Cá mập" Thái len tới từng ngóc ngách
Cuối năm 2017, thương vụ bán vốn Nhà nước lớn nhất lịch sử Việt Nam tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã diễn ra thành công. Với hơn 343 triệu cổ phiếu SAB bán ra, bộ Công Thương thu về 110.000 tỷ đồng, tương đương 4,8 tỷ USD.
Thương vụ này đặc biệt thu hút sự quan tâm của giới đầu tư khi giá bán cao hơn hẳn thị giá trên thị trường chứng khoán tại cùng thời điểm. Vietnam Beverage - công ty đã chi cả trăm nghìn tỷ đồng để "ôm" cổ phiếu Sabeco mới chỉ thành lập 2 tháng trước phiên đấu giá thực chất đứng sau là bóng hình của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi.
Chiếm hơn một nửa thị phần bia tại Việt Nam, Sabeco được ví như một viên đá quý bổ sung vào bộ sưu tập của TCC Group. Đây là tập đoàn đầu tư hàng đầu do tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi sở hữu với những "cánh tay" đắc lực như tập đoàn đồ uống Fraser & Neave, ThaiBev, "ông trùm" bất động sản TCC Land và Berli Jucker (BJC).
Luôn giữ vị trí top đầu trong danh sách những người giàu nhất Thái Lan, đế chế của vị tỷ phú 74 tuổi này phủ rộng khắp Đông Nam Á cho tới Mỹ.
Tại Việt Nam, cái tên TCC sẽ thành lạ mà quen khi nhiều thương vụ thâu tóm đình đám được thực hiện do "chân rết" của "cá mập" này đứng sau. Năm 2013, tập đoàn đa ngành BJC đã mua lại cổ phần của đối tác trong chuỗi cửa hàng tiện lợi Family Mart và đổi tên thành B'smart với gần 100 cửa hàng trên khắp cả nước.
Tập đoàn này còn sở hữu 64,55% cổ phần của Phú Thái Group từ năm 2013 thông qua việc sở hữu 65% cổ phần của CTCP Thái An Việt Nam – đơn vị trực tiếp sở hữu hơn 99% cổ phần của Phú Thái Group.
Sau đó, đơn vị này tiếp tục đánh dấu cuộc đi săn của mình bằng việc hoàn tất thương vụ mua lại hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam từ tay tập đoàn Metro (Đức) với giá 655 triệu Euro (tương đương hơn 879 triệu USD).
Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực bán lẻ, "cá mập" Thái này đầu tư mạnh vào thị trường bất động sản khi thông qua "chân rết" TCC Land để sở hữu khách sạn Melia Hà Nội. Ngành thực phẩm - đồ uống cũng không nằm ngoài mục tiêu khi tập đoàn giờ đã thông qua nhiều cầu để sở hữu cổ phần Sabeco và ráo riết gom cổ phiếu Vinamilk thông qua F&N Dairy Investment.
Gã khổng lồ 200 năm tuổi
Nhắc đến những cuộc đi săn tỷ USD trong năm qua, không thể không kể đến tập đoàn 200 năm tuổi Jardine Matheson Group. Thành lập năm 1832, sau hơn 2 thế kỷ hoạt động và phát triển, đến nay "gã khổng lồ" này đã mở rộng quy mô phủ khắp địa bàn châu Á, trong đó tập trung chủ yếu tại Trung Quốc và Đông Nam Á.
Tại Việt Nam, các "chân rết" của tập đoàn này đã có mặt tại khắp các lĩnh vực từ bất động sản, tài chính, hạ tầng tới thực phẩm, đồ uống, bán lẻ... Tuy nhiên, phải đến khi Jardine Cycle & Carriage (JC&C), công ty con của tập đoàn này công bố đã chi hơn 600 triệu USD mua 5,53% cổ phần CTCP Sữa Việt Nam Vinamilk qua phiên đấu giá của SCIC và thị trường chứng khoán, cái tên của tập đoàn này mới được đặc biệt chú ý.
Jardine Matheson Holdings (JMH) và Jardine Strategic Holdings (JSH) là 2 "trụ cột" chính với vốn hóa thị trường lần lượt là 49 tỷ USD và 48 tỷ USD. Hai tổ chức này hoạt động theo mô hình sở hữu chéo khi lần lượt nắm giữ 84% và 57% của bên còn lại và sở hữu, quản lý các công ty con hoạt động đa ngành từ đầu tư tài chính, bất động sản, công nghiệp ô tô tới nông nghiệp... Tiêu biểu phải kể đến những cái tên như: JC&C, Jardine Pacific, Jardine Motor, Dairy Farm, Hongkong Land...
