Nổi tiếng với giọng ca ngọt ngào và những ca khúc trữ tình, nhưng gần đây ca sĩ Chế Thanh lại chuyển qua hát nhạc Phật, ra album về Phật giáo. Anh còn tổ chức chương trình ca nhạc Đạo và Đời để làm từ thiện ủng hộ cho đồng bào miền Trung bị lũ lụt. Với người ca sĩ này, làm nghệ thuật là một quá trình hoàn thiện mình lâu dài, không thể "ăn xổi ở thì", như cái cách người ta xây ngôi nhà không dựa trên một nền móng vững chắc.
Làm album nhạc Phật để hướng thiện
Chào anh Chế Thanh, chương trình ca nhạc Đạo và Đời được tổ chức với mục đích chỉ để làm từ thiện?
Công ty CTC của Chế Thanh thực hiện chương trình Phật giáo mang tên Đạo và Đời ngoài việc làm từ thiện gây quỹ cho những nơi cần giúp đỡ còn nhằm nhiều ý định khác. Đây là lần đầu tiên Chế Thanh muốn phối hợp hai dòng nhạc Phật giáo và nhạc đời gồm nhiều thể loại chung trong một chương trình. Nó vừa có ý nghĩa nhân văn, hướng tâm lành từ thiện đến mọi người và am hiểu thêm về Phật pháp và cũng để tạo nên một cảm giác nhẹ nhàng khi có những bài nhạc trẻ hoặc trữ tình đang lưu hành trên thị trường hiện nay... Sau ba buổi công diễn Chế Thanh đã tặng được cho quỹ từ thiện nuôi trẻ em mồ côi tại Tịnh thất Bồng Lai và giúp đỡ đồng bào Quảng Bình bị lũ lụt được 60.000.000 đồng.
Ca sĩ Chế Thanh. Ảnh do nghệ sĩ cung cấp
Đang là một ca sĩ nổi danh với dòng nhạc trữ tình anh lại chuyển qua hát nhạc về Phật giáo và còn ra một album "Phật đang trong ta". Vì sao anh chuyển hướng?
Tôi phát hành DVD "Phật đang trong ta" để mừng lễ Phật đản. Tôi đã hát gần 1.000 bài hát cho các hãng thu âm kinh doanh băng đĩa, nhưng chưa có chương trình Phật giáo riêng mình. Vì thế tôi ra album này để đền đáp ân đức Trời Phật, mẹ cha ban cho.
Làm album này, anh gặp khó khăn gì không? Album "Phật đang trong ta" khi phát hành có nhận được phản hồi của công chúng không?
Trong quá trình thực hiện rất nhiều điều trắc trở và thậm chí sa sút sức khỏe. Sau đó như có phép mầu nhiệm, mọi trắc trở đều vượt qua. Chế Thanh kể một chuyện điển hình: Trước khi chọn cảnh đặt cần đưa máy lên cao để quay bài "Mẹ từ bi", tôi đã chọn rất kỹ vị trí bãi biển khô ráo và cứng, an toàn, nhưng khi vào quay được 15 phút thì bất ngờ sóng biển lên rất nhanh không thể thay đổi bối cảnh và di dời kịp nữa. Lúc đó Chế Thanh đã ở xa máy quay, đâu chỉ huy được ở dàn boom (trong chương trình này ca sĩ Chế Thanh kiêm luôn vai trò đạo diễn nghệ danh là Vân Thanh Tú-PV), thôi thì đành chấp nhận nếu có rớt anh em và máy móc xuống biển thì chịu khó đi mua máy khác. Nhưng lạ thay khi hát bài "Mẹ từ bi" sóng biển càng dữ dội ầm ầm đánh văng tất cả mọi thứ giày dép, dụng cụ... nhưng dàn boom và anh em trên cao vẫn trơ trơ không hề bị lún.
Album "Phật đang trong ta" được rất nhiều lời khen ngợi của giới Phật tử và khán giả cùng với cộng đồng mạng trong và ngoài nước, tuy vẫn có những sơ sót ngoài ý muốn.
Công nghệ lăng xê như con dao hai lưỡi
Với tư cách là một ca sĩ có bề dày về tuổi nghề và được công chúng hâm mộ với giọng hát ngọt ngào truyền cảm, anh thấy các ca sĩ trẻ bây giờ như thế nào?
Các ca sĩ trẻ hiện nay có nhiều lợi thế hơn chúng tôi ngày xưa. Họ trẻ, năng động và có nhiều sự hỗ trợ trong chuyên môn, như công nghệ thu âm... Công nghệ thu âm, quay hình đã giúp cho công nghệ lăng xê phát triển rất nhiều. Nhưng đó là con dao hai lưỡi, những công nghệ này đã làm cho các em không nên người như ngày xưa nữa. Chế Thanh nhận thấy có những ca sĩ trẻ thanh sắc vẹn toàn, các em được đào tạo trường lớp hẳn hoi hoặc các nhà đầu tư đã bỏ tiền ra cho học hành đến nơi đến chốn, từ phong cách biểu diễn đến ngoại hình, trang phục và ca hát theo Chế Thanh chấm là 9 điểm, nhưng buồn thay những em đó đếm được trên đầu ngón tay.
