng những người đã khuất, cứu chữa người bị thương và phân phát lương thực, thực phẩm, thuốc men, chăn màn, vật dụng cá nhân, làm nhà tạm cho các hộ dân Yên Bệ.
Nhưng nỗi đau cho gia đình bà Vinh vẫn chưa cạn, khi đứa con út sau 5 tháng trận bom xảy ra cũng đã ra đi vĩnh viễn vì chịu sức ép từ bom đạn để lại. Nỗi đau đến tột cùng, nhưng trên hết, bà Vinh vẫn vượt qua và tiếp tục lãnh đạo HTX nhanh chóng khôi phục sản xuất, ổn định đời sống xã viên. Bà tâm niệm một điều: "Dù đau thương nhưng mình là đảng viên nên phải biết cố gắng hoàn thành nhiệm vụ đã được Đảng, nhân dân giao phó".
Mặc dù đã 40 năm trôi qua, nhưng cảnh tượng đau thương và đẫm máu của làng Yên Bệ không thể nào quên được đối với cựu chiến binh Tuấn Nguyên Phận. Năm 1971, ông Phận tham gia kháng chiến ở chiến trường. Trong một trận đánh, ông bị thương nặng, năm 1972 được đơn vị cho xuất ngũ về địa phương tiếp tục điều trị. Cuối năm đó, ông Phận lấy vợ, sau khi cưới được vài ngày thì giặc Mỹ dội bom giết hại bà con dân làng.
Ông Phận nhớ lại: "Khoảng 13h45' ngày 23/12/1972, tôi đang đào hầm bỗng bị đánh bom. Sau khi bom nổ xong, người chết la liệt. Không chỉ vậy, hàng loạt trâu bò, lợn, gà chết nhan nhản khắp mọi nơi, ngay sát hầm tôi trú ẩn có 17 người vào trú ẩn thì cả 17 người chết hết. Thật kinh hoàng, không thể ngờ bọn xâm lược dã man như vậy. Khi tôi cùng cô em họ trèo lên khỏi hầm, thấy xác người ngổn ngang, thấy cả đứa em họ của tôi hai chân dựng thẳng lên trời còn mặt mũi bị chôn sâu dưới đất cát. Thấy vậy, tôi cùng cô em họ lấy hết sức kéo đứa em lên xem còn sống hay chết, rất may chưa chết nên tôi vội đưa em lên ngay trạm xá cấp cứu. Trong đợt này, nhà có người chết nhiều nhất lên tới bảy người, đó là gia đình ông Nguyễn Bá Kế, khi cả bảy người này cùng trú ẩn ở trong một căn hầm cùng với bảy người khác. Rất may, gia đình ông Kế còn lại anh con trai duy nhất là Nguyễn Bá Hùng do đi làm ăn xa nên tránh được sự tàn khốc của bom đạn công phá…”.
Nén đau thương, giành chiến thắng
Theo sử sách ghi lại, trong trận đánh bom ác liệt vào thời điểm đầu giờ chiều 23/12/1972, giặc Mỹ huy động 16 máy bay F.4H, 6 máy bay F.111A, ném tổng cộng 94 quả bom (loại từ 250 - 500kg), đã hủy diệt làng Yên Bệ với diện tích chưa đầy 1km2 và một số khu dân cư lân cận, các đường giao thông vào thôn. Giặc Mỹ đã sát hại gần 200 người, làm bị thương 54 người, trong đó có gần 100 người của làng Yên Bệ chết, 28 người bị thương, số còn lại là đồng bào sơ tán về địa phương. Bom Mỹ cũng đã phá hủy gần như toàn bộ nhà cửa, đường sá, công cụ sản xuất, cơ sở dệt vải của nhân dân làng Yên Bệ.
Người dân trong làng vẫn kể lại hình ảnh không thể nào quên của các đồng chí Nguyễn Đình Thị (nguyên Chủ tịch Uỷ ban Hành chính xã), Nguyễn Trọng Khôi (nguyên Bí thư Chi bộ thôn) đang trên đường ra địa điểm họp đã bị bom Mỹ sát hại. Gia đình ông Tuấn Nguyên Đức (nguyên sĩ quan quân đội), lúc đó đang chiến đấu ở chiến trường miền Nam, ở nhà bom Mỹ đã sát hại mẹ đẻ, vợ và 2 con mà hàng tháng sau ông mới biết tin. Hầu như gia đình nào của làng Yên Bệ cũng có người chết và bị thương.
Ông Nguyễn Đình Tích, một cán bộ, đảng viên, một nhân chứng sống trong trận đánh bom đã viết: "…Bao dân lành vô tội thân yêu; khi ngã xuống không một lời trăng trối; bốn chục năm rồi ngồi nhớ lại, ký ức tôi vẫn hồi nhớ lúc bấy giờ, những mái đầu xanh của các cháu thơ, khi nhắm mắt có em đang ngậm bú...".
Làm "giỗ bom" để tri ân những người đã ngã xuống Để tưởng nhớ những người đã chết và là nơi ghi lại tội ác của đế quốc Mỹ trong đợt ném bom rải thảm triệt hạ những người dân vô tội vào ngày 23/12/1972, xã Kim Chung đã xây dựng tượng đài tại làng Yên Bệ, với dòng chữ Đau thương - Căm thù - Chiến thắng. Đồng thời, trong suốt 40 năm qua, đúng vào ngày này, cả làng Yên Bệ lại tổ chức "giỗ bom" và cùng làm giỗ người thân trong một ngày như gửi gắm lời tri ân cũng như lời hứa sẽ tiếp bước cha anh vượt qua gian khó để xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp. |
Quỳnh Chi