Có một loài hoa và một loài cá vừa đi vừa lớn. Những về (giề) lá xanh xanh trôi dập dềnh trên sông nước, chở theo những cánh hoa màu tim tím lớn dần theo con nước lớn, nước ròng. Con cá lúc từ đầm ruộng thoát ra trên thượng nguồn sông Cửu Long nó còn mén, nhỏ chưa bằng ngón tay út nhưng khi chúng lần về phía hạ nguồn của sông thì ngày càng lớn hơn. Có con to chừng hai ngón tay ghép lại… Đó là cá linh và hoa lục bình.
Hàng năm, vào khoảng giữa tháng 8 âm lịch, “lũ hiền” đục màu phù sa chở theo vô số cá linh tràn về vùng hạ lưu các sông ở đồng bằng Nam Bộ. Năm nào lũ lớn, cá linh xuất hiện càng nhiều và ngược lại. Cá linh xuất hiện cũng là thời điểm báo hiệu mùa gió chướng đang về trên đất trời phương Nam, mùa cây so đũa trổ bông…
Năm nào có lũ về, mọi sinh hoạt tuy khó khăn, vất vả nhưng bù lại sẽ có cá mặc sức mà ăn, lớp còn đem bán. Trước đây, sáng sáng, chiều chiều cá linh từ miệt Đồng Tháp, An Giang, Châu Đốc… theo ghe cà dôm về bán cho các chợ tỉnh lỵ vùng hạ lưu, giá cả bình dân, người ta bán cá linh theo mớ chứ không cân ký lô như sau này.
Cá linh về, ngoài góp vui buổi chợ, cá còn là bàn tay đỡ cho bữa cơm của biết bao người lao động nghèo. Cá linh nấu nhiều món ăn rất ngon, khoái khẩu như nấu chua với bông so đũa, bông điên điển…
Cách đây vài năm, tôi đến vùng trũng Đồng Tháp Mười, một nông dân than: “Mấy năm nay gần như không có lũ, cứ đi nhong nhỏng trên đồng, thứ gì cũng… héo hết, các ông ơi!”.
Còn bây giờ? Những năm gần đây, Trung Quốc, Lào xây nhiều đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông, bóp nghẹt dần dòng nước và lượng phù sa đổ về vùng hạ lưu sông Cửu Long, như vấn nạn xâm nhập mặn sâu hồi đầu năm 2016 mà ta đau đáu chứng kiến. Không còn nước đục màu phù sa trên sông cũng đồng nghĩa con cá linh mất dần, mất dần…
Chìm ngập trong cuộc mưu sinh tất tả của đời người, ta chợt bàng hoàng khi nghĩ tới thời gian đã qua.
Huỳnh Thanh Quang