Cà Mau: Phấn đấu đến năm 2030, sản lượng cua đạt hơn 29 nghìn tấn

Cà Mau: Phấn đấu đến năm 2030, sản lượng cua đạt hơn 29 nghìn tấn

Ngạc Kim Giang

Ngạc Kim Giang

Thứ 6, 08/09/2023 20:26

Tỉnh Cà Mau phấn đấu đến năm 2030, ổn định diện tích nuôi cua khoảng 265.000ha, năng suất bình quân đạt 0,11 tấn/ha/năm, sản lượng đạt khoảng 29.150 tấn.

Giàu tiềm năng phát triển

Theo Vietnam+, hiện nay, nghề nuôi cua vùng Đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu tập trung ở tỉnh Long An, Trà Vinh, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau, trong đó nghề nuôi cua biển của Cà Mau có nhiều điểm khác biệt bởi điều kiện tự nhiên riêng biệt, kéo theo thổ nhưỡng, nguồn nước cũng phù hợp với điều kiện phát triển của con cua.

Một lợi thế mà ít địa phương nào có được nữa là rừng ngập mặn với diện tích hơn 80.000ha… đã góp phần tạo nên sản phẩm có chất lượng được đánh giá là ngon nhất của của nước.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau, trong những năm gần đây, diện tích và sản lượng cua nuôi của tỉnh Cà Mau không ngừng tăng. Nếu như năm 2016, diện tích nuôi cua chỉ khoảng 240.000ha, năng suất bình quân 70kg/ha, sản lượng trên 17.400 tấn/năm thì đến năm cuối năm 2022, diện tích nuôi đã đạt khoảng 252.000ha, năng suất bình quân 100kg/ha, sản lượng ước đạt khoảng 25.000 tấn/năm.

Trong số đó, diện tích nuôi cua kết hợp với tôm trong vùng rừng ngập được chứng nhận sinh thái, hữu cơ và các chứng nhận khác gần 20.000ha (có 9 loại chứng nhận), sản lượng đạt khoảng 2.000 tấn. Phần lớn diện tích còn lại được nuôi theo hình thức tự nhiên, sinh thái.

Kinh tế - Cà Mau: Phấn đấu đến năm 2030, sản lượng cua đạt hơn 29 nghìn tấn

Sản phẩm Cua Cà Mau đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp văn bằng chứng nhận chỉ dẫn địa lý.  Ảnh: Báo Nhân Dân

Không dừng lại ở đó, qua nhiều năm chuyển đổi sản xuất, đến nay mô hình nuôi cua của tỉnh ngày càng đa dạng về hình thức, như nuôi cua kết hợp với các loài thủy sản khác (vùng nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến chuyên tôm, tôm lúa, tôm rừng) với diện tích khoảng 248.000ha; nuôi thâm canh, bán thâm canh (nuôi cua hầm đất) bằng phương pháp nuôi cải tiến 2 giai đoạn khoảng 2.000ha…

Đặc biệt, sản phẩm Cua Cà Mau đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp văn bằng chứng nhận chỉ dẫn địa lý thật sự là bước ngoặt quan trọng, là cơ sở, tiền đề để địa phương thúc đẩy mạnh hơn nữa hoạt động sản xuất, quản lý sản phẩm, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho xúc tiến thương mại, liên kết trong việc tổ chức sản xuất, phân phối, tiêu thụ sản phẩm Cua Cà Mau trong và ngoài nước.

Phấn đấu sản lượng cua đạt hơn 29 nghìn tấn

Theo Pháp luật Việt Nam, để phát triển bền vững nghề nuôi cua Cà Mau, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa ký quyết định phê duyệt Đề án phát triển bền vững nghề cua tỉnh Cà Mau đến năm 2030 (đề án).

Theo Đề án, từ nay đến năm 2030, Cà Mau sẽ khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế địa phương; ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao giá trị và phát triển bền vững nghề cua. Tỉnh tổ chức sản xuất các loại hình nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với từng vùng sinh thái; hợp tác liên kết chuỗi giá trị sản phẩm, gắn với xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực, thành phần kinh tế khác nhau để đầu tư, phát triển sản phẩm, trong đó xác định doanh nghiệp nắm vai trò chủ đạo để kết nối các vùng sản xuất.