JMH, một trong hai "cánh tay" đắc lực của Jardine Matheson Group chính là đơn vị đứng sau Jardine Restaurant sở hữu chuỗi Pizza Hut và nắm giữ 25% vốn của KFC Việt Nam. "Cánh tay" còn lại JSH cũng đang gián tiếp nắm 25,1% vốn tại THACO, 23,91% vốn tại REE và 10,03% vốn của VNM qua công ty con Jardine Cycle & Carriage. Một khoản đầu tư thuộc diện lâu đời nhất của Jardine Matheson phải kể đến hơn 7% cổ phần của ngân hàng ACB trị giá hơn 100 triệu USD. Số cổ phần này do "chân rết" Connaught Investors nắm giữ và mới đây đã chuyển nhượng nội bộ cho 2 công ty thành viên khác.
Tập đoàn này cũng không bỏ qua lĩnh vực bất động sản khi 2 tòa nhà văn phòng tại 63 Lý Thái Tổ đối diện Nhà hát lớn và tòa nhà Central Building (đoạn giao phố Hai Bà Trưng – Bà Triệu) đều thuộc sở hữu của Hongkong Land. Đơn vị này đã bắt tay với Son Kim Land phát triển dự án cao cấp The Nassim tại quận 2, TP.HCM. Tại lĩnh vực bán lẻ, công ty Dairy Farm của Jardine Matheson đã đầu tư vào chuỗi bán lẻ các sản phẩm chăm sóc sức khỏe Guardian và siêu thị Giant. Bản thân Dairy Farm cũng là một trong những nhà bán lẻ hàng đầu châu Á với hơn 6.000 cửa hàng tại hơn 12 quốc gia trên khắp châu Á.
Cẩn trọng trên những nấc thang cao hơn
Trao đổi với PV về câu chuyện trên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho hay, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đang ngày càng có nhiều thay đổi khi hội nhập ngày càng sâu rộng. Môi trường kinh doanh đã tăng 14 bậc, xếp thứ 68/190 nền kinh tế được đánh giá. Bên cạnh đó, việc chúng ta giữ được mức tăng trưởng cao thời gian qua, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động cũng là một điểm sáng đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Thị trường chứng khoán đã có những bước phát triển đáng kể, được đánh giá top các thị trường sôi động nhất khu vực Đông Nam Á. Bởi vậy mà các nhà đầu tư cả ngắn hạn và dài hạn đều đặt kỳ vọng nhiều vào thị trường có gần 100 triệu dân này. Vấn đề đặt ra là làm sao để tận dụng, khơi thông được các thế mạnh này để đem lại lợi ích chung cho nền kinh tế.
Ông Glenn B. Maguire, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương ngân hàng ANZ từng chia sẻ với báo giới, cổ phần hóa, tư nhân hóa doanh nghiệp Nhà nước là vấn đề mà các nền kinh tế đang phát triển phải xử lý khi muốn chuyển lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị.
Cũng theo ông, nếu công cuộc này diễn ra thành công, nền kinh tế sẽ nhận được nhiều điểm cộng khi có sự tham gia của các công ty nước ngoài với công nghệ, kỹ năng, trình độ sản xuất ở mức cao.
“Nhưng mặt khác, nếu làm không tốt quá trình này, chúng ta sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp nước ngoài chiếm lấy cổ phần của doanh nghiệp Nhà nước lớn của Việt Nam, tận dụng lợi thế lao động giá rẻ để đầu tư, kiếm lời. Nhưng thay vì đầu tư trở lại cho nền kinh tế Việt Nam và tạo việc làm cho lao động Việt Nam, họ sẽ chuyển lợi nhuận về nước”, ông Glenn B. Maguire cho biết.
Cùng nhận định về khía cạnh trên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, sự xuất hiện những cuộc “săn mồi” ngày càng lớn của các "cá mập ngoại" cũng đặt ra thách thức khi các doanh nghiệp nội có thể bị các nhà đầu tư nước ngoài thôn tính. Khi đó, thị phần để các nhà đầu tư Việt Nam có thể đầu tư thu