Làng Phan Thanh, xã Long Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) được đánh giá là vựa lươn đồng lớn nhất Đông Dương. Các sản phẩm từ sơ chế lươn đồng không những được bán hầu hết khắp địa bàn cả nước mà còn xuất ngoại.
Nức tiếng làng lươn đồng xứ Nghệ
Phan Thanh là một xã thuần nông, nổi tiếng có nghề thả trúm bắt lươn đồng. Theo những người cao tuổi thì nghề bắt lươn có từ lâu đời. Những người con của làng đều được truyền “bí kíp” bắt lươn cực kỳ “siêu đẳng”, chỉ cần tay không đi trên bờ sông hay bờ ruộng vẫn bắt được mấy kg lươn chỉ trong một khoảng thời gian ngắn.
Ngoài bắt bằng tay thì câu và thả trúm là nghề thịnh hành và là thu nhập chính của các hộ dân nơi đây. Hầu như nhà nào ở cũng có 200-500 ống trúm, theo Dân việt.
Nhưng cách bắt lươn to, bán được nhiều tiền hơn thì chỉ có đi câu. Anh Lưu, một cần thủ cho biết: Chúng tôi thường tụ tập từ năm đến bảy người thành lập một nhóm cưỡi xe máy đi khắp nơi để câu lươn. Cứ mỗi ngày chúng tôi cũng câu được từ 3-5kg, khi gặp may thì nhiều hơn, gấp mấy chục lần làm ruộng. Lươn đặt trúm khoảng 150 nghìn đồng/kg nhưng lươn câu giá bán 200-250 nghìn đồng/kg.
Xóm trưởng Phan Thanh Nguyễn Văn Sơn cho biết, làng có 197 hộ thì có 80% số hộ làm nghề bắt lươn. Một vài người, thấy người làng mình mỗi ngày bắt cả mấy tạ lươn nên đã đứng ra thu gom lươn để đưa đi các nơi tiêu thụ kiếm lời.
Chính trên bước đường “du” lươn này, họ đã nhanh nhạy, nắm bắt thị trường, mở cơ sở sơ chế lươn đông lạnh, thu lãi lớn.
Nhận thấy nhu cầu mua lươn đồng đã qua sơ chế ngày càng có giá, nhiều hộ đã chuyển hướng kinh doanh chế biến lươn đồng, đem lại nguồn thu nhập cao và tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương.
Người đi tiên phong trong việc này là anh Nguyễn Văn Khẩn (sinh năm 1973). Anh Khẩn tâm sự: “Lúc đầu tôi cũng chỉ là lái lươn, đi khắp làng trên, xóm dưới để thu gom lươn rồi chở đi Vinh nhập cho các nhà hàng.
Thấy nhu cầu tiêu thụ lớn, mà hầu hết các nhà hàng đều phải thuê người làm rất vất vả. Vậy là tôi nghĩ ra cách chế biến lươn sạch; rồi mua tủ cấp đông thành phẩm lươn đã chế biến, sau đó, mới đưa đi nhập. Tôi làm sơ chế lươn đông lạnh từ năm 1995.
Ngày đó, tôi làm bao nhiêu, tiêu thụ hết bấy nhiêu. Lúc đầu chỉ người nhà làm nhưng sau này tôi phải thuê nhiều người làm. Mỗi ngày có từ 20-30 nhân công. Trung bình mỗi ngày tôi xuất khoảng từ ba đến bốn tấn lươn thịt và lươn sơ chế”.
Thấy gia đình Khẩn ăn nên, làm ra, nên nhiều người trong làng cũng học làm theo. Kết quả, nhiều hộ đã thành công như ông Nguyễn Văn Hiền, anh Nguyễn Minh Thao, anh Nguyễn Thanh…
Chúng tôi vào nhà ông Nguyễn Văn Hiền thấy hàng chục nhân công đang chế biến lươn, không khí rất nhộn nhịp.
Chị Phan Thị Hà một nhân công cho biết: “Tôi làm công cho anh Hiền đã hơn 20 năm nay, công việc nhẹ nhàng, đều đặn thu nhập 7 triệu đồng/tháng. Nhờ nghề này mà vợ chồng tôi xây được nhà tầng và nuôi ba đứa con ăn học đến nơi đến chốn.