Nghề cua được xác định phát triển thành ngành sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao, tổ chức sản xuất hợp lý, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; đáp ứng nhu cầu thị trường; góp phần tăng thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tỉnh tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc định hướng, xây dựng các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Duy trì, phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; hình thành vùng nuôi tập trung, quy mô lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao giá trị, chất lượng, số lượng sản phẩm cung ứng cho thị trường, định hướng phát triển sản phẩm theo tiêu chuẩn hữu cơ, sinh thái.

Giao Thông đưa tin, cũng theo đề án, tỉnh Cà Mau phấn đấu đến năm 2025, diện tích nuôi cua đạt khoảng 258.000ha, năng suất bình quân đạt 0,10 tấn/ha/năm, sản lượng đạt khoảng 25.800 tấn.

Năng lực sản xuất cua giống đạt khoảng 1,25 tỷ con/năm, đáp ứng 100% nhu cầu thả nuôi (khoảng 0,516 tỷ con/năm).

Ngoài ra, tỉnh Cà Mau cũng phấn đấu xuất khẩu 20-25% sản lượng cua nuôi trong tỉnh; hình thành và phát triển chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm cua đạt 10%.

Theo nội dung đề án, đến năm 2030, ổn định diện tích nuôi cua khoảng 265.000ha, năng suất bình quân đạt 0,11 tấn/ha/năm, sản lượng đạt khoảng 29.150 tấn. Đưa năng lực sản xuất cua giống đạt khoảng 1,4 tỷ con/năm, đáp ứng 100% nhu cầu thả nuôi (khoảng 0,53 tỷ con/năm).

Đồng thời, phấn đấu xuất khẩu 30-35% sản lượng cua nuôi trong tỉnh. Hình thành, phát triển chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm cua đạt 30%.

Tổng kinh phí thực hiện Phê duyệt Đề án phát triển bền vững nghề cua Cà Mau đến năm 2030 là 219,7 tỷ đồng (ngân sách địa phương 111,2 tỷ đồng, nguồn vốn ngoài ngân sách 108,5 tỷ đồng), trong đó kinh phí phân khai theo từng giai đoạn cụ thể: Giai đoạn 2023 - 2025 là 75,5 tỷ đồng (ngân sách địa phương 38,5 tỷ đồng, nguồn vốn ngoài ngân sách 37 tỷ đồng); giai đoạn 2026 - 2030 là 144,2 tỷ đồng (ngân sách địa phương 72,7 tỷ đồng, nguồn vốn ngoài ngân sách 71,5 tỷ đồng).

“Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và địa phương triển khai thực hiện Đề án; theo dõi, kiểm tra, tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện Đề án, định kỳ hàng năm, 5 năm, kết thúc Đề án, báo cáo tình hình, kết quả thực hiện về UBND tỉnh và các Bộ, ngành có liên quan; tham mưu UBND tỉnh tổ chức sơ kết, tổng kết; đề xuất điều chỉnh các danh mục thực hiện Đề án và giải pháp phù hợp trong quá trình triển khai thực hiện Đề án”, lãnh đạo tỉnh Cà Mau nêu rõ.

Đề án được kỳ vọng phát triển bền vững nghề cua, mở ra một hướng đi mới trong đa dạng hóa loài nuôi thủy sản, tăng sản lượng trên cùng một diện tích, hạn chế chi phí sản xuất, tăng thu nhập, từng bước cải thiện đời sống của người dân, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế địa phương ổn định. Với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh, Cà Mau phấn đấu đưa nghề cua thành một ngành sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả và phát triển bền vững.

Trước đó, từ ngày 23-31/12/2022, tỉnh Cà Mau tổ chức ngày hội cua Cà Mau - lần thứ I năm 2022 với chủ đề "Cua Cà Mau - Điểm hẹn văn hóa ẩm thực".

Đây là sự kiện lớn và quan trọng của tỉnh Cà Mau, với gần 300 tấn cua các loại đã được chuẩn bị, phục vụ tốt nhu cầu của du khách trong suốt thời gian diễn ra ngày hội.

 

Minh Hoa (t/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.