Thông tin được đưa ra khi Bộ chỉ huy tối cao của quân đội Triều Tiên tuần trước cũng đơn phương công bố hiệp ước đình chiến năm 1953 không còn giá trị và trùng vào thời điểm Mỹ và Hàn Quốc tiến hành cuộc tập trận chung thường niên “Giải pháp Then chốt” quy mô lớn.
Theo báo chí Triều Tiên, sau khi lệnh được đưa ra, các cơ quan của đảng, các hiệp hội của người lao động ngay lập tức đã tổ chức các cuộc họp khẩn trên khắp cả nước và họ đã đảm nhận các vị trí trên chiến trường. Các đơn vị dân quân gồm công nhân và nông dân đã được triển khai. Ngoài ra, cũng có nhiều người đăng ký gia nhập quân đội và các binh sỹ đã nghỉ hưu cũng được huy động.
Cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il đã tuyên bố đất nước được đặt trong tình trạng bán chiến tranh 20 năm trước, nhằm phản ứng với việc Mỹ, Hàn tổ chức tập trận.
Giới chuyên gia cho rằng lãnh đạo Triều Tiên hiện nay Kim Jong-un có thể tiếp bước cha, đặt đất nước trong tình trạng bán chiến tranh.
Lãnh đạo Triều Tiên đã được đặt trong tình trạng báo động sau khi Liên hợp quốc thông qua nghị quyết trừng phạt nước này vì vụ thử hạt nhân lần 3 và cũng là để phản ứng với cuộc tập trận chung hiện nay giữa Mỹ và Hàn Quốc.
Hình ảnh vào ngày thứ hai tại Bình Nhưỡng cho thấy một số xe buýt và xe tải được phủ lưới ngụy trang.
Các biển hiệu với dòng chữ như “Thời điểm chiến tranh để thống nhất đất mẹ” hay “Tiến tới trở thành một cường quốc hạt nhân” có thể thấy khắp thành phố.
Tuy nhiên cuộc sống ở thủ đô Bình Nhưỡng có vẻ như vẫn bình thường, với người dân đi bộ tới nơi làm việc hoặc xếp hàng dài tại điểm dừng xe buýt.
Báo của đảng Lao động Triều Tiên, Rodong Sinmun, hôm qua đăng tải bài viết có tiêu đề “Tất cả người dân là chiến sỹ và toàn thể đất nước là tiền tuyến”.
Bài báo cho biết các hội đồng chiến tranh đang được thành lập và đất nước được nhận lệnh động viên cho chiến tranh.
Hàn Quốc: Triều Tiên phá vỡ Hiệp định đình chiến không có hiệu lực thực tế
Thứ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Kim Cheon-sik ngày hôm qua 11/3 cho biết, việc Triều Tiên tuyên bố vô hiệu hoá Hiệp định đình chiến trên bán đảo Triều Tiên không có hiệu lực trong thực tế cũng như về mặt luật pháp.
Trong cuộc họp của Ủy ban Ngoại giao, thương mại và thống nhất tại Quốc hội hôm thứ Hai (11/3), Thứ trưởng Kim cho biết, Triều Tiên đã yêu cầu vô hiệu hoá Hiệp định đình chiến trên bán đảo Hàn Quốc kể từ năm 1994 nhưng Hiệp định đình chiến này vẫn sẽ có hiệu lực cho đến khi một Hiệp định hoà bình thay thế ra đời.
Ông Kim Cheon-sik nói thêm, Hiệp định đình chiến này cần được bổ sung và sửa đổi sau khi 2 miền Nam Bắc tiến hành thoả thuận lại.
Ông Kim khẳng định chính phủ Hàn Quốc đang nỗ lực duy trì Hiệp định đình chiến trên thực tế.
Hôm 6/3, Triều Tiên tuyên bố sẽ hủy bỏ Hiệp định đình chiến và ngừng mọi hoạt động của Đại diện nước này tại Làng đình chiến Bàn Môn Điếm, nơi diễn ra cuộc đàm phán đình chiến giữa Liên hợp quốc và Triều Tiên cách đây 60 năm, để đáp trả động thái Hội đồng bảo an Liên hợp quốc tiến hành trừng phạt Triều Tiên và trả đũa đối với cuộc tập trận chung Hàn-Mỹ. Triều Tiên cho biết việc hủy bỏ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 11/3.
Theo Vũ Quý/ Dân trí