Nông dân như “ngồi trên đống lửa”
Ngày 30/11, tổng hợp nhanh từ đơn vị chức năng huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau, tính đến hết 27/11, các trà lúa - tôm toàn huyện đã thu hoạch sớm được hơn 1.900ha (khoảng 10% tổng diện tích lúa-tôm toàn huyện), với tổng sản lượng hơn 12.400 tấn.
Trong số này, vùng trồng lúa ST24, ST25 thu hoạch sớm được 970ha, tổng sản lượng hơn 6.300 tấn, nhưng mới tiêu thụ (thông qua các hợp đồng liên kết bao tiêu) được gần 2.500 tấn (giá trung bình khoảng 8.100đ/kg), còn tồn hơn 3.800 tấn.
Lúa tồn đọng tập trung chủ yếu ở các xã Tân Bằng, Biển Bạch Đông, Trí Phải của huyện Thới Bình, trung bình mỗi nơi còn từ 1.100 đến hơn 1.300 tấn lúa ST24, ST25 chưa bán được.
Tại Biển Bạch Đông và Tân Bằng, nhà nông thu hoạch lúa gặp xui ngay thời điểm mưa nhiều khiến lúa có độ ẩm cao, không đạt tiêu chuẩn thu mua theo hợp đồng ký kết giữa Công ty cổ phần lương thực A An và các hợp tác xã, từ đó đơn vị bao tiêu từ chối thu mua.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Thới Bình, Công ty cổ phần lương thực A An là đơn vị trực thuộc Công ty Cổ phần tập đoàn Tân Long.
Đây cũng là năm đầu tiên đơn vị này liên kết chuỗi tiêu thụ lúa tại Thới Bình, tổng diện tích khoảng 1.000ha, chủ yếu với giống ST24, ST25 tại địa bàn xã Tân Bằng và Biển Bạch Đông.
Đến nay, đơn vị trên mới thu mua được hơn 191 tấn lúa thương phẩm ở địa bàn Biển Bạch Đông và Tân Bằng, số lượng chưa được 10% tổng sản lượng lúa nông dân đã thu hoạch sớm ở 2 xã nêu trên.
Chia sẻ lý do thương lái không thu mua lúa, bà Nguyễn Thị Nga, ngụ ấp Nguyễn Tòng, xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình cho hay: “Khi bên thu mua xuống xem lúa, họ nói rằng lúa không đạt độ ẩm nên chúng tôi phải phơi nắng lại. Mấy ngày nay, trời mưa liên tục nên lúa bị ẩm mốc, mọc rễ, tôi buộc phải huy động 4 cây quạt ngày đêm nhằm "chữa cháy" tạm thời”.
Cùng cảnh ngộ, ông Nguyễn Văn Lắm, ngụ ấp Phước Hoà, xã Biển Bạch Đông chỉ tay về đống lúa đang phơi dưới mái che trong nhà, lộ rõ nỗi lo lắng.
Theo lời ông Lắm, gia đình có 3 năm làm lúa ST24 nhưng không năm nào như năm nay và chưa bao giờ thấy thương lái thu mua lúa kiểu như vậy. Đến nay, gia đình đã thu hoạch hoàn tất, nhưng phía công ty không chịu thu mua. Giờ đây ông không biết phải làm sao.
Được mùa nhưng…không bán được
Trước tình hình này, ngày 28/11, Sở NN&PTNT phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Thới Bình, UBND 2 xã Biển Bạch Đông và Tân Bằng, cùng đại diện 3 HTX Hòa Phát, Dân Phát và Ông Đuông có buổi làm việc với đại diện Công ty cổ phần lương thực A An.
Trong cuộc họp bàn cách tháo gỡ cho nông dân tại UBND xã Biển Bạch Đông, đại diện các hợp tác xã Dân Phát, Hoà Phát (xã Biển Bạch Đông) và Ông Đuông (xã Tân Bằng) bảy tỏ mong muốn chính quyền và ngành chức năng mau chóng can thiệp “giải cứu” lúa tồn giúp nông dân, nếu để lâu lúa sẽ bị ẩm mốc, mọc rễ hỏng hết.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Lượng, Trưởng ấp Nguyễn Tòng, xã Biển Bạch Đông nói: “Mỗi ngày cán bộ ấp nhận hơn 50 cuộc gọi cầu cứu. Nông dân thu hoạch xui rủi lúc mưa liên tục, lúa bị ẩm rầu thúi ruột không ai muốn. Tình cảnh này thì công ty vô thương lượng với dân, hạ thấp giá thu mua chứ từ chối không mua bà con biết tính làm sao”.
Cùng nỗi niềm trên, ông Lê Văn Tây, Giám đốc Hợp tác xã Ông Đuông bức xúc: “Bà con xã viên rất phối hợp và cầu thị nhưng gọi người bên công ty 2-3 ngày chưa ai xuống đo độ ẩm. Giờ công ty A An trả lời có mua lúa của dân hay không, chứ ngồi bàn hoài lúa trong dân bị ẩm mốc hư hết”.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Phương, Chủ tịch UBND xã Tân Bằng cũng cho biết thêm, xã có gần 50% diện tích lúa được bao tiêu, tuy nhiên, doanh nghiệp đưa ra tiêu chuẩn cao nên người dân chưa bán được lúa. Hiện còn khoảng 600ha lúa ST24, ST25 chưa có đầu ra.
Tỉnh Cà Mau có diện tích đất lúa - tôm khoảng 40.000ha, tập trung chủ yếu tại huyện Thới Bình, U Minh. Đây là mô hình tạo ra lúa sạch, bởi người dân không dùng thuốc bảo vệ thực vật nhằm gìn giữ môi trường nuôi tôm ở vụ mùa tiếp theo.
Với năng suất từ 6- 7 tấn/ha thì vụ lúa năm nay nông dân vùng lúa - tôm huyện Thới Bình “thắng đậm” về sản lượng. Tuy nhiên, nếu không kịp thời tháo gỡ khó khăn trong việc tiêu thụ, lưu thông hàng hoá thì công sức của nông dân xuống sông, xuống bể…!.