Sáu người trong cùng một gia đình làm “quan” tại huyện An Dương vừa gây xôn xao dư luận được xác định gồm: Ông Nguyễn Trường Sơn – Phó chủ tịch UBND, ông Nguyễn Thế Son – Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch, ông Nguyễn Thế Hùng – Phó ban Tổ chức Huyện ủy, bà Nguyễn Thị Hương – Phó phòng Nội vụ, ông Nguyễn Thế Đức – Phó bí thư Huyện đoàn, bà Phạm Thị Như (con dâu ông Son) – chuyên viên phòng Tài chính – Kế hoạch.
PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Bích - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy huyện An Dương để làm rõ vấn đề này.
PV: Thưa ông, rõ ràng có 6 người trong một gia đình đang công tác ở huyện với vị trí từ lãnh đạo đến nhân viên. Ông nói việc cả nhà làm “quan” theo ngôn từ của dư luận là không có cơ sở, ông có thể giải thích rõ việc này?
Ông Hoàng Bích: Trước hết tôi không đồng ý dùng từ “cả nhà làm quan”, mà nên dùng từ “cả nhà làm cán bộ, lãnh đạo” cho chuẩn. Còn theo cách nói của dư luận, dùng từ “cả nhà làm quan”, chúng ta hiểu là phải dùng quyền lực dắt díu nhau vào cơ quan Đảng, Nhà nước. Nhưng trong trường hợp 6 đồng chí này, đến nay không một đồng chí nào là cán bộ chủ chốt của huyện nên không có cơ hội dắt díu nhau vào huyện để nói “cả nhà làm quan”.
PV: Đối với các chức danh trên, ông Nguyễn Trường Sơn làm Phó chủ tịch UBND huyện, còn anh trai ông Sơn là Nguyễn Thế Son là Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch huyện. Vậy ông nhìn nhận việc này thế nào qua câu nói “dắt díu” nhau vào huyện làm?
Ông Hoàng Bích: Tôi thấy mấu chốt hiểu sai sự việc chính là ở chỗ này. Tôi xin cung cấp, năm 2013, khi ông Nguyễn Trường Sơn được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch UBND huyện An Dương thì ông Nguyễn Thế Son vẫn đang là Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch như bây giờ. Tôi xin hỏi, Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch có đủ quyền để bổ nhiệm em trai mình vào làm Phó chủ tịch UBND huyện không? Tương tự, Nguyễn Thế Hùng được bổ nhiệm Phó ban Tổ chức Huyện ủy từ năm 2009. Thời điểm đó, không lẽ ông Nguyễn Trường Sơn và ông Nguyễn Thế Son có thẩm quyền để quyết định? Trường hợp của bà Nguyễn Thị Hương, ông Nguyễn Thế Đức, bà Phạm Thị Như cũng vậy.
Thêm nữa, ông Nguyễn Trường Sơn, ông Nguyễn Thế Son và một số cán bộ, lãnh đạo khác nói ở trên từ khi nhận nhiệm vụ đều hoàn thành và hoàn thành tốt công việc được giao, được tập thể và người dân ghi nhận, nên việc lựa chọn con người nói trên là không sai.
PV: Như ông nói thì câu chuyện 6 người trong một gia đình làm “quan” ở huyện mà dư luận đang quan tâm là khách quan?
Ông Hoàng Bích: Đúng vậy, bởi như tôi đã nói ở trên, 6 người trong một gia đình này chưa bao giờ có ai là lãnh đạo chủ chốt để có cơ hội dắt díu anh em, người nhà vào huyện. Thêm nữa, quy trình để bổ nhiệm, sắp xếp cán bộ, Đảng viên vào nhiệm vụ chủ chốt đã được Đảng, Nhà nước quy định hết sức nghiêm ngặt, có tổ chức, có tập thể thống nhất chứ không phải thích là được.
PV: Nhưng tôi thấy, 6 người trong một gia đình hiện đang công tác trong một cơ quan Đảng, Nhà nước đúng là có cái để dư luận hoài nghi?
Ông Hoàng Bích: Đúng thế, ở đâu cũng có chuyện nọ chuyện kia, nhưng ở huyện An Dương như tôi đã phân tích ở trên thì chúng ta cũng nên có cái nhìn đúng đắn. Tiện đây tôi cũng xin liên hệ thêm, trong xã hội có những gia đình tiến sĩ, gia đình giáo viên, gia đình quân nhân… chúng ta thường biểu dương, tại sao một gia đình cán bộ nằm trong tổ chức bộ máy Đảng, Nhà nước được kiểm soát dân chủ, chặt chẽ chúng ta lại không? Không lẽ bố làm lãnh đạo cơ quan Đảng, Nhà nước, con có đạo đức, tố chất, trình độ… phù hợp, muốn làm, nhưng phải chọn nghề khác?
PV: Nói như ông thì việc 6 người trong một gia đình hiện đang công tác trong một cơ quan Đảng, Nhà nước như ở huyện là hoàn toàn bình thường và ông chịu trách nhiệm với tư cách là nhà tổ chức?
Ông Hoàng Bích: Đúng, tôi thấy mọi thứ là hoàn toàn khách quan, theo đúng quy định của Đảng, Nhà nước. Nếu sai không chỉ tôi mà còn cả tập thể, lãnh đạo huyện An Dương cũng phải chịu trách nhiệm.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Nhóm PV