Duyên nghiệp với nghề
Tiếp xúc và nghe Nguyễn Thu Phương nói về nghệ thuật xẩm một cách say mề mới biết rằng, môn nghệ thuật này đã ngấm vào máu cô như một phần máu thịt. Thu Phương tìm đến xẩm một cách rất tình cờ nhưng đầy… hữu ý. Cô sinh năm 1985 tại Uông Bí, Quảng Ninh, tốt nghiệp khoa Điện công nghiệp của trường CĐ Công nghiệp và Xây dựng Quảng Ninh. Dù theo một ngành học khá khô khan nhưng cô lại rất thích ca hát, thường xuyên tham gia văn nghệ tại trường, lớp và nơi mình ở. Nhà không có ti vi, Thu Phương sang nhà hàng xóm để xem nhờ.
Phương cho biết, hồi ấy cô rất thích chương trình "Sân khấu truyền hình" có các vở diễn tuồng, chèo, cải lương… Có hôm sợ ma quá, bố Thu Phương phải đợi cô xem xong rồi bế cô từ nhà hàng xóm đưa về nhà. Cứ thế, không biết từ bao giờ, những giai điệu mượt mà, sâu lắng của những điệu hát cổ trở thành duyên nghiệp của Thu Phương.
Thu Phương trong chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội
Khi biết được thông tin có một cô gái trẻ 8X thích âm nhạc truyền thống, nhạc sĩ Thao Giang - đã chủ động liên lạc với Thu Phương để tìm hiểu mong muốn của cô. Không ngờ rằng, sau buổi nói chuyện ấy Thu Phương lại quyết tâm hơn khi theo đuổi nghệ thuật xẩm, cô lên Hà Nội học âm nhạc từ đầu.
Khi biết được quyết định táo bạo của Thu Phương, bố mẹ cô đã ngăn cản vì sợ rằng với một cô gái 23 tuổi, một mình lên Hà Nội học một loại hình âm nhạc nhiều người cho là "đồ cổ" thì quả mạo hiểm. Tuy nhiên vì tình yêu với xẩm, cô vẫn quyết tâm lên Thủ đô hát xẩm và hát trống quân.
Yêu âm nhạc, nhưng Thu Phương không được đào tạo bài bản nên những ngày đầu đến với hát xẩm cô phải rất vất vả để hát cùng các thầy cô trong Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam. Sau buổi thử giọng, cô được thầy Thao Giang, nghệ sĩ Ưu tú Thanh Ngoan, Văn Ty và NSND Xuân Hoạch hướng dẫn phát âm sao cho "tròn vành, rõ chữ" trong bài hát xẩm. Sau đó, Thu Phương bắt tay ngay vào việc học, cô học tập rất nghiêm túc, mỗi ngày tập luyện 10 tiếng đồng hồ.
Khách quen của chợ Đồng Xuân
Được sự dìu dắt trực tiếp của nghệ sĩ Xuân Hoạch và Thanh Ngoan, Thu Phương nhanh chóng khẳng định được bản thân. Giọng xẩm khàn khàn, nhấm nhẳng, giàu cảm xúc, có sức cuốn hút lạ kỳ của Phương được mọi người yêu mến. Sau một tháng học hát, Thu Phương đã học thuộc hết các làn điệu, nhưng hát theo đúng với phong cách hát xẩm thì cần nhiều thời gian hơn.
Bài hát "Theo Đảng trọn đời" do cụ Hà Thị Cầu viết lời, cô đã phải học gần một năm trời mới thành thục được, bởi ở nghệ thuật xẩm, điều quan trọng nhất là sự luyến láy câu chữ, và nhạc cảm cho tròn câu hát, nếu người hát xẩm mà cất lời lên nhưng không có cảm xúc trong câu hát thì tiết mục đó không thành công.
Thu Phương và bạn diễn hát xẩm ở sân khấu chợ Đồng Xuân
Thu Phương tâm sự: "Cho đến bây giờ, tôi vẫn không quên được cảm xúc khi lần đầu tiên đứng trên sân khấu ở chợ Đồng Xuân và hát bài "Theo Đảng trọn đời". Khi các nghệ sỹ hát trên sân khấu, có khán giả ngồi bên dưới đã khóc theo làm chúng tôi rất xúc động. Đấy là lần đầu tiên tôi ra sân khấu hát cùng những nghệ sĩ cây đa, cây đề.
