Không những vậy gia đình “đầu gấu” này còn giam đứa bé từ trưa đến tối để tra khảo. Trả giá cho hành vi thiếu suy nghĩ ấy, cả gia đình Nga đã phải rủ nhau hầu tòa.
Hoàng, Trinh, Nga tại phiên tòa (từ trái sang)
Từ chiếc điện thoại biến mất
Vì không có công ăn việc làm nên Đỗ Thị Thúy Nga (22 tuổi, trú thôn Tân Lập, xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa, Gia Lai) thường rủ chị dâu là Lê Thị Trinh (27 tuổi) cùng một số chị em khác trong xóm đi uống cà phê và buôn chuyện cho qua ngày.
Để có tiền thanh toán mỗi lần tụ tập ăn nhậu, hết đợt luân phiên, Nga nghĩ ra cách đánh bài ăn tiền, ai thắng sẽ dùng số tiền đó để mời những người còn lại đi chơi. Cứ như vậy, hầu như ngày nào phòng khách nhà Nga cũng nhộn nhịp kẻ ra người vào, rôm rả tiếng cười nói của các bà, các chị.
Sáng ngày 30/6/2011, do không đi làm nên Nga cùng Trinh, Trần Thị Loan và một số bằng hữu thân quen mở “hội bàn tròn đan quạt”… “ăn kẹo”. Đến khoảng 8h, chiếu bài tiếp nhận thêm hai cổ động viên nhí là Trương Đình Quốc (13 tuổi) và em trai Trương Đình Đạt (trú cùng thôn).
Hai cậu bé say mê theo dõi các đàn chị “trổ tài”, thi thoảng lại vui mừng ra mặt vì được thưởng cho mấy cái kẹo mút. Ngồi được khoảng 1 tiếng đồng hồ, thấy chán ăn kẹo nên Quốc và Đạt rủ nhau đi về trong khi các chị em khác vẫn tiếp tục say mê với 52 lá bài và mấy bịch kẹo mút.
Trời đã bắt đầu sang trưa, Loan muốn dừng cuộc chơi để về nhà thì phát hiện chiếc điện thoại di động hiệu SamSung không cánh mà bay. Đối tượng khả nghi đầu tiên Loan nghĩ đến là Quốc nên đã lập tức tìm đến nhà đòi cậu bé trả lại điện thoại bằng mọi giá.
Trước những lời mắng xối xả trong cơn thịnh nộ của người chị cùng xóm, Quốc vô cùng sợ hãi song vẫn một mực phủ nhận: “Em không lấy điện thoại của chị!”. Nghe vậy, Loan bực tức dẫn Quốc quay lại nhà Nga đối chất nhằm tìm cho ra món đồ bị mất. Không thể kháng cự, cậu bé Quốc đành lầm lũi theo chân 3 đàn chị trở lại chiếu bài.
Mọi thứ đồ đạc từ phòng khách đến phòng ngủ đều bị các bà chị lục tung song chiếc điện thoại vẫn mất biệt tăm. Cơn tức giận của ba người chị càng ngùn ngụt bốc khói khi Nga phát hiện 400 nghìn đồng cất dưới đệm giường ngủ cũng bị mất.
Chưa chứng minh được mình không liên quan đến chiếc điện thoại, Quốc lại gánh thêm tội ăn cắp tiền. Dù trời đã quá trưa nhưng Nga, Trinh và Loan bắt Quốc bằng mọi giá phải tìm thấy điện thoại và trả lại tiền thì mới cho Quốc về.
Đến cuộc tra khảo dã man
Cùng thời điểm trên, chờ mãi không thấy vợ về ăn cơm trưa, Đỗ Minh Hoàng (27 tuổi, là chồng Trinh và đồng thời là anh ruột của Nga) đến nhà em gái để tìm vợ.
Ít phút sau đó, Hoàng đã thông suốt câu chuyện mất của giải quyết dai dẳng từ sáng vẫn chưa xong. Để bảo vệ em gái, Hoàng đã thẳng tay hạ hai cái bạt tai như trời giáng vào mặt Quốc. Bị đánh đau, cậu bé chỉ biết la khóc song vẫn một mực không nhận mình ăn cắp.
Thay đổi hướng tìm kiếm, Loan lấy điện thoại của Trinh gọi vào số máy mình thì thấy phía đầu dây bên kia vẫn có tín hiệu liên lạc. Lần theo cảm tính bước đến ngõ nhà Quốc, cả nhóm phát hiện chiếc điện thoại giấu dưới cục gạch đặt trước ngõ.
Sau khi tìm thấy điện thoại, gia đình Nga đã dẫn Quốc về tìm gặp bố mẹ là ông Trương Thành Thái và bà Nguyễn Thị Gái kể lại việc con họ đã lấy tài sản và yêu cầu hai ông bà đến nhà Nga để giải quyết vụ việc.
Trái với suy tính rằng vợ chồng ông Thái sẽ hợp tác giải vây cho con, Hoàng và Nga nhận được cơn phản pháo ác liệt. Ông Thái nói: “Nhà tao nghèo, con tao đi ăn cắp cũng được, chúng mày muốn làm gì nó thì làm. Tao không đi đâu hết”.
Trước thái độ ngang ngược và hằn học ấy Trinh càng bực tức. Một cuộc khẩu chiến đã xảy ra. Sau một hồi lời qua tiếng lại, không giải quyết được vấn đề, Nga lại tiếp tục dẫn Quốc quay lại nhà mình để “điều tra” vụ mất trộm 400 nghìn đồng. Cả nhóm bàn bạc và kiên quyết yêu cầu Quốc trả lại số tiền trên thì mới chịu thả người.
