Ngày 26/10, Sở Y tế tỉnh Cà Mau cho biết từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xuất hiện 8 ổ bệnh dại ở 6 địa phương và đã có 5 người tử vong. Nguyên nhân đều xuất phát từ chó dại gây ra.
Theo Chi cục Thú y tỉnh Cà Mau, số lượng đàn chó, mèo của tỉnh đạt hơn 143.000 con. Trong số này, tỉ lệ tiêm phòng bệnh dại mới chỉ đạt khoảng 15%. Chi phí tiêm ngừa vắc-xin dại cho chó nuôi không đắt, còn chi phí phải chi trả để người bị chó cắn đi tiêm ngừa là rất cao. Tuy nhiên, tại các vùng nông thôn, việc tiêm ngừa phòng dại còn chưa được chú trọng.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau cho biết, tiêm vắc-xin phòng bệnh dại là biện pháp duy nhất để phòng bệnh. Tuy nhiên, một bộ phận người dân có tâm lý chủ quan hoặc lựa chọn điều trị không phù hợp nên để lại hậu quả đáng tiếc.
“Chúng ta có thể phòng bệnh bằng cách tiêm ngừa đủ liều, điều này hết sức quan trọng. Một điều nữa là các biện pháp điều trị theo dân gian, chẳng hạn lấy nọc hay là dùng thuốc đông y và cả các biện pháp dân gian khác để điều trị bệnh dại thì hoàn toàn không có hiệu quả”, ông Dũng nói.
Theo Sở Y tế Cà Mau, bệnh dại được gây ra chủ yếu do chó cắn chiếm 96%, còn lại là do mèo. Để chủ động phòng, chống bệnh dại người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau: Nuôi chó, mèo phải xích, nhốt, tuyệt đối không để chó, mèo chạy rông, khi ra đường phải có người dẫn và bịt miệng; Phải tiêm ngừa vắc-xin đầy đủ cho chó, mèo và tiêm nhắc lại hàng năm theo hướng dẫn của ngành thú y; Người bị chó, mèo cắn, cào cần làm sạch vết thương ngay, không tự ý nặn máu, không băng kín vết thương, sau đó phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để xử lý vết thương và được tư vấn tiêm ngừa phòng bệnh dại kịp thời; Tuyệt đối không tự điều trị và không nhờ thầy lang điều trị.
Quốc Tiệp (theo vov.vn, sggp.org.vn)