Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực ban Tổ chức Trung ương Đảng cho rằng: “Những người không đủ tiêu chuẩn thì phải loại ra khỏi vị trí đang đảm nhiệm và đơn vị đó phải rút kinh nghiệm về vấn đề bổ nhiệm cán bộ”.
PV: Vừa qua, báo chí phản ánh tình trạng nhiều vị trí chủ chốt trong bộ máy công quyền ở một số địa phương đều do người trong một gia đình nắm giữ. Có nhiều ý kiến, quan điểm được đưa ra, còn ông thấy sao về việc này?
Ông Lê Quang Thưởng: Theo quan điểm của tôi, một gia đình có nhiều người cùng giữ vị trí chủ chốt trong một đơn vị mà đủ tiêu chuẩn, được nhân dân tín nhiệm thì hoàn toàn có thể đề bạt và chuyện đó là bình thường.
Tuy nhiên, xét trong từng trường hợp cụ thể, nếu những cán bộ đó chưa đủ tiêu chuẩn, chưa đủ sự tín nhiệm mà người đứng đầu đơn vị lại thiếu dân chủ, chuyên quyền, tìm mọi cách để đưa con em, cháu chắt của mình lên giữ “ghế” thì phải lên án và cấp trên của đơn vị đó phải kiểm tra, xem xét xử lý nghiêm.
PV: Nhưng thưa ông, khi một nơi “cả nhà làm quan”, dù họ có đủ tiêu chuẩn cũng sẽ chặn đứng cơ hội của những người khác và thiếu môi trường cạnh tranh sòng phẳng?
Ông Lê Quang Thưởng: Đúng là sẽ xảy ra câu chuyện đó, nhưng rõ ràng cán bộ đủ năng lực, tín nhiệm thì phải sử dụng chứ không nên nghĩ tiêu cực “một người làm quan cả họ được nhờ”.
PV: Là người có nhiều năm làm công tác cán bộ, với hiện tượng “cả nhà làm quan” ở huyện An Dương (Hải Phòng), theo ông cần làm gì khi dư luận đang đặt câu hỏi về “lỗi” quy trình?
Ông Lê Quang Thưởng: Theo tôi, khi dư luận đặt dấu hỏi cũng như báo chí phản ánh, việc cần làm hiện nay là kiểm tra lại quy trình bổ nhiệm cũng như phẩm chất, đạo đức, năng lực, tư cách của những người đã được đề bạt. Nếu họ đủ đạo đức, phẩm chất, năng lực và tín nhiệm thì dù “cả nhà làm quan” tại một đơn vị cũng là bình thường. Ngược lại, những người không đủ tiêu chuẩn thì phải loại ra khỏi vị trí đang đảm nhiệm và đơn vị đó phải rút kinh nghiệm về vấn đề này.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, “cả nhà làm quan” tại một đơn vị sẽ xảy ra tình trạng bao che, bưng bít, thậm chí lạm quyền. Ông nghĩ sao về điều này?
Ông Lê Quang Thưởng: Nếu “cả nhà làm quan” thì dễ sinh ra tình trạng bao che, thiếu khách quan trong công việc, thậm chí là cậy quyền. Nhưng tôi vẫn muốn nhấn mạnh rằng, với những người đủ tiêu chuẩn, năng lực, cần phải giữ họ ở lại làm việc. Nếu cán bộ không đủ tiêu chuẩn, tín nhiệm thì phải xem xét xử lý và cơ quan quản lý đơn vị đó phải kiểm điểm trách nhiệm. Ví dụ, đề bạt ở cấp huyện thì cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm về việc bổ nhiệm thiếu dân chủ, minh bạch chứ không thể nói cấp trên quản lý là “vô can”, không có ý kiến gì.
PV: Vậy theo ông, làm sao để hạn chế tình trạng “cả nhà làm quan” ở một nơi, tạo sự dân chủ?
Ông Lê Quang Thưởng: Theo tôi, vấn đề nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của người nắm quyền lực Nhà nước phải rõ ràng và minh bạch, để ai nắm giữ cương vị đó cũng không thể nào làm khác được. Người đứng đầu phải luôn có trách nhiệm giải trình về việc của mình trước tập thể cũng như người dân, để họ biết ông làm gì và làm như thế nào.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Hương Lan