Cả nhà ông Chấn đi làm thuê để kêu oan

Cả nhà ông Chấn đi làm thuê để kêu oan

Thứ 3, 12/11/2013 15:18

Sau hơn 10 năm ngồi tù về tội giết người, ông Nguyễn Thanh Chấn (SN 1961, trú tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang) mới được tạm tha và trở về mái ấm gia đình.

Cả làng quê nghẹn nước mắt, còn vợ ông không cầm được xúc động và ngất xỉu trong vòng tay chồng ngày đoàn tụ.

Nhớ lại tháng 8/2003, sau khi gây án, hung thủ chưa đầy 15 tuổi ung dung khi không bị cơ quan công an "sờ" đến và tung hoành từ Bắc chí Nam rồi lấy vợ, sinh con. Bí mật được sáng tỏ từ manh mối duy nhất đó là chiếc áo đẫm máu do người mẹ kế của hung thủ phát hiện ra.

10 năm và nỗi oan hiếp - giết ghê rợn

Ngày ông Nguyễn Thanh Chấn (SN 1961) trở về, vợ ông ngất lên ngất xuống, con cái mừng vui khôn xiết, hàng xóm đứng kín đường chờ chia vui. Ngôi nhà tuềnh toàng nằm trong con ngõ hẻm của ông Chấn lúc nào cũng nườm nượp người đến thăm hỏi. Những giọt nước mắt lăn dài, những tiếng nấc nghẹn trong niềm hạnh phúc vô tận sau ngày ông được trở về.

Theo nội dung vụ án, cách đây hơn 10 năm, ngày 15/8/2003, tại thôn Me, xã Nghĩa Chung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đã xảy ra vụ án giết người gây rúng động làng quê. Nạn nhân là chị Nguyễn Thị Hoan, một người mẹ đơn thân đang nuôi con 16 tháng tuổi. Qua kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, nạn nhân bị nhiều vết thương ở đầu, mặt, bụng làm đứt động mạch, chảy máu và mất máu cấp... dẫn đến tử vong.

Pháp luật - Cả nhà ông Chấn đi làm thuê để kêu oan

Ông Nguyễn Thanh Chấn xúc động trở về trong vòng tay người thân và làng xóm.

Ngày 17/8/2003, cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định khởi tố vụ án giết người theo Điều 93 bộ luật Hình sự để tiến hành điều tra. Tiếp đó, ngày 29/9/2003, đã ra quyết định khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam với ông Nguyễn Thanh Chấn về tội danh giết người. Ngày 10/2/2004, VKSND tỉnh Bắc Giang ra bản cáo trạng quyết định truy tố bị can Nguyễn Thanh Chấn về tội giết người theo quy định tại điểm n, khoản 1, Điều 93 bộ luật Hình sự.

Theo cáo trạng, vụ việc xảy ra khoảng 19h30' ngày 15/8/2003, tại nhà của chị Nguyễn Thị Hoan, gần quán nhà ông Chấn - bà Chiến. Một số nhân chứng khai thấy trong nhà chị Hoan diễn ra vật lộn, xô xát giữa một người đàn ông và một người phụ nữ. Đến khoảng 22h đêm, bà Hoàng Thị Hội (mẹ chị Hoan) phát hiện ra chị Hoan đã tắt thở, khắp nhà đầy vết máu, hung thủ đã biến mất tự bao giờ... Cũng trong khoảng thời gian từ 19h đến 19h20' cùng ngày, nhiều người khai nhìn thấy ông Chấn qua nhà chị Hoan, rồi tới nhà chị Viễn ở gần đó xin nước.

Bản cáo trạng nêu rõ: "Vì muốn quan hệ tình dục với chị Hoan nhưng không được chị đồng thuận, ông Chấn đã dùng chai bia đập vào đầu, dùng dao bấm đâm nhiều nhát vào chị Hoan. Sau đó, ông này cài chốt cửa nhà nạn nhân, tắt hết điện đóm rồi đi xin nước về tắm giặt bình thường. Cơ quan điều tra cũng xác định tại hiện trường, hai vết dấu chân trái dài 23cm, rộng 8,6cm và một vết chân phải dài 23,5cm rộng 9cm. Kết quả đo bàn chân của ông Chấn cho thấy chân trái ông Chấn dài 22cm, rộng 8,8cm, chân phải dài 23cm, rộng nhất 9,6cm".