Nhận thấy mọi lời tra hỏi của mình đều vô ích, đến khoảng 13h30 phút cùng ngày, Trinh lôi Quốc ra ngoài sân rồi lấy sợi dây thừng dừa màu đen trói cậu bé vào cột bê tông hàng rào.
Tận dụng sức vóc của người đàn ông, Hoàng phụ vợ cuốn chặt vòng dây rồi cầm cán chổi đánh vào mu bàn chân Quốc. Mặc cho ba người lớn đánh, hăm dọa, Quốc vẫn khăng khăng trả lời mình không hề lấy tiền.
Cuộc chiến thi gan diễn ra đến khoảng 18h cùng ngày thì vợ chồng ông Thái xuất hiện. Khi thấy Quốc bị trói, bị đánh, bị bỏ đói… xót con, hai vợ chồng Thái đã lao vào giải vây, đưa con về. Nhưng Nga và Trinh đã lao vào đẩy ngã ông Thái, khiến cuộc giải cứu bị thất bại. Nga hùng hồn tuyên bố: “Khi nào đưa 400 ngàn đồng thì tôi mới thả con ông bà về”.
Hai bên lại xảy ra một cuộc cãi vã ầm ĩ xóm làng. Không thể vượt qua sự ngăn cản của người nhà Nga, ông Thái buộc phải nhờ Công an xã Ia Rtô đến cởi trói cho con và cả nhóm cùng về trụ sở xã để giải quyết sự việc.
Một ngày sau đó, thấy mặt Quốc bị bầm tím và sưng to, vợ chồng ông Thái đã đưa con đến Bệnh viện đa khoa khu vực Thị xã Ayun Pa để thăm khám điều trị. Hối lỗi trước hành vi gây thương tích cho người khác, Trinh, Nga, Hoàng đã tự nguyện bồi thường cho người bị hại số tiền 3 triệu đồng.
Ngày 8/12/2011, TAND thị xã Ayun Pa mở phiên tòa sơ thẩm và tuyên phạt các bị cáo Lê Thị Trinh, Đỗ Thị Thúy Nga, Đỗ Minh Hoàng về tội “bắt giữ người trái pháp luật” theo Khoản 1, Điều 123 Bộ luật hình sự.
Đứng trước vành móng ngựa, ba bị cáo đã cúi đầu khai nhận toàn bộ hành vi thô bạo của mình. Tòa tuyên án bị cáo Lê Thị Trinh 9 tháng tù treo, thời gian thử thách là 18 tháng; bị cáo Đỗ Thị Thúy Nga và Đỗ Minh Hoàng 9 tháng cải tạo không giam giữ.
Không đồng ý với kết luận của tòa, cha mẹ Hoàng đã làm đơn kháng cáo gửi lên TAND tỉnh Gia Lai yêu cầu giảm nhẹ tội cho con cái họ. Mới đây (9/4), HĐXX TAND tỉnh này đã mở phiên phúc thẩm xét xử lại vụ việc trên.
Sau cuộc tranh cãi giữa đôi bên, tòa quyết định vẫn giữ nguyên thời gian cải tạo không giam giữ với Trinh, Nga và Hoàng. Ngoài ra, tòa yêu cầu Trinh phải bồi thường thêm 2 triệu đồng, Hoàng và Nga mỗi người 1 triệu đồng cho gia đình cháu Quốc.
Nhìn nhận lại sự việc, nhiều người không khỏi tỏ ra nuối tiếc cho hành động thiếu suy nghĩa của anh em nhà Nga – Hoàng. Chỉ vì 400 nghìn đồng mà đôi vợ chồng trẻ cùng cô em gái vô tình đã vướng vào vòng lao lý. Số tiền đã mất không tìm lại được, Nga – Hoàng còn mất thêm 7 triệu đồng để bồi thường cho gia đình người bị hại.
Lý giải nguyên nhân của tình trạng bạo lực trong học sinh
Trao đổi với báo chí, Đại tá Nguyễn Chí Việt, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an, cho rằng nguyên nhân đầu tiên thuộc về các em. “Hầu hết trẻ em vi phạm pháp luật là do kém hiểu biết về pháp luật, thiếu sự tu dưỡng, ham chơi bời, chỉ thích hưởng thụ.
Đặc biệt lứa tuổi 16-18, tâm sinh lý còn nông nổi, hiếu thắng và liều lĩnh, luôn phô trương sức mạnh của mình. Để không thua kém bạn bè, thích giống các nhân vật trong phim, nhiều em đã phạm tội giết người mà không có cảm giác ghê tay” - ông Việt nói.
Bị nghi trộm tiền, bé gái bị cậu đánh gãy tay Trước đây, báo chí cũng đã đưa tin về hàng loạt các vụ việc đánh đập, chửi bới trẻ nhỏ vì nghi ngờ các em trộm cắp tiền, tài sản. Xót của, không hiểu biết pháp luật, nhiều người đã thiếu kìm chế bản thân dẫn đến gây thương tích cho người khác. Mới đây, ngày 9/1, vì nghi cháu gái trộm tiền, Nguyễn Văn Châu (23 tuổi, ở Hồng Dân, Bạc Liêu) đã dùng cây gỗ quật gãy tay cháu Trương Ngọc Thu (10 tuổi). Theo trình báo của người dân, cha mẹ Thu đi làm ăn xa nên gửi cháu cho ông bà ngoại chăm sóc. Hơn một tuần trước đó, phát hiện số tiền 800.000 đồng bị mất Châu chửi mắng và đánh gãy tay cháu gái. Hàng xóm cũng cho hay Thu thường xuyên bị Châu đánh và có lần đã phải đưa vào viện để điều trị. Trước hành vi côn đồ của Châu, CA xã Ninh Hòa đã lập hồ sơ xử lý để răn đe cho nhiều người khác. |
Nguyễn Tâm