Anh Nguyễn Ngọc Ánh (trú xóm Phan Thanh, xã Long Thành) có thâm niên 15 năm thu mua và sơ chế lươn chia sẻ: Bình quân mỗi ngày gia đình anh thu mua và sơ chế từ 4-5 tạ lươn, tạo việc làm thường xuyên cho 10-12 lao động với mức thu nhập ổn định, theo Cổng thông tin điện tử huyện Yên Thành.
Cũng theo anh Ánh, lươn nhập về phải đảm bảo lươn sống, được rửa sạch sau đó luộc nước sôi để sơ chế và bỏ vào tủ cấp đông đưa đi bán. Muốn lươn có màu vàng đẹp thì khi luộc cho thêm một ít nghệ tươi giã nhỏ hoặc bột nghệ nguyên chất.
Theo bà con làng Phan Thanh, sơ chế lươn không đòi hỏi phức tạp lắm, nhưng phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật thì lươn mới đảm bảo chất lượng và có giá trị dinh dưỡng.
Tự hào làng lươn độc đáo và lớn nhất Đông Dương
Ngày 20/1/2022, Phan Thanh được UBND tỉnh Nghệ An công nhận danh hiệu: Làng nghề chế biến lươn. Phó Chủ tịch UBND xã Long Thành Phan Văn Đề cho biết: “Sắp tới, chúng tôi sẽ sản xuất thêm sản phẩm cháo lươn, miến lươn, súp lươn ăn liền mang thương hiệu làng nghề trên dây chuyền công nghệ hiện đại. Hy vọng sản phẩm sẽ được thị trường trong và ngoài nước đón nhận”.
Tính đến thời điểm hiện nay, Phan Thanh đã có 51 hộ dân làm nghề chế biến lươn, tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động.
Như vậy cũng đồng nghĩa với việc làng có hàng chục tỷ phú và triệu phú. Hiện, làng Phan Thanh không chỉ có lươn sơ chế cấp đông mà còn có nhiều sản phẩm như lươn cuộn, lươn ướp, lươn sấy khô; lươn phi lê… Sản phẩm lươn Phan Thanh có mặt khắp mọi miền đất nước và xuất khẩu sang các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore và một số nước châu Âu.
Phan Thanh được giới ẩm thực đánh giá là làng lươn độc đáo và lớn nhất Đông Dương. Quả thật, ai đến làng Phan Thanh bây giờ, đều ngỡ ngàng bởi những nhà cao tầng mọc lên, đường làng lát bê-tông sạch sẽ, cây cối xanh tươi, khí quang trong lành, trông chẳng khác gì phố ở trong làng.
Từ chỗ đi bắt lươn trong tự nhiên, nhiều người trong làng đã tầm sư học đạo cách nuôi lươn và tiến tới đầu tư trang trại nuôi lươn để cung cấp cho các hộ chế biến trong làng. Và cách nuôi lươn ở Phan Thanh cũng độc đáo và theo hướng nuôi trong môi trường tự nhiên.
Cùng với đó là cách chế biến theo dây chuyền sạch nên được khách hàng khắp mọi nơi ưa chuộng. Anh Nguyễn Văn Nguyên một thực khách ở Hà Nội nhận xét: “Tôi đi nhiều nơi và từng thưởng thức món lươn ở nhiều nơi, không những ở các miền trên đất nước Việt Nam mà ở Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đã từng, nhưng lươn Phan Thanh vẫn có hương vị độc đáo riêng, rất ngon, rất đặc biệt”.
Nhờ mức tiêu thụ lươn lớn, ổn định nên nhiều hộ gia đình ở Yên Thành, Diễn Châu, Đô Lương, Quỳnh Lưu đã nắm bắt thời cơ mở trang trại nuôi lươn cho lãi lớn như trang trại anh Trọng xã Long Thành, anh Phú xã Nam Thành, anh Thành (huyện Quỳnh Lưu), tỉnh Nghệ An… mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng từ nghề nuôi lươn.
Các món thơm ngon, bổ dưỡng từ lươn đồng
KHÁNH LINH (t/h)