Ngày 26/3/2004, TAND tỉnh Bắc Giang đã mở phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thanh Chấn và tuyên bị cáo phạm tội giết người với mức án tù chung thân. Bị cáo kêu oan và có đơn kháng cáo. Tuy nhiên, ngày 26 và 27/7/2004, Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án và tuyên y án sơ thẩm. Điều đáng chú ý là trong quá trình điều tra bị cáo Chấn có khai nhận hành vi giết người, nhưng tại các phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, bị cáo không nhận tội vì cho rằng mình bị ép cung nhưng không được cơ quan tố tụng chấp nhận. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật; Nguyễn Thanh Chấn đã phải thụ án, đến nay đã được hơn 10 năm.

Pháp luật - Cả nhà ông Chấn đi làm thuê để kêu oan (Hình 2).

Chân dung Lý Nguyễn Chung tại trại tạm giam.

Cả nhà đi làm thuê để kêu oan

Nhớ lại thời điểm ông Chấn bị bắt, bà Nguyễn Thị Chiến (SN 1965 - vợ ông Chấn) và các con cũng như rất đông anh em, họ hàng, làng xóm không thể nào tin được ông Chấn lại là hung thủ của một vụ án giết người. Khi ấy, bà Chiến dặn anh Nguyễn Hữu Quyết, con trai trưởng rằng: "Dù có phải bán nhà, bán sạch đất cũng phải minh oan cho bố".

Khó khăn chồng chất đến với gia đình bà Chiến thời điểm đó. Một mình bà gồng gánh vừa làm thuê, làm mướn khắp nơi nuôi 4 con nhỏ ăn học vừa chạy vạy khắp nơi gửi đơn kêu oan cho chồng. Trước lúc xảy ra sự việc, gia đình ông Chấn có chạy xe ngựa chở thuê vật liệu xây dựng, nhưng sau khi ông Chấn đi tù, công việc trở nên ế ẩm, không ai thuê mướn, con trai cả của bà đành phải cắn răng bán chiếc xe ngựa chịu lỗ, chuyển đi làm nghề phụ hồ để tiếp tục kêu oan cho bố.

Từ ngày ông Chấn thụ án, cứ mỗi tháng một lần, bà Chiến mang thực phẩm đến thăm ông ở trại giam. Càng về sau, do điều kiện khó khăn hơn, nên vài tháng bà và con cái mới lên thăm ông Chấn được. Mỗi lần gặp chồng, bà lại nghẹn nước mắt khi tập đơn thư kêu cứu dày cộm của bà vẫn chưa có kết quả. Có thời gian gia đình bà phải chạy ăn từng bữa nhưng bà vẫn quyết tâm đòi bằng được công lý cho chồng. Bà Chiến luôn dặn các con của mình, dù bà có ốm đau rồi qua đời, dù gia cảnh có nghèo khó, vất vả đến đâu thì cũng phải tiếp tục theo đuổi để rửa oan cho bố.

Nguyễn Thị Thu, con gái của ông Chấn chia sẻ: "Vất vả gian truân, nhiều hôm bà và mẹ em còn đem cả chiếu manh đi khắp các nơi để kêu oan cho bố em". Thu cho biết, trong suốt quá trình ông Chấn phải vào tù, lúc nào cũng thấy hoang mang và đau khổ. "Đi học thì bị bạn bè xa lánh, không có bạn nào ngồi cùng... Trong lúc đi tập thiếu nhi, không được vào đội duyệt, bạn bè cũng không đứng cùng. Từ khi bố bị vào tù, sinh hoạt cuộc sống hàng ngày gia đình đều bị mọi người xa lánh, nên gặp vô vàn khó khăn trong công việc, kiếm sống. Bà nội em đi chợ bán cà pháo, rau dưa... không ai mua. Có nhiều người còn nói khinh miệt bà em...", Thu nghẹn ngào nhớ lại.

