Chiều 27/7, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức họp báo thông tin về việc hỗ trợ công dân tỉnh Cà Mau đang ở vùng dịch ngoài tỉnh bị ảnh hưởng trong thời điểm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Thông tin tại buổi họp báo, ông Hồ Việt Lắm, Trưởng Ban Liên lạc Hội đồng hương Cà Mau – Bạc Liêu tại TP.HCM cho biết, ban Liên lạc có khoảng 20 người trực điện thoại tiếp nhận thông tin của bà con đồng hương về việc hỗ trợ khó khăn và mong muốn về quê.
Trong điều kiện như vậy, ban Liên lạc đã chủ động vận động tổ chức cứu trợ cho bà con. Theo đó, đợt 1 có tổng số người đăng ký nhận cứu trợ là 1.233 người (Cà Mau 691 người, Bạc Liêu có 532 người).
Ban Liên lạc Hội đồng hương Cà Mau – Bạc Liêu đã vận động được quỹ tài chính là 120,7 triệu đồng, chủ yếu là các mạnh thường quân đóng góp; hàng trăm tấn hàng hóa thiết yếu. Từ đó đã cứu trợ 1.200 phần.
Hiện, ban Liên lạc Hội đồng hương Cà Mau – Bạc Liêu tiếp tục thực hiện vận động cứu trợ đợt 2. Và từ ngày 23 đến nay đã có hơn 3.000 người đăng ký xin cứu trợ.
Ông Hồ Việt Lắm cũng cho rằng: “Quan điểm của ban Liên lạc không nên làm theo phong trào mà phải tùy thuộc vào hoàn cảnh điều kiện cụ thể. Đưa bà con về phải an toàn và đảm bảo an toàn phòng chống dịch, tránh tạo vùng dịch mới.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng kiến nghị tỉnh xem xét không phải đưa tất cả người về tỉnh, mà chỉ tiếp nhận và giải quyết những trường hợp đặc biệt khó khăn”.
Ông Nguyễn Đức Thánh, Chánh văn phòng UBND tỉnh Cà Mau thông tin thêm, tỉnh Cà Mau đã có chủ trương và rất mong muốn đón công dân của tỉnh ở vùng dịch gặp khó khăn về quê. Tuy nhiên, hiện cơ sở vật chất và năng lực của tỉnh chưa đáp ứng để thực hiện.
Theo ông Thánh, số ca F1 đang cách ly tập trung tại tỉnh là gần 900 người, số cách ly tại nhà trên 2.500 người. Hiện nay, số giường điều trị Covid-19 là 240 giường, 150 máy thở. Số giường để thực hiện cách ly tập trung của tỉnh là khoảng hơn 1.200 giường.
Trong khi hiện nay đã đưa vào cách ly khoảng 900 giường. Tỉnh hiện chỉ 2 cái máy xét nghiệm PCR, năng lực xét nghiệm mỗi ngày khoảng 1.000 ca.
“Hiện tỉnh đang cố gắng rà soát bố trí thêm số giường cách ly. Chủ trương của lãnh đạo tỉnh cố gắng phải cố gắng có dự phòng tối thiểu 500 giường”, ông Thánh chia sẻ.
Cũng theo ông Thánh, ở Cà Mau, số bà con đi lao động, học tập, trị bệnh ở ngoài tỉnh là rất đông. Và hiện số bà con còn kẹt ở lại ở các tỉnh cũng rất lớn. Trong đó, số lượng bà con mong muốn về quê là khoảng vài chục ngàn người, đa số ở các tỉnh có diễn biến dịch phức tạp.
Trong khi điều kiện của tỉnh chỉ có khoảng hơn 1000 giường cách ly tập trung và số giường điều trị của chỉ có hơn 240 giường.
“Hiện tại để xử lý hỗ trợ bà con thì trước mắt lãnh đạo tỉnh chủ trương thông qua ban Liên lạc Hội đồng hương tiếp tục rà soát đối tượng thực sự khó khăn để tìm các nguồn hỗ trợ bà con. Qua đó, cũng vận động bà con còn trụ được ở TP.HCM thì cố gắng ở lại, hạn chế tối đa về quê”, ông Thánh nói.
Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh cũng chỉ đạo các Sở, ngành chủ động phối hợp với ban Liên lạc rà soát đối tượng khó khăn để hỗ trợ, nhất là những người đặc biệt khó khăn. Chủ động nắm bước này, tùy theo tình hình dịch bệnh và khả năng của tỉnh có hướng xử lý tiếp theo.