Tuy nhiên buổi biểu diễn đã thành công ngoài sức tưởng tượng của tôi. Những lần hát ở sân khấu Nghìn năm Thăng Long - Hà Nội và đền Đô, Bắc Ninh cũng để lại cho tôi nhiều kỷ niệm đẹp, có khán giả bay từ Pháp về chỉ để nghe những câu hát xẩm rồi lại bay đi. Khi biểu diễn xong tiết mục, có khán giả còn lại gần nắm tay tôi. Hát xẩm đã cho tôi rất nhiều niềm vui…".
Ngoài biểu diễn trong các chương trình ca nhạc của Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam, Thu Phương còn tham gia giảng dạy các lớp học đào tạo thế hệ trẻ của Trung tâm tại đình Hào Nam, Hà Nội. Cô cho biết, hiện nay người trẻ có nhiều lựa chọn về âm nhạc, ít ai học hát xẩm, ca trù, vì thế ai đã mê môn nghệ thuật hát xẩm là điều đáng quý. Sau khi biết thông tin Trung tâm đào tạo hát xẩm, nhiều người ở Hà Nội và các địa phương khác đã đến xin học môn nghệ thuật truyền thống này.
Hướng dẫn học viên đoạt giải vàng Ngoài những học viên lớn tuổi, Thu Phương thường xuyên hướng dẫn các em nhỏ hát xẩm. Vừa qua, cô đã hướng dẫn cho hai học viên 9 tuổi là Quý Anh và Vương Linh. Sau một thời gian được cô hướng dẫn, hai học viên nhỏ tuổi này đã đoạt Huy chương Vàng Liên hoan Tiếng hát truyền hình. Nhiều học viên nhỏ tuổi khác cũng rất thích học cô giáo Thu Phương. Có khi nửa đêm, cô vẫn nhận được điện thoại của phụ huynh học sinh gọi đến để hỏi lời bài hát. Chính những niềm vui nho nhỏ này đã giúp Phương có thêm nghị lực để gắn bó với nghệ thuật hát xẩm. |
Vì Thu Phương diễn ở chợ Đồng Xuân nhiều nên bây giờ đi ra chợ, cô vẫn được các bà, các cô nhận ra và tíu tít hỏi han. Cô coi đó như nguồn động lực để theo hát xẩm trọn đời. Bởi người nghệ sĩ, cái quan trọng nhất là sự ghi nhận trong lòng khán giả.
Theo Thu Phương, hát xẩm không quá cầu kỳ như ca trù nhưng không kém phần sang trọng, nhất là hát xẩm thính phòng. Ở xẩm thính phòng, người hát ngồi trong những gian phòng sang trọng, nữ giới thì áo dài vấn khăn cổ đeo kiềng bạc, còn nam gới thì áo dài the chân đi guốc mộc đầu đội mũ cát, hát cho khán giả có nhạc cảm, văn hóa nhất định nên người nghệ sĩ cũng cần trau dồi vốn hiểu biết, giao tiếp thường xuyên. Lời hát xẩm không chỉ là những lời cổ lấy từ ca dao, từ những bài thơ cổ mà cũng rất thời sự.
Hiện nay Thu Phương đang tập hát bài "Lạ gì cái cảnh lấy Tây", nói về hiện tượng nhiều cô gái Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc, lời bài hát như một lời tâm sự của một cô gái xót xa khi làm dâu bên xứ người.
Từ khi hát xẩm, Thu Phương được học nhiều bài học về tính nhân văn, ứng xử giữa người với người, cô cảm thấy mình nữ tính, thùy mị hơn. Phương bảo, khi đã mê và nghe người hát xẩm thì khán giả sẽ bị cuốn vào những ca từ sâu sắc, uyển chuyển của bài hát. Nhiều người rất muốn cho con cháu học hát ca trù để bồi đắp vào tâm hồn trẻ nhỏ những bài học về lễ nghĩa. "Vì nghe tôi hát xẩm trên ti vi mà có một anh chàng tìm đến làm quen để tỏ lòng đam mê với môn nghệ thuật này", Phương dí dỏm khoe.
Lạc Thành