Còn Nguyễn Thế Anh (con trai út của ông Chấn) bảo, chục năm đã trôi qua nhưng đến nay các thành viên trong gia đình vẫn không quên được những vất vả họ phải trải qua. Hồi đó, thương mẹ vất vả, anh chị của Thế Anh phải nghỉ học sớm để kiếm tiền cho mẹ đi kêu oan. Trong thâm tâm lúc nào Thế Anh cũng nghĩ bố bị bắt oan nên cậu không quan tâm nhiều đến chuyện đàm tiếu của thiên hạ. Cậu chia sẻ rằng chỉ thực sự buồn khi anh chị đi lấy vợ, lấy chồng mà không được tổ chức đám cưới linh đình như nhiều người khác. "Vì biết hoàn cảnh gia đình nên mẹ em cũng chỉ làm có vài mâm cơm để mời họ hàng chứng kiến", Thế Anh nói. Cậu cho biết thêm, do muốn kiếm tiền để làm kinh phí đi kêu oan cho bố, đến nay người chị cả (29 tuổi) đã đăng ký đi xuất khẩu lao động và chưa lập gia đình.

Nói về hoàn cảnh gia đình ông Chấn, hàng xóm nhà ông Chấn cho hay, dù lờ mờ đoán người đàn ông này vô tội nhưng họ sợ điều tiếng nên chẳng dám đi lại như trước. Vì thế, vợ con ông Chấn vẫn phải chịu những lời bàn tán sau lưng.

Sau quãng thời gian dài khi dư luận đã nguôi ngoai về vụ án mạng kinh hoàng thì một thông tin được đưa ra cho rằng ông Nguyễn Thanh Chấn không phải là thủ phạm. Hung thủ thực sự là Lý Nguyễn Chung, một thanh niên cùng thôn. Vậy là tội ác được che giấu suốt 10 năm trời nay mới được hé lộ.

Pháp luật - Cả nhà ông Chấn đi làm thuê để kêu oan (Hình 3).

Hàng loạt những lá đơn suốt 10 năm qua bà Chiến đi tìm công lý cho chồng.

Manh mối từ chiếc áo đẫm máu

Được biết, ông Lý Văn Chúc (bố hung thủ Lý Nguyễn Chung) là người dân tộc Sán Chỉ, gốc ở tỉnh Lạng Sơn. Trước đó, ông Chúc đã có vợ và bốn người con. Sau khi vợ ông bạo bệnh qua đời, năm 1995 ông lấy bà Nguyễn Thị Lành. Cuối năm 1998, hai ông bà có với nhau thêm một cậu con trai. Tất cả đều sống hòa thuận dưới một mái nhà.

Trò chuyện với PV Người Đưa Tin, bà Lành vẫn không giấu nổi ánh mắt sợ sệt thoáng chút kinh hoàng khi kể lại khoảng thời gian của 10 năm trước. Bà kể, chiều tối hôm ấy, đã đến bữa ăn nhưng người con riêng của chồng bà là Lý Nguyễn Chung (SN 1988) vẫn chưa về ăn cơm. Đến khoảng 20h, Chung mới về nhà thay quần áo và tắm sau đó trèo lên giường ngủ. Một lúc sau, bà bàng hoàng khi nghe làng xóm nói tin chị Nguyễn Thị Hoan, một người hàng xóm gần nhà bị sát hại. Đêm muộn, trong khi các con đã ngủ bà vẫn lặng lẽ sang chia buồn cùng mẹ chị Hoan.

Sáng ngày hôm sau, như thường lệ sau khi dọn dẹp nhà cửa bà đi giặt quần áo thì phát hiện ra chiếc áo tối qua Chung - con chồng bà mặc có màu đỏ giống vết máu. "Ngay trưa hôm đó thấy chồng tôi chuẩn bị đồ đạc để cho Chung đi Lạng Sơn thì tôi ngạc nhiên hỏi nhưng bị ông Chúc quát: "Bà không biết gì thì im đi". Thật sự lúc ấy tôi cũng có những hoài nghi nhưng do không biết thực hư câu chuyện thế nào nên cũng chẳng dám mở miệng".

