Sáng ngày 30/3, nhân kỷ niệm ngày thế giới phòng, chống bom mìn (4/4), bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan liên quan đã tổ chức họp báo thông tin về công tác khắc phục hậu quả bom mìn.
Ông Lưu Hồng Sơn, Phó Chánh văn phòng bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “Đất nước Việt Nam chúng ta đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, đất đai và con người bị ảnh hưởng nặng nề bởi số lượng bom mìn, vật nổ.
Theo thống kê, nước ta còn khoảng 800.000 tấn bom đạn còn sót lại trong lòng đất, hơn 100.000 người đã bị chết, bị thương sau cuộc chiến tranh. Phần lớn nạn nhân của bom mìn đều là lao động chính trong gia đình. Nỗi ám ảnh bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh ảnh hưởng đến con người, đến đời sống xã hội, đến sản xuất đến các chương trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước...
Đến nay, đã tổ chức dò tìm kiếm, thu gom, tích lũy hàng trăm triệu bom mìn các loại, giải phóng hàng trăm ngàn ha đất, tạo môi trường an toàn cho nhân dân, giảm thiểu tai nạn do mìn, vật nổ. Việc hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng cũng được thực hiện một cách hiệu quả, việc tái định cư cũng đã được Chính phủ quan tâm”.
Cũng trao đổi tại buổi họp báo, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Phó Tổng Giám đốc trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam cho biết: “Mức độ ô nhiễm bom mìn của nước ta được dựa trên cơ sở khảo sát, điều tra qua các giai đoạn và đến nay kết quả hiện trạng tồn lưu ô nhiễm bom mìn, vật nổ là trên 6,1 triệu ha, chiếm 18,71% diện tích đất cả nước. Chúng ta cũng đã có bản đồ về mức độ ô nhiễm bom mìn trên cả nước”.
Bên cạnh những hoạt động cụ thể đã đạt được, trong những năm gần đây đã xảy ra một số vụ nổ như nổ kho đạn ở xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh hay vụ nổ ở Hà Đông (Hà Nội), làm 10 người thương vong.
Về vấn đề này, Đại tá Nguyễn Văn Tín, Phó Cục trưởng cục Tuyên huấn bộ Quốc Phòng cho biết, vụ nổ ở Văn Môn bộ Quốc phòng đã giao cho các cơ quan liên quan điều tra, chưa có kết luận chính thức.
“Từ những vụ việc đáng tiếc nêu trên, bộ Quốc phòng rất quan tâm và chỉ đạo rất quyết liệt. Trước đó, cuối năm 2017 chúng tôi cũng đã tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm về công tác bảo đảm an toàn kho đạn dược và quản lý rà phá bom mìn. Tại hội nghị này những vấn đề thuộc về quản lý, rà phá bom mìn đều được rút kinh nghiệm", ông Tín cho biết.
Bên cạnh đó, theo Đại tá Nguyễn Văn Tín, lượng đạn dẫn đến cháy nổ một số cơ quan, đơn vị của quốc phòng thời gian qua không nhiều. Từ ngày thành lập quân đội cho đến nay, chỉ có 33 vụ cháy nổ ở kho, so với các nước trên thế giới thì rất ít.
Cũng nói thêm về công tác kiểm tra, giám sát quản lý vật liệu nổ, bom mìn Đại tá Lê Trung Thụ, Phó Chủ nhiệm chính trị, bộ Tư lệnh Công binh cho hay: “Theo góc độ quản lý Nhà nước việc kinh doanh, buôn bán phế liệu thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh, thành phố. Còn trong phạm vi của chúng tôi là tham mưu đề xuất với Chính phủ và làm nhiệm vụ rà phá bom mìn, các loại vật liệu nổ sau chiến tranh và xử lý bom. Trong phạm vi đó, bộ Tư lệnh Công binh đều có sự kiểm tra chặt chẽ và đúng quy trình”.
Thông qua buổi họp báo, ông Lưu Hồng Sơn bày tỏ: “Việt Nam với mong muốn nỗ lực trở thành quốc gia không còn tác động của bom mìn, vấn đề đặt ra là làm sao nâng cao năng lực, huy động nhiều nguồn lực để tăng cường rà phá bom mìn, làm sao vài chục năm nữa có thể giải quyết cơ bản hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Đó là nhiệm vụ của Đảng, của Nhà nước cũng như sự trăn trở của hơn 90 triệu dân Việt Nam và sự quan tâm của cộng đồng quốc tế”.