Ngày 21/5, tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, đơn vị là một trong những đơn vị tiên phong trong tỉnh ứng dụng công nghệ số, thông qua việc ứng dụng phần mềm, hệ thống cơ sở dữ liệu để quản lý và thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp.
Điển hình như phần mềm: Nông nghiệp Cà Mau; phần mềm quản lý và giám sát hệ thống đê điều; hệ thống giám sát thiên tai (VNDMS); phần mềm quản lý sâu bệnh trên cây trồng; áp dụng mô hình tưới tiêu tự động tại Trung tâm Giống nông nghiệp; ứng dụng công nghệ GIS và ảnh viễn thám để xây dựng các phần mềm phát hiện sớm và cảnh báo cháy rừng từ ảnh vệ tinh; phần mềm giám sát và phát hiện sớm mất rừng, suy thoái rừng; ứng dụng công nghệ 4.0 vào hệ thống đo môi trường nước trên tuyến sông phục vụ công tác nuôi trồng thủy sản; hệ thống giám sát tàu cá;...
Tuy nhiên, quá trình triển khai, vận hành, còn gặp không ít khó khăn, do một số nguyên nhân chủ yếu như: Năng lực tiếp cận, ứng dụng công nghệ của hộ dân, hợp tác xã còn hạn chế; khối lượng cơ sở dữ liệu yêu cầu số hóa ngành nông nghiệp rất lớn trong khi nguồn lực đầu tư còn ít.
Theo ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, nhằm tháo gỡ khó khăn và thực hiện các biện pháp thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, tỉnh Cà Mau yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, VNPT Cà Mau, Viettel Cà Mau và các sở, ngành, đơn vị chức năng, trên cơ sở tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình hay của các địa phương trên cả nước, rà soát việc thực hiện nhiệm vụ số hóa thuộc ngành, lĩnh vực quản lý.
Qua đó, có biện pháp tháo gỡ, đề xuất giải pháp thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số trên lĩnh vực nông nghiệp hiệu quả.
Trong đó, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan thông tin truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền tác phẩm “Làng số” và đưa nội dung này vào kế hoạch tuyên truyền của ngành đến rộng rãi nông dân và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau; báo cáo, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau trước ngày 30/5.
Đến nay, có 103/144 dịch vụ công của Bộ NN&PTNT được tích hợp lên Cổng dịch vụ công (DVC) quốc gia. Hiện nay, ngành NN&PTNT đang quản lý, khai thác, sử dụng khối lượng lớn các hệ thống thông tin (HTTT), cơ sở dữ liệu (CDSL) chuyên ngành trên các lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, thú y, bảo vệ thực vật, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, phòng chống thiên tai,… nhằm phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành chung của Bộ từ Trung ương đến địa phương.
Thời gian qua, việc số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), công nghệ số để nâng cao giá trị kinh tế số trong một số lĩnh vực nông nghiệp đã được triển khai. Trong đó, có lĩnh vực thủy lợi, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, bán hàng nông sản qua mạng,...