Sau đó thấy ông Nguyễn Thanh Chấn, một người dân trong làng bị cơ quan công an bắt và kết án tù chung thân vì tội giết người, bà Lành đem chuyện này thắc mắc với chồng nhưng đều nhận được những lời đay nghiến: "Bà có muốn tôi giết chết bà không. Im đi". Sau đó, Chung cũng đi miền Nam làm ăn, lấy vợ và sinh con, lâu lâu mới về thăm gia đình. Vợ của Chung quê ở ĐắkLắk và chuẩn bị sinh hạ đứa con thứ hai.

Đến năm 2011, thấy vợ ông Chấn và các con ông ấy vẫn tiếp tục hành trình đi kêu oan, bà Lành mới thẳng thắn nói với chồng chuyện cũ. Bà bảo, nếu đúng như Chung là hung thủ của vụ án thì nên ra đầu thú để người vô tội được minh oan. "Tôi cũng tâm sự với vợ Chung rằng nếu như Chung có tội thật thì nên đầu thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Và nếu sự thật đúng như vậy thì tôi sẽ có trách nhiệm chăm sóc vợ Chung và các cháu. Tuy nhiên khi câu chuyện chưa được nói rõ ràng thì ông Chúc, chồng tôi nhiều lần đe dọa và luôn nói câu cửa miệng: Nếu có chuyện gì xảy ra với thằng Chung thì tôi sẽ giết bà và tự sát", bà Lành kể lại.

Cuối năm 2011, khi bà Lành và ông Chúc xảy ra mâu thuẫn khiến bà phải đi Móng Cái, Quảng Ninh làm thuê một thời gian để tránh những lời đay nghiến của chồng. Khoảng cuối năm 2012, nghi có chuyện chẳng lành sẽ xảy ra với mình bất cứ lúc nào bởi chồng mà luôn dọa giết, bà Lành đã nói những nghi vấn về việc rất có thể con chồng bà là Lý Nguyễn Chung đã giết chị Hoan trong vụ án năm 2003 với bố đẻ mình là ông Nguyễn Văn Hiền. Rồi ông Hiền kể lại những nghi vấn mà ông biết đến bà Nguyễn Thị Chiến, vợ ông Chấn để phục vụ quá trình đi kêu oan cho chồng.

Theo lời kể của bà Chiến, vợ ông Chấn, chiều tối ngày 20/5/2013 âm lịch, tại nhà ông Nguyễn Văn Khánh (anh ruột ông Hiền), ông Khánh đã nói với bà rằng ông Hiền kể cho ông biết về cái chết của chị Nguyễn Thị Hoan vào ngày 15/8/2003 là do Lý Nguyễn Chung giết vào buổi tối, lúc chưa ăn cơm. Chung đã giết chị Hoan lấy được một nhẫn vàng, một nhẫn bạc.

Theo lời kể lại, sau khi sát hại chị Hoan dã man, Chung về nhà tắm rửa. Do thấy quần áo Chung bẩn và người có vết máu nên ông Chúc, bố Chung, đã hỏi chuyện và biết Chung đã gây ra vụ án đau lòng trên. Ban đầu ông Chúc tính cho con tạm lánh ở Lạng Sơn một thời gian sau đó sẽ ra đầu thú, thế nhưng sau quá trình điều tra công an đã bắt ông Nguyễn Thanh Chấn, sau đó bị tòa kết án tù chung thân về tội giết người nên ông Chúc và Chung đã giấu nhẹm tội ác tày trời này.

Sau khi có những thông tin trên, ngày 5/7/2013, bà Nguyễn Thị Chiến đã có đơn kêu oan gửi đến cơ quan điều tra VKSNDTC. Ngay sau khi nhận được đơn, cơ quan điều tra VKSNDTC tổ chức xác minh, lần theo chỗ ở của Chung. Theo cơ quan điều tra, chỉ trong 2 tháng, Chung đã sử dụng gần 100 sim điện thoại và liên tục thay đổi chỗ ở.

