Ngoài vụ sổng chuồng gần 600 con cá sấu tại TP.Cà Mau, trước đó trên cả nước cũng xảy ra những vụ việc cá sấu nuôi "vượt ngục" gây hoang mang dư luận. Ngày 11/10/2011, người dân Hà Nội choáng váng vì thông tin 8 con cá sấu lớn của ông Dương Văn Viễn (chủ hồ câu Viễn Thổ, phường Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) sổng chuồng.
Chủ nuôi cá sấu có thể truy cứu về tội vô ý làm chết người. Ảnh minh họa
Trước đó, anh Phạm Quốc Cường đi câu đã bắt được một con cá sấu dài hơn 1m, nặng 12kg dưới một con mương gần khu vực hồ câu. Ngay sau khi thông tin này được truyền đi, nhiều người tỏ ra hoang mang, lo lắng. Thậm chí, nhiều gia đình sinh sống gần kênh mương còn khóa trái cửa, ở trong nhà cố thủ. Một số phụ huynh cấm con em mình ra ngoài vì sợ cá sấu tấn công.
Ông Viễn cho biết, con cá sấu mà anh Cường bắt được ở mương nước chiều ngày 11/10 có thể là một trong số 8 con bị sổng trong chuồng nuôi nhà mình. Được biết, trong năm 2011, ông Viễn mua 30 con cá sấu thuộc giống cá sấu Cu Ba, Indonesia và Thái Lan của một trang trại ở Hưng Yên với tổng số tiền hơn 100 triệu đồng. Khi mang về Hà Nội, mỗi con cá sấu dài khoảng 80cm.
Trước đó, tại TP.HCM, Khánh Hòa, Cà Mau cũng xuất hiện tình trạng cá sấu sổng chuồng khiến nhiều người dân hoang mang. Tháng 5/2009, người dân TP.HCM như ngồi trên đống lửa khi ở xã Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh, TP.HCM) thấy xuất hiện một con cá sấu lớn và nhiều cá sấu con. Họ thực sự bàng hoàng khi thấy "thần chết" đang thoải mái bơi lội trên các kênh trong địa bàn xã. Được biết, đây cũng là loại cá sấu nuôi của một hộ gia đình gần đó để sổng.
Tháng 11/2007, ở Khánh Hòa, hơn 220 con cá sấu bị sổng sau sự cố vỡ một trại nuôi cá sấu ở Yang Bay. Cơ quan chức năng tỉnh này đã phải huy động người dân tìm kiếm khắp các kênh rạch gần khu vực cá sấu sổng để bắt hoặc bắn chết, tránh gây nguy hiểm cho người dân.
Trước vấn đề này, nhiều người đặt câu hỏi về trách nhiệm của những công ty, chủ hộ nuôi cá sấu. Được biết, từ trước đến nay, cũng có nhiều người dân bị cá sấu nuôi sổng chuồng tấn công.
Trao đổi với PV báo Người đưa tin về vấn đề này, luật sư Nguyễn Huy An, Văn phòng luật sư Huy An (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, đầu tiên cần kiểm tra công ty, các chủ nuôi có giấy phép chăn nuôi của Sở nông nghiệp địa phương hay không?. Trong trường hợp vật nuôi thoát ra ngoài làm chết người hay gây thương tích cho người khác thì đương nhiên chủ nuôi đã có hành vi vi phạm pháp luật. Họ được xếp vào lỗi vô ý gây hậu quả nghiêm trọng. Khi bắt đầu nuôi thoại thú này, họ phải ý thức được hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội.
Về mặt pháp lý, cá sấu, hổ, gấu… được xếp vào loại vật nuôi có "nguồn nguy hiểm cao độ". Mà một khi nó là nguồn nguy hiểm cao độ thì người chủ vật nuôi phải có chế độ quản lý chặt chẽ tuyệt đối không thể gây thiệt hại cho xã hội.
Cũng theo luật sư Huy An, với việc vật nuôi là cá sấu, hổ, gấu… làm chết người thì người chủ nuôi phải bị truy cứu trách nhiệm về tội vô ý làm chết người. Trong khi đó, với hành vi sấu gây thương tích nặng (với tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên) thì chủ vật nuôi phải bị truy cứu trách nhiệm về tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
Vương Chân