Ca phẫu thuật kéo dài 5 giờ giúp bé gái thoát cảnh 9 năm sống chung với co giật

Ca phẫu thuật kéo dài 5 giờ giúp bé gái thoát cảnh 9 năm sống chung với co giật

Đỗ Thị Thơm

Đỗ Thị Thơm

Thứ 6, 12/01/2018 14:39

Bệnh viện Nhi Trung ương lần đầu tiên phẫu thuật động kinh kết hợp đặt điện cực bề mặt vỏ não thành công cho một bệnh nhân nhi 11 tuổi.

Theo đó, cháu N.K.H. (11 tuổi, Hà Nội) mắc chứng động kinh khi mới được 2 tuổi. Sau 9 năm thay đổi rất nhiều loại thuốc chống động kinh nhưng tình trạng bệnh không thuyên giảm, cháu H. được các bác sĩ khoa Thần kinh, bệnh viện Nhi Trung ương kết luận mắc động kinh kháng thuốc và chỉ định phẫu thuật.

Các bệnh - Ca phẫu thuật kéo dài 5 giờ giúp bé gái thoát cảnh 9 năm sống chung với co giật

Ca phẫu thuật đã thành công tốt đẹp sau 5 giờ đồng hồ. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương.

Với sự hỗ trợ của các chuyên gia thần kinh đến từ Alabama (Hoa Kỳ), ca phẫu thuật kéo dài 5 giờ đồng hồ do các bác sĩ bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện đã thành công.

Được biết, đây là ca phẫu thuật đầu tiên kết hợp ghi điện não đồ vỏ não. Thành công của ca mổ đã kết thúc 9 năm bé gái phải sống chung với những cơn co giật.

Gia đình cho biết, cháu H. khi sinh ra khỏe mạnh và không có biểu hiện bất thường. Tuy nhiên, đến 9 tháng, cháu bị sốt, có cơn co giật và phải vào viện điều trị.

Thời điểm đó, gia đình nghĩ con co giật là do có cơn sốt. Đến năm 2008, sau hai lần con lên cơn co giật chân, tay vào cùng một thời điểm trong ngày và tần suất cơn co giật tăng dần ngay cả khi trẻ không sốt, gia đình mới nghĩ đến khả năng con mắc bệnh lý về thần kinh.

Tại bệnh viện Nhi Trung ương, cháu được chẩn đoán mắc động kinh. Kể từ thời điểm đó đã 9 năm trôi qua, dù thay đổi tất cả các loại thuốc chống động kinh nhưng bé H. vẫn không kiểm soát được cơn động kinh. Các bác sĩ chẩn đoán cháu mắc động kinh kháng thuốc.

TS.BS Cao Vũ Hùng, Trưởng khoa Thần kinh, bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, phẫu thuật điều trị động kinh là loại phẫu thuật chuyên khoa sâu, nhằm loại bỏ hoặc cô lập vùng não bị tổn thương (vùng sinh động kinh). Có nhiều phương pháp phẫu thuật khác nhau trong điều trị động kinh như cắt vùng sinh động kinh, cắt thể trai, cắt bán cầu não… Cái khó của phẫu thuật động kinh là phải định khu được vùng sinh động kinh. Khi đã xác định được, các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật cắt đi vùng đó. Tuy nhiên, không phải trường hợp động kinh kháng thuốc nào cũng có thể tiến hành phẫu thuật.

Theo đó, việc phẫu thuật phụ thuộc vào một số yếu tố như: Tổn thương được xác định trên não có phải là nguyên nhân gây ra các cơn động kinh hay không? Có khả năng can thiệp phẫu thuật vào các khu vực tổn thương này hay không? Tình trạng sức khỏe của bệnh nhân có phù hợp để phẫu thuật hay không? Vị trí của tổn thương trên não có gần các khu vực nhạy cảm không (chẳng hạn phẫu thuật để chữa khỏi bệnh động kinh nhưng sau đó lại khiến bệnh nhân bị liệt)?

Theo các bác sĩ, phẫu thuật động kinh kết hợp đặt điện cực bề mặt vỏ não là phương pháp phẫu thuật đặt các tấm có chứa điện cực trên bề mặt vỏ não, nhằm tiếp cận gần nhất với ổ phát sóng động kinh để ghi lại các sóng điện não, tránh được nhược điểm của điện não đồ da đầu chỉ xác định là có sóng bất thường của cả một vùng. Khi phát hiện bất thường về sóng điện não (sóng động kinh), các bác sĩ có thể xác định vùng nào cần phẫu thuật cắt bỏ hoặc các vùng chưa cắt liệu còn bất thường hay không.

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.