Bên cạnh việc khẩn trương triển khai các biện pháp điều tra, xác minh, cơ quan chức năng còn kiên trì vận động Chung ra đầu thú. Cho đến ngày 25/10, thấy tội ác đã bị lật tẩy nên Chung đã ra đầu thú tại công an huyện Krông Năng, tỉnh ĐắkLắk. Sau khi nhận bàn giao, cơ quan điều tra đã di lý Lý Nguyễn Chung ra Hà Nội để điều tra làm rõ hành vi phạm tội của Chung.

Khi sự thật đã được hé lộ, ông Lý Văn Chúc nhiều lần đe dọa giết bà Lành vì đã tiết lộ thông tin khiến con ông bị bắt giam. Theo lời kể của bà Lành, gần đây nhất, ông Chúc cầm búa đòi giết bà sau đó đốt rơm và đòi kéo bà Lành lao vào đống lửa để cùng chết nhưng bà Lành bỏ chạy được. Uất ức, ông Chúc nhiều lần tự tử bằng cách thắt cổ nhưng bị các con ông phát hiện và can ngăn. Ngoài ra ông Chúc còn tự đào một hố sâu ngoài vườn và cắm mốc, thắp hương như nơi chôn quan tài để định ngày chết.

Tại cơ quan điều tra, Lý Nguyễn Chung khai nhận đã giết chị Hoan để lấy tiền và 2 chiếc nhẫn vào tối 15/8/2003. Liên quan đến vụ án này, cơ quan điều tra cũng đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Lý Văn Chúc (SN 1951) về hành vi đe dọa giết người theo quy định tại Điều 103 bộ luật Hình sự và quyết định tạm giữ Lý Văn Chúc khi ông này đe doạ bà Nguyễn Thị Lành...

Ngày 4/11/2013, Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình đã ký Quyết định số 01/QĐKNTT-VKSTC kháng nghị tái thẩm đối với bản án đối với Nguyễn Thanh Chấn. Cùng ngày, Phó Viện trưởng VKSNDTC Lê Hữu Thể đã ký Quyết định số 04/QĐTĐC-THA tạm đình chỉ thi hành án đối với phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn.

Theo quy định của pháp luật, sau khi có quyết định kháng nghị tái thẩm của Viện trưởng VKSNDTC, TANDTC sẽ xem xét lại bản án có hiệu lực pháp luật theo trình tự tái thẩm do có tình tiết mới làm thay đổi bản chất vụ án và đó sẽ là căn cứ để mở ra trình tự thủ tục tố tụng tiếp theo đối với vụ án. Ngày 6/11, Hội đồng thẩm phán TANDTC  đang xem xét lại vụ án này theo trình tự tái thẩm.

Phải giám đốc thẩm mới đúng!

Trả lời báo chí, ông Vũ Đức Khiển, nguyên chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết: "Tôi được biết là ngày 6/11, Hội đồng thẩm phán TANDTC sẽ đưa vụ án xét xử tái thẩm, nhưng xử như vậy là sai. Tôi khẳng định VKSNDTC kháng nghị tái thẩm cũng sai. Vì sao vậy? Vì điều tra sai, kết tội sai thì bây giờ phải minh oan cho người ta đã, tức là phải giám đốc thẩm để tuyên hủy bản án sơ thẩm cũng như phúc thẩm, tuyên bố anh Chấn vô tội. Sau đó mới xử kẻ đã ra đầu thú, chứ không thể nói là tái thẩm".

Nước mắt ngày về

Sau 10 năm mang tội giết người, ông Nguyễn Thanh Chấn không cầm nổi nước mắt khi đoàn tụ cùng gia đình và anh em, làng xóm ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang. Sau khi thắp nén nhang báo cáo với tổ tiên, ông Chấn bị bủa vây trong vòng tay người thân cùng hàng trăm câu hỏi. Hình như ông vẫn chưa hoàn hồn nên chẳng biết làm gì khác ngoài việc khóc và kể về những tháng ngày khổ đau, tủi nhục mà mình phải chịu đựng.