Có rất nhiều ca sĩ trẻ quên trang bị cho mình một kiến thức vào nghề, tất cả chỉ nhờ vào công nghệ rồi may mắn được khán giả biết đến. Họ nghĩ mình đã là một sao lớn và sinh bệnh ngôi sao gây khó khăn cho những nhà tổ chức, đối xử thiếu tôn trọng với các lớp ca sĩ đàn anh đàn chị đi trước, xem thường đồng nghiệp cùng trang lứa. Có ca sĩ đứng trên sân khấu nhảy múa tưng bừng và nhép chứ chẳng dám hát. Có người nếu phải hát sống với ban nhạc thì chỉ có nước đứng như trời trồng vì không biết mình đang hát ở cao độ nào và giai điệu nào. Đó là sự thiếu bản lĩnh và nghề nghiệp yếu, giống như một ngôi nhà được tô điểm đẹp đẽ, hoành tráng nhưng ở dưới móng thì rất yếu không biết sập lúc nào.
Được biết anh còn làm sáng tác ca khúc nữa. Thể loại nhạc anh viết là gì? Khi sáng tác, anh lấy cảm hứng từ đâu?
Thầy của Chế Thanh dạy Thanh sáng tác là nhạc sĩ Thanh Sơn đấy. Với một người có nền tảng văn hóa tốt và tâm hồn nghệ sĩ thì rất dễ làm nhạc sĩ. Thanh hát được nhiều thể loại nhạc và cả cải lương cho nên mình hát được gì là mình sáng tác được đó. Thanh cũng có viết những bài ca cổ để tự mình hát như "Công tử Bạc Liêu" và "Yêu chị Hai lúa"...
Thanh sáng tác từ thực tế cuộc sống mình cọ xát mỗi ngày như bài "Cung đàn có em" Thanh viết cho một cô khán giả cứ mãi đi xem một mình Chế Thanh hát từ 12 năm nay. Và bài "Chiếc cầu dâng Bác" là một nguồn cảm hứng khi Chế Thanh đi lưu diễn ở Bến Tre đứng trên phà trong một chiều mưa tầm tã nhìn thấy cây cầu thấp thoáng đang xây. Còn bài "Yêu chị Hai lúa" là vì Chế Thanh nhìn thấy hình ảnh đó quá nhiều, quá yêu thương trong tiềm thức, có nhiều người lầm tưởng Thanh là người gốc miền Tây chứ thật ra Thanh là người gốc Sài Gòn.
Có tuổi nghề dày dặn, có tên tuổi và hoạt động nghệ thuật bền bỉ, anh có lời khuyên gì cho những người muốn theo đuổi con đường ca hát?
Chế Thanh chỉ dám góp ý với các bạn ca sĩ nên bình tĩnh trước tiền tài danh vọng. Tôi đã thấy có những bạn không hài lòng nhà tổ chức để tên quảng cáo mình sau tên đồng nghiệp là tự ái không hát hoặc đến điểm hát rồi không thấy quảng cáo tên mình hờn giận bỏ về. Không nên làm thế, hãy làm nhiệm vụ với khán giả cho xong rồi chuyện gì sẽ tính sau, đó mới chứng tỏ là sự yêu nghề và đạo đức. Có những người yêu cầu nhà tổ chức để tên mình vào vị trí ưu tiên nhất. Nhưng khi hát xong khán giả vẫn thờ ơ vẫn thua sút đồng nghiệp mình rồi sao? Hay có những trường hợp đã đến điểm hát rồi đậu xe trước cửa chờ bầu show ra đưa tiền đủ mới vào hát, bất chấp những gì xung quanh dù cho khán giả thưa thớt, doanh thu không được như ý muốn... Ông bà ta thường nói "Có đức mặc sức mà ăn". Nếu muốn tồn tại lâu dài thì những người bước vào nghề phải biết kiên trì, khiêm nhường và không ngừng trau dồi học hỏi về chuyên môn, kỹ thuật và cả cái tâm của mình nữa.
Người ta biết đến anh như một ca sĩ của dòng nhạc sến, nhạc vàng của thời ca sĩ Ngọc Sơn. Anh có thể kể những kỷ niệm về thời đi hát đó mà đến nay anh còn nhớ?
Kỷ niệm thì quá nhiều vì Chế Thanh hoạt động ở hai lĩnh vực cải lương và tân nhạc. Chế Thanh vào nghề hơi muộn lúc đó Ngọc Sơn đã nổi tiếng rồi có những đêm mình vào sân khấu 126 xem Ngọc Sơn diễn mình cũng thích lắm chứ và thầm nghĩ mình sẽ cố gắng được như bạn ấy. Sau này đứng chung một sân khấu, hát chung với nhau, là bạn bè thân thiết của nhau Thanh thật vui. Con đường đi lên của Chế Thanh và Ngọc Sơn tương đối giống nhau vì hai đứa đều nghèo, tạo dựng tất cả bằng hai bàn tay trắng.
Ở vai trò sáng tác ca khúc anh đánh giá các ca khúc hiện giờ như thế nào? Theo anh vì sao hiện nay ít có ca khúc hay và ít có ca sĩ hát hay?
Những ca khúc hiện giờ cũng có bài hay đó chứ nhưng cũng chiếm số lượng ít có lẽ vì viết theo đơn đặt hàng nhiều hơn là viết bằng cảm hứng. Cũng tương tự như Chế Thanh nói ở trên ít ca sĩ hát hay là vì nôn nóng chạy theo tiền tài danh vọng, đua chen mà quên đi sự trui rèn học hỏi mọi việc phó mặc cho công nghệ hát bằng một công thức lập trình của bài nhạc chứ cái hồn của một người truyền lửa thì ít lắm.
Xin cảm ơn anh!
Nguyễn Thịnh