Cá sấu ở Sài Gòn xưa

Cá sấu ở Sài Gòn xưa

Thứ 5, 27/12/2012 23:45

Vùng đất Sài Gòn hoang vắng xưa từng là giang sơn của cá sấu, một loài thú dữ vô cùng nguy hiểm.

Hơn 300 năm trước, Sài Gòn là vùng đất rừng rậm, chằng chịt sông rạch, mọi sự đi lại chủ yếu là bằng phương tiện ghe, thuyền. Bà con đi khai phá, mặc dù được thiên nhiên ưu đãi với vô số tôm, cá, ốc dưới sông, nhiều loại thú trên rừng nhưng luôn lo sợ đối phó với hiểm họa cá sấu và cọp. Cá sấu đã để lại nhiều địa danh và điển tích cho Sài Gòn xưa như: Bến Nghé, Rạch Cầu Sấu…

Xã hội - Cá sấu ở Sài Gòn xưa

Ảnh minh họa

Khu vực thuộc phường Thạnh Lộc (Q.12) bây giờ, xưa kia từng là giang sơn lừng lẫy của cá sấu. Cá sấu thường tụ tập dưới sông. Có một con rạch các loài thú đều đến uống nước, "Ông Sấu và Ông Cọp" cũng tìm đến săn mồi, nhiều khi đụng nhau dữ dội, bà con thấy vậy nên gọi tên là Rạch Ông Đụng. Cây cầu hiện nay bắc qua rạch này nằm trên đường Hà Huy, có tên là Cầu Ông Đụng cũng từ nguồn gốc đó mà ra.

Có rất nhiều câu chuyện kể về cọp và cá sấu ở vùng đất Sài Gòn - Gia Định xưa. Bắt được cá sấu, đánh được cọp là thành tích to lớn của thời kỳ ấy. Nó gắn liền với công cuộc khai phá đất đai, mở rộng diện tích canh tác và đảm bảo an toàn cho cuộc sống ở vùng đất mới. Có giết được cá sấu mới đi lại yên lành trên sông rạch.

Trong Gia Định thành thông chí và Đại Nam nhất thống chí có ghi, thuở xưa ở sông Bến Nghé có rất nhiều cá sấu. Chúng thường bơi lội trên sông và kêu như nghé rống. Do vậy sông này có tên là sông Bến Nghé. Truyện câu cá sấu đến nay chỉ còn một truyện chép trong Thối thực ký văn của Trương Quốc Dụng. Truyện kể rằng: Thuở nọ, ở Vũng Gấm có một con cá sấu rất to, thường làm hại nhiều người qua lại trên sông này, nó từng ăn thịt một ông Tri bộ nọ. Có một người thợ bắt vịt làm mồi móc vào lưỡi câu, bơi ra sông nhử cá sấu. Cá sấu bị mắc câu, dân chúng cùng nhau kéo sấu vào bờ đập chết.

Rừng Sác (huyện Cần Giờ) từng một thời là "trận địa sát nách Sài Gòn - Gia Định" là vùng chiến khu ghi dấu nhiều chiến công của Trung đoàn 10 đặc công Anh. Và trong rất nhiều chiến công của Trung đoàn 10, có chiến công thầm lặng không được ghi trong báo cáo là cuộc chiến với cá sấu dữ rừng Sác

Cá sấu rất thích ăn thịt người. Cái sở thích ấy của chúng rộ lên sau Tết Mậu Thân năm 1968, khi giặc Mỹ điên cuồng xua hàng trăm tàu chiến cùng máy bay B52 tổ chức san bằng chiến khu rừng Sác, nuôi dã tâm xóa sổ Sở chỉ huy Đoàn 10. Trong một trận đánh ác liệt kéo dài 20 ngày ở sông Ông Kèo (nay thuộc địa phận xã Thạnh An), Lữ đoàn 199 của địch bị Đoàn 10 đánh tan tác với hàng trăm lính Mỹ phơi xác trên sông, làm mồi cho đàn cá sấu. Từ đấy, cá sấu bén mùi thịt sống, hễ nghe súng nổ, nghe mùi người là chúng lao đến rình mồi. Và cũng từ đây, đàn cá sấu trở thành hung thần sát hại nhiều người dân, chiến sỹ đặc công rừng Sác.

Trước sự lộng hành của những con cá sấu hung dữ, người dân phải hùn tiền mời "thầy" chuyên câu cá sấu ở miệt Cà Mau về Cần Giờ lùng bắt. Khi bắt được cá sấu, ông thầy chỉ lấy bao tử con vật, còn lại giao hết cho người làng. Nghe nói, trong bao tử của những con cá sấu từng ăn thịt người có rất nhiều vòng vàng của những người mà nó ăn thịt. Khi lấy những món ấy ra khỏi bao tử, người câu cá sấu phải làm mâm cơm cúng tạ vong hồn chủ nhân của những vòng vàng ấy rồi mới dám bán buôn, sử dụng.

Sau này, người dân đến sinh sống ở Sài Gòn ngày một đông lên. Cá sấu tự nhiên bị tiêu diệt dần, không còn là nỗi kinh hoàng của mọi người nữa. Khoảng 10 năm trở lại đây, có một doanh nhân tên Tôn Thất Hưng thành lập nên một làng cá sấu, ở nơi từng là quê hương của cá sấu tại phường Thạnh Lộc. Điểm du lịch này để gợi nhớ lại những dĩ vãng hào hùng, những gian khổ, hy sinh của tiền nhân - những người đi mở cõi để xây dựng nên một TP.HCM hiện đại, năng động, giàu đẹp như hôm nay.

Hương Lam


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.