Hay tin bà con cô bác quanh xã Hiến Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An xúm đông xúm đỏ xem “cá thần” rồi rỉ tai nhau vô số câu chuyện ly kỳ, tôi cũng nóng lòng bật máy ngó nghiêng, mong được hưởng sái chút lộc lá đầu năm. Nhưng than ôi, “hiển linh” chưa được bao lâu, “cá thần” bị một người buông chài bắt gọn.
Đúng là một phút sa cơ, cả đời lỡ dở. Mới mấy ngày trước, bàn dân thiên hạ còn tròn mắt nhìn “cá thần” ngoi lên lặn xuống, bơi quanh quẩn trong một đoạn kênh; có người cẩn thận bày hương hoa, quỳ lạy, xì xụp khấn vái tới lui.
Vậy mà hôm nay, số phận “cá thần” được giao hoàn toàn cho người đánh bắt định đoạt. Vị này căng bạt, đổ nước thả chú cá vào để hàng trăm người dân đến nhìn tận mắt, sờ tận tay cho biết và dự định sẽ chế biến thành món om dưa sau khi chú cá đã hoàn thành sứ mệnh... thỏa mãn trí tò mò của mình.
Trong cái lạnh cùng mưa phùn dịp đầu xuân năm mới, hai chữ “om dưa” làm tôi nhớ tới hương thơm hấp dẫn quyện lẫn mùi vị đặc trưng của dưa, cá, cà chua, thì là và chảy nước miếng thèm thuồng.
Nhưng tôi sực tỉnh lại, vội trách mình sao vô tâm, dã man đến thế. Đành rằng, cuộc sống tấp nập, xô bồ khiến con người ta ngày càng xa cách và dễ lãng quên nhau nhưng một chú cá bé nhỏ đâu đáng bị đối xử như vậy.
Điều gì đã làm dân tình vừa mới thấp thỏm sợ “cá thần” chầu trời, thác, về với đất… nay quay ngoắt 180 độ, cợt nhả về cái chết được báo trước đó bằng những ngôn từ không thể cạnh khóe hơn như xong đời, ngủm củ tỏi, toi mạng, đi đứt, chết không toàn thây…?
Phải chăng vì “cá thần” nay hiện nguyên hình là cá chép; những điềm lạ, những lời đồn thổi nhuốm màu sắc tâm linh đã được giải thích kín kẽ, rằng phần đuôi cá bị thương nên nó chỉ còn cách bơi vòng tròn và nổi lên để thở; vì lòng tin vào một sinh vật “chưa từng thấy” nay lộ rõ là sự mê tín, mông muội vốn sinh sôi ở thời kỳ chưa tìm ra lửa?
Thoát chết sau bao cú kích điện và cuộc đổ bộ của hàng loạt dụng cụ đánh bắt khác, tưởng chừng chú cá sẽ được yên bình, vui thú miền sông nước suốt quãng đời còn lại. Nào ngờ hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, như thắp hương cầu khấn còn chưa đủ trang trọng, người ta đứng đợi kỳ được để chứng kiến giây phút cá vào bờ, xin vào sờ rồi chờ ngày lên thớt.
Đành rằng đến đôi dép tổ ong còn có số, nhưng hẳn “cá thần” phải sinh vào giờ xấu lắm nên cuộc đời mới truân chuyên, ba chìm bảy nổi như vậy?!
Có lẽ nếu được lựa chọn, chú cá chép kia sẽ chọn chết vì điện ngay từ lúc đầu, bởi như thế còn hãnh diện hơn việc được phong “thần” rồi dần dần tiến vào nồi om dưa!
Trương Chi
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả