Làng ...không sống bằng nghề nông
Men theo con đường nhỏ ngay cạnh quốc lộ 1A, chúng tôi tìm đến làng nghề được mệnh danh là nơi cung cấp comple siêu rẻ. Ấn tượng với chúng tôi là con đường dẫn vào làng được bê tông hóa, hai bên đường là những ngôi nhà khang trang và gần như 90% nhà mặt tiền đều được sử dụng để làm trụ sở giao dịch cho nghề may comple, vestton.
Ngay cả thời điểm được coi là "nước sôi, lửa bỏng" của nghiệp nông gia nhưng không khí tấp nập cấy hái đã không rộn ràng nữa. Anh Tuấn, "thổ công" dẫn đường cho chúng tôi, hài hước kể: "Việc đồng áng ở vùng quê này là phụ từ lâu rồi. Nhà nào cũng thuê mướn cấy, gặt. Nhân lực của làng tập trung để phục vụ nghề may". Anh Tuấn nói thêm: "Nhiều người nói dân Vân Từ quen cầm thước, chân đạp máy khâu hơn là gieo mạ, gặt lúa".
Biển chỉ dẫn du khách đến thăm làng nghề Vân Từ
Thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên vì tiếng rì rào, nhịp phách được phát ra từ máy khâu, âm thanh ồn ào của những chiếc xe tải vừa và nhỏ hối hả ngược xuôi để chở hàng, anh Tuấn thừa nhận: Nghề may của Vân Từ "phất" lên khoảng hơn chục năm nay. Trước đó, comple, vestton chưa được sử dụng rộng rãi, bởi quan niệm chỉ dành riêng cho đối tượng khách là tầng lớp thượng lưu, dân văn phòng, công sở... Kinh tế phát triển, trang phục này trở nên phổ biến hơn với nhiều loại đối tượng.
Điều này góp phần xóa nhòa đẳng cấp giữa những người mặc với nhau đồng thời làm đẹp cho người mặc hơn trong con mắt người khác, tạo việc làm cho dân làng nghề. Chị Mây, một thợ may gắn bó với doanh nghiệp P.K. đã nhiều năm, cho biết: "Mỗi tháng, tôi được trả từ 4 - 5 triệu đồng tiền lương. Nếu làm thêm giờ, tăng ca những lúc "chạy" hàng thì được thêm 1-2 triệu đồng nữa". Với người nông dân, đây là thu nhập đáng mơ ước.
Lãi "khủng" từ "hàng chợ"
Là người nông dân vùng đồng bằng chiêm trũng, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, có nghề phụ (lại thành nghề chính), thu nhập cao, người nông dân chuyển nghề là điều dễ hiểu. Theo người dân kể lại, ông tổ của nghề may comple Vân Từ lặn lội ra Hà Nội theo học nghề từ những năm 20 của thế kỷ trước. Đó là cụ Đào Văn Dự. Cu Dự tâm sự: "Nghề may comple bị thất truyền trong nhiều thập kỷ của thế kỷ XX, do đời sống khó khăn. Đến đầu những năm 90, nó nhen nhóm trở lại khi tôi cùng với một số người bạn già đi tha phương, kiếm sống, quyết định quay về quê hương mở lớp truyền nghề cho nhiều thế hệ thanh niên trong làng".
Được biết, sẵn có mối quan hệ từ trước, cụ Dự cùng một số bạn già khác đã lặn lội tìm về những hàng chuyên kinh doanh comple, vestton nổi tiếng trên các tuyến phố chính như Hàng Ngang, Hàng Đào, Khâm Thiên (Hà Nội)... nhận hàng về gia công. Tiền may hàng gia công do các chủ tiệm trả rất rẻ. Nó rẻ tới mức khó có thể tưởng tượng được khi họ bán một bộ comple cho khách. Từ đó, cụ Dự và người làm may bắt đầu dùng ảnh hưởng của nghề để chủ hiệu nhận thấy lợi nhuận, thay đổi cách nhìn với nghề may Vân Từ. Thực chất, thời gian đầu những sản phẩm comple, vestton của Vân Từ chỉ được chủ hiệu đánh giá ở mức "hàng chợ". Dần dần, do công nghệ và tay nghề được nâng cao, thợ may Vân Từ đã dựng bộ comle, vestton từ A - Z. Đến nay, hàng comple, vestton của Vân Từ là nguồn cung cấp chính cho thị trường Hà Nội.
