Nhiều hộ dân phải sử dụng nước nhiễm phèn, nhiễm mặn
Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, tình hình hạn hán trên địa bàn tỉnh Cà Mau hiện đang diễn biến phức tạp, nắng nóng gay gắt và khả năng kéo dài, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân, trong đó có vấn đề thiếu nước sạch sinh hoạt.
Nhiều hộ dân phải sử dụng nguồn nước nhiễm phèn, nhiễm mặn hoặc mua nước với giá cao để sử dụng, điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt, đời sống người dân.
Mùa khô năm nay, người dân sinh sống ở vùng nước ngọt huyện Trần Văn Thời không chỉ đối mặt với hạn hán kéo dài gây sạt lở, sụt lún đất mà còn phải sống trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt.
Nguyên nhân dẫn đến thiếu nước sinh hoạt là do người dân sinh sống ở một số khu vực nước giếng khoan bị nhiễm phèn, không sử dụng được.
Bên cạnh đó, mặc dù người dân đã có nguồn nước mưa tích trữ, nhưng do nắng nóng kéo dài nên lượng nước tích trữ không đủ để sử dụng gây ra khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày.
Bà Mai Cẩm Hường (ngụ tại huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) cho biết: "Cũng như mọi năm, gia đình tôi nhận thức được việc sinh sống ở vùng bị nhiễm phèn, nước không thể sử dụng được nên có mua các lu, bình chứa về để tích trữ nước mưa.
Tuy nhiên, nắng nóng cứ kéo dài mãi nên lượng nước mưa dự trữ cho năm nay cũng sắp hết, nước sạch dự trữ để dành cho việc ăn uống, còn tắm giặt thì gia đình tôi dùng nước ngầm bị nhiễm phèn bơm từ lòng đất lên".
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau, đến nay, toàn tỉnh có khoảng 2.620 hộ gia đình bị thiếu và không chủ động được nguồn nước sinh hoạt do hạn hán.
Khu vực đặc biệt khó khăn trong điều kiện tiếp cận nguồn nước chủ yếu tập trung ở các huyện Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình với khoảng 1.719 hộ, do không khai thác được nước ngầm, kênh rạch khô cạn, đường bị sụt lún, giao thông bị chia cắt…
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do phần lớn các hộ dân trên địa bàn tỉnh sử dụng nước mưa, nước ngầm phục vụ sinh hoạt, không có nguồn nước ngọt thay thế và bổ sung vào mùa khô hạn.
Trong khi nhiều nơi nguồn nước ngầm không thể sử dụng được do nhiễm phèn, mặn.
Ngoài ra, hệ thống cấp nước tập trung nông thôn chưa được đầu tư đồng bộ. Nhiều công trình được xây dựng từ những năm 1998 – 2013, qua thời gian sử dụng đến nay đã hư hỏng, xuống cấp, không còn an toàn và không đảm bảo khả năng cung cấp đủ nước phục vụ sinh hoạt cho người dân,…
Theo Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Cà Mau Lê Công Nguyên, Trung tâm đã chủ động tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vận động các doanh nghiệp, nhà cung cấp thiết bị ống nước, bồn trữ nước để hỗ trợ cho người dân, cũng như thực hiện kéo dài đường ống nước ở các khu vực đủ điều kiện.
Hiện, đã có một số doanh nghiệp đồng ý đồng hành cùng với tỉnh hỗ trợ các hộ dân, góp phần khắc phục tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.
Trước tình hình trên, các cấp, các ngành đang khẩn trương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đảm bảo nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt cho người dân, không để bất kì người dân nào phải thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô năm nay.
Chi ngân sách 10 tỷ đồng để hỗ trợ nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất sử dụng 10 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh để hỗ trợ các huyện: Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình mua dụng cụ trữ nước cho người dân; giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mở rộng mạng đường ống cấp nước các công trình hiện có để đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân.
Trong quá trình thực hiện, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, kiểm soát chặt chẽ vật tư, thiết bị thi công và đảm bảo chất lượng công trình.
Thống nhất chủ trương cho Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn thực hiện công tác hoàn trả mặt bằng bê tông trên đường ống; lắp đặt, hoàn thiện đường ống và lắp đặt đồng hồ nước... bằng nguồn chi phí hoạt động dịch vụ của đơn vị.
Bên cạnh đó, UBND huyện Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, vận động các hộ dân giải phóng mặt bằng theo tuyến ống đi qua, tham gia đào đất để lắp đặt đường ống (trên đất của hộ gia đình), bảo vệ đường ống; huy động lực lượng thanh niên, lực lượng vũ trang, người dân địa phương... tham gia đào đất để lắp đặt đường ống ở các tuyến đi qua khu vực công cộng, hoặc đi ngang những hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt... để kịp thời lắp đặt đường ống.
Ngoài ra, UBND các huyện Phú Tân, Cái Nước, Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển và thành phố Cà Mau chủ động sử dụng nguồn kinh phí đã được bố trí từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để hỗ trợ người dân đảm bảo nguồn nước sinh hoạt, theo chỉ đạo tại Công văn số 1219/UBND-NNTN ngày 20/02/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh.
Đặc biệt, trong thời gian hạn hán, có những nơi rất khó khăn về nguồn nước sinh hoạt, do đó yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn rà soát, tăng công suất các công trình đang vận hành để kịp thời bổ sung nguồn nước cho người dân gặp khó khăn về nước ở khu vực lân cận đến lấy nước sinh hoạt (cấp miễn phí).
Qua thời gian hạn hán, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp khối lượng nước cấp miễn phí cho hộ dân và đề xuất UBND tỉnh, Sở Tài chính biện pháp xử lý.
Đồng thời, giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, hướng dẫn Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn thực hiện hồ sơ, thủ tục đối với trường hợp khai thác nước dưới đất vượt hạn mức được cấp phép (nếu có), do tăng công suất cấp nước cho hộ dân.