Theo Live Science, sinh vật mới được phát hiện có tên gọi Chimaera supapae, loài cá sụn thuộc họ cá lâu đời nhất còn sống hiện nay: Chimaeriformes. Nó là họ hàng xa của cá mập và cá đuối.
Tên gọi "supapae" xuất phát từ tên Supap Monkolprasit, một nhà khoa học đến từ Thái Lan, người đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu về cá sụn. Tên chi "Chimaera" xuất phát từ sinh vật phun lửa có ba đầu trong thần thoại Hy Lạp.
Các loài Chimaera thường được gọi là cá mập ma và cá chuột, xuất phát từ đôi mắt to, phản chiếu và thân hình thuôn nhọn giống chuột. Một số con có thể dài tới 2m.
Các nhà khoa học đã mô tả phát hiện Chimaera supapae trong bài báo xuất bản trên tạp chí Raffles Bulletin of Zoology.
Theo đó, loài Chimaera mới được mô tả có phần mũi ngắn, vây ngực rộng, thân dài 51cm. Các nhà khoa học nghi ngờ những đường diềm giống như lông vũ của sinh vật này có liên quan đến khả năng di chuyển của chúng dưới biển.
Đôi mắt to, óng ánh, màu xanh lục của Chimaera supapae giúp chúng có thể nhìn thấy trong vùng nước tối đen như mực. Làn da màu nâu sẫm của chúng không có đường nét hay hoa văn nào đáng chú ý.
"Về mặt tiến hóa, những loài Chimaera này nằm trong số họ cá lâu đời nhất, có tổ tiên xuất hiện cách đây 300 - 400 triệu năm. Việc phát hiện những loài mới như Chimaera cho thấy chúng ta biết rất ít về môi trường biển và còn bao nhiêu điều cần khám phá", ông David Ebert từ Trung tâm nghiên cứu cá mập Thái Bình Dương của Đại học bang San Jose (bang California, Mỹ), tác giả chính của nghiên cứu, cho hay.
Ông David Ebert nói thêm, Chimaera thường sống ở sườn lục địa và các rặng núi đại dương ở biển sâu. Ở độ sâu dưới 500m, chúng ẩn nấp trong vùng nước tối, ăn các động vật sống ở đáy như động vật giáp xác, động vật thân mềm và giun.
"Chỉ có 53 loài Chimaera được biết đến trên thế giới và loài này là 54. Vốn sinh sống dưới biển sâu khiến chúng khó tìm thấy, đặc biệt là ở biển Andaman, nơi độ sâu ở một số khu vực vượt quá 4.400 m", nhà nghiên cứu cho biết.
Minh Hoa (t/h)