Ông Chấn nói: "Tôi gửi nhiều đơn kêu oan lắm, không biết đến tay cơ quan chức năng được bao nhiêu. Các cán bộ quản giáo còn bảo tôi là anh đưa đơn nhiều quá, rồi động viên tôi. Nhiều khi tôi nghĩ tôi oan ức quá, nhiều lần cứ nghĩ là thôi buông xuôi bỏ mặc lại vợ con và mẹ nên không thể chết được".

Điều tra, xử lý sai phạm của cơ quan tố tụng

Liên quan đến sự việc trên, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã chỉ đạo các ngành tố tụng Trung ương khẩn trương minh oan, đền bù và khôi phục quyền lợi hợp pháp cho ông Nguyễn Thanh Chấn, đồng thời xử lý nghiêm minh sai phạm của tập thể, cá nhân đã điều tra, truy tố, xét xử oan.

Trả lời báo chí, đại tướng Trần Đại Quang, bộ trưởng bộ Công an cũng cho biết trong quá trình thi hành án, phạm nhân Nguyễn  Thanh Chấn đã kêu oan. Ban giám thị trại giam đã chuyển đơn của phạm nhân Chấn tới VKSNDTC và TANDTC để xem xét theo thẩm quyền. Bộ trưởng Quang cho rằng đây là việc làm cần thiết và đúng đắn. Bộ Công an cũng đã chỉ đạo cơ quan cảnh sát điều tra chủ động phối hợp với cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ các tình tiết liên quan đến vụ án để xử lý đảm bảo đúng pháp luật.

Trong đơn kêu oan đề gửi Thanh tra bộ Công an, ông Chấn nêu, ngày 30/8/2003, ông nhận được giấy mời lần 1 đến công an huyện Việt Yên để làm việc. Cụ thể, cơ quan điều tra lấy dấu chân và dấu vân tay, đồng thời hỏi ông có biết gì về cái chết của cô Hoan, ông trả lời không biết gì cả. Đến 20/9/2003, ông nhận được giấy triệu tập lần 2 và vẫn trả lời không biết gì về cái chết của cô Hoan. Sáng hôm sau, ông đến theo hẹn thì cán bộ Nguyễn H.T. lại lấy dấu chân, dấu tay nhiều lần rồi tra hỏi, đánh ông rất đau. Từ đó, khoảng 6 cán bộ thay nhau canh ông suốt đêm này sang đêm khác không cho về và không cho ngủ, dọa nạt, ép buộc ông. "Cán bộ Trần N.L bắt tôi vẽ dao, tôi không vẽ loại dao gì lại bảo cho mày cái búa vào đầu cho mày chết bây giờ. Cán bộ H.T trên tay lúc nào cũng cầm dao hăm dọa, ép buộc tôi phải nhận. Tiếp đó, cán bộ Ngô Đ.D đọc và bắt tôi viết đơn tự thú ngày 28/9/2003. Thế là đến chiều chuyển tôi về trại Kế - Bắc Giang", đơn viết.

Thời gian tạm giam ở trại Kế, có đêm ông Chấn bị chuyển 3-4 buồng. "Có lần vừa vào buồng của phạm nhân Phạm Duy Hồng, tôi bị dùng dép đánh vào 2 mang tai sau đó bắt hát. Bị bắt từ ngày 20 đến ngày 28 hầu như tôi không được ngủ, đầu óc quay cuồng, lâng lâng", ông Chấn lấy tay ôm mặt."Cũng trong trại Kế, tôi phải tập đâm bên nọ, đâm bên kia. Họ cho một tù nhân giả làm cô Hoan. Cán bộ đưa cho cái thìa, cái lược để làm hung khí. Tập nhiều lần cho thành thạo, làm đi làm lại để đúng ý họ. Sau đó, họ mượn nhà dân, bắt tôi diễn lại và quay phim thực nghiệm hiện trường", ông kể tiếp.

Long Nguyễn - Cao Tuân

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.