Comple làng thành comple hiệu đã thu lãi "khủng" cho bao kẻ bán, người mua?
Đối với những người sớm nắm bắt được thị hiếu của thời cuộc, lại khéo tay, tinh ý như anh H., anh T. mà chúng tôi gặp ở Vân Từ thì việc "phất" lên nhanh chóng là điều dễ hiểu. "Hàng chợ" thành hàng hiệu, lãi sẽ rất "khủng" mà nhiều người không thể đoán được. Theo bật mí của anh T. thì thứ vải phổ biến dùng để dựng vestton cho nam giới phần lớn là loại cotton chun hoặc tuýt si... Đây là hai mẫu vải đảm bảo được độ mềm vừa đủ lại chắc chắn, giá thành vừa phải, khoảng từ 350.000 - 400.000/m.
Chất liệu vải khá đắt tiền này thường là những đối tượng khách đặt may đồ cưới. Một bộ comple, vestton hai quần, một áo dài, một áo ghile hết khoảng 4,5 - 5m vải. Tiền vải khoảng hai triệu đồng thế nhưng, khách hàng sẽ phải mua với giá có thể lên tới 1 - 1,5 triệu đồng/m vải khi đã thành bộ, chưa kể tiền công may. Có nghĩa là riêng tiền vải đã là 5 - 7 triệu đồng. Loại vải bình dân hơn được nhập về từ Trung Quốc, mẫu mã bắt mắt, được cán bóng rất thời trang, khá hút giới trẻ, giá nhập nguyên cây vải, tính ra chỉ 120.000 - 140.000 đồng/m. Thế nhưng, khi thành bộ, khách hàng vẫn phải trả tới 7-8 thậm chí là 9-10triệu đồng.
Tất nhiên, với những loại vải rẻ tiền, dựng áo sẽ rất bắt mắt nhưng mặc một thời gian sẽ bị sờn, giặt không khéo, cổ và tap dù được ép mếch cẩn thận cũng sẽ bị đổ nên dáng không được chuẩn. Đây lại là thứ hàng cho lãi "khủng" vô cùng. Đặc biệt, các cửa hàng dọc các tuyến phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Khâm Thiên... bán rất chạy thứ "hàng chợ" mà giá hàng hiệu này. Anh T. cắt nghĩa: "Nguyên liệu đầu vào khoảng 600.000 đồng/bộ kèm chi phí nhân công trung bình từ 300.000 - 350.000 đồng/bộ, kết hợp với các kiểu dáng thời thượng được cách điệu cho bắt mắt như dáng đuôi tôm dáng dài, tuxedo... đảm bảo hàng xuất ra đến đâu hết đến đó và chính là hàng hiệu luôn".
Chúng tôi làm phép tính nhanh mỗi bộ comple may hoàn thiện được "xuất đi" với giá "bèo" nhất khoảng 1,5 - 2 triệu đồng/bộ, trừ chi phí nhân công, nguyên liệu bỏ rẻ chủ mỗi doanh nghiệp cũng đút túi 1/3 giá trị thành phẩm.
Thu nhập hơn 700 triệu đồng/năm "Mục sở thị" không khí làng nghề vào những ngày cuối tuần, nhiều người không khỏi kinh ngạc bởi mật độ xe lưu thông trên đường làng là ô tô nhiều hơn xe máy. Đó là những chủ doanh nghiệp lớn kết hợp về thăm nhà cũng như đôn đốc công việc tại xưởng sản xuất. Anh T. chia sẻ: "Tôi lăn lộn nơi đô thị để gây dựng thị trường còn cơ sở sản xuất cũng như nguồn nhân công chủ yếu tận dụng ngay tại quê hương, vừa tạo công ăn việc làm cho bà con lại tiết kiệm chi phí". Giống anh T., tiếp chúng tôi tại ngôi nhà ba tầng khang trang nằm gần cuối thôn, anh C., chủ doanh nghiệp T.C. bộc bạch: "Hàng năm, cơ sở sản xuất của tôi xuất đi hơn 4.000 bộ comple, vestton, thu nhập hơn 700 triệu đồng". Anh C. xuất đi với giá trị như vậy, chắc chắn, chủ hiệu bán hết hơn 4.000 bộ ấy, sẽ có giá "khủng" hơn rất nhiều. |
Linh Nhi