Được biết đến là một người chuyên hát nhạc bolero, Dương Ngọc Thái được mọi người đặt là “ca sĩ Gọi đò” vì anh như được “đo ni đóng giày” với bài hát này. Trước thông tin về 5 bài hát sáng tác trước năm 1975 bị tạm dừng lưu hành, Dương Ngọc Thái đã có những chia sẻ thẳng thắn, chân thành…
Chào ca sĩ Dương Ngọc Thái, là một ca sĩ chuyên hát dòng nhạc xưa, anh suy nghĩ thế nào về việc 5 bài hát như: Con đường xưa em đi, Chuyện buồn ngày xuân, Cánh thiệp đầu xuân... bị tạm dừng lưu hành?
Nói chung tôi thấy bất ngờ, vì bao nhiêu năm rồi, các ca sĩ đã hát bài này và nhiều thế hệ khán giả đã thuộc các bài hát ấy. Như bài Con đường xưa em đi, nhiều ca sĩ hát, ra MV và đầu tư rất nhiều vào những MV ấy. Không chỉ riêng tôi mà nhiều nghệ sĩ thấy “hoang mang” khi nhận được thông tin này. Có thể, việc dừng lưu hành các bài hát ấy là có lý do, nhưng chúng tôi thấy buồn chứ, vì kho bài hát của nhạc xưa có hạn.
Trong thời gian Dương Ngọc Thái hát nhạc xưa, nhạc bolero, anh có gặp khó khăn gì về việc xin cấp phép các bài hát ấy không?
Thường thì chúng tôi làm đơn xin cấp phép bài hát, cần thời gian để cục NTBD thẩm định, kiểm tra bài hát ấy. Nói chung, nếu bài hát được cả lời, cả giai điệu, thì được cấp phép ngay, nếu không thì không được cấp phép đâu. Cục NTBD tạo điều kiện cho nghệ sĩ, nhưng không có trường hợp “ngoại giao” để bài hát được cấp phép. Tôi cho rằng, đây là việc làm đúng.
Vậy anh đánh giá thế nào về các ca khúc nhạc xưa hiện nay?
Sau mấy chục năm ra đời, các bài hát ấy vẫn có sức sống và được nhiều người đón nhận. Trước khi hát nhạc xưa, các ca sĩ thường rà soát xem ca khúc này được cấp phép chưa, nếu không phải làm đơn. Tôi cho rằng, cách thức làm việc này hơi lâu, nhưng lại an toàn với việc thẩm định ca từ của các ca khúc. Tôi đi hát từ năm 2001, cho đến nay là 16 năm và làm được 5 liveshow, tôi thấy khán giả ngày càng yêu nhạc xưa, đây là động lực cho các nghệ sĩ như tôi. Đầu tháng 6/2017 này, tôi dự định làm một liveshow ở Hà Nội để tri ân khán giả Thủ đô với đêm diễn toàn nhạc xưa.
Bản thân Dương Ngọc Thái đã làm đơn xin cấp phép bao nhiêu ca khúc nhạc xưa rồi?
Tất cả những bài hát nhạc xưa mà không nằm trong danh sách phổ biến tôi đều phải xin cấp phép. Ca sĩ muốn làm những album “độc” thường hát những bài mới, mà những bài hát mới chưa có ai làm đơn xin phổ biến nên nghệ sĩ phải vất vả hơn. Bản thân tôi luôn tâm niệm rằng, mình hát là để phục vụ khán giả, vì thế, các bài hát của tôi được đầu tư cầu kỳ. Đi hát thích nhất là khán giả ở dưới cổ vũ nhiệt tình và hát theo nghệ sĩ. Tôi đã từng phải đứng dưới mưa để hát cho khán giả nghe, vì nhiều người nhiệt tình, dù mưa cũng không về. Đó là niềm hạnh phúc của một người nghệ sĩ hát nhạc xưa như tôi.
Dương Ngọc Thái nhận xét thế nào về cảm tình của khán giả hai miền Nam – Bắc về nhạc bolero?
Tôi cho rằng, khán giả hai miền đều yêu thích nhạc bolero, nhạc xưa. Không thể so sánh được miền nào yêu nhạc xưa hơn. Tôi từng hát những ca khúc như: Xót xa, Éo le cuộc tình, Tủi phận ở TP.HCM, nhưng khi ra Hà Nội, khán giả Thủ đô cũng yêu cầu hát lại rất nhiều. Riêng bài Gọi đò, tôi hát từ năm 2004, sau liveshow 1, bài đó nổi và đi đến đâu dù miền Bắc hay miền Trung, khán giả đều thích. Tôi cho rằng, nhạc xưa không khó nghe, nhạc xưa chỉ kén khán giả thôi. Nếu ai đã thích nghe những ca khúc trữ tình ấy họ sẽ luôn yêu, bởi nhạc xưa như nói hộ lòng mình.
Các ca sĩ khác có phản ứng thế nào với thông tin 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975 bị tạm dừng lưu hành?
Ban đầu mọi người ngạc nhiên và “ngơ ngác” hỏi nhau: “Ơ, vì sao lại dừng lưu hành những ca khúc ấy"? Có người bảo, nếu vì ca từ của bài hát thì vì sao bao nhiêu năm nay những bài hát ấy lại không bị “sờ gáy”? Nhưng, sau có thông tin là do ca khúc chưa xác định được tác giả, hay có nhiều dị bản thì mọi người hiểu và không hỏi nữa. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn mong chờ việc thẩm định các bài hát ấy được đẩy nhanh để nếu được phép lưu hành, chúng tôi lại dùng lời ca, tiếng hát của mình để phục vụ khán giả.
Xem thêm: >>> BTV Hoài Anh, diễn viên Lã Thanh Huyền mừng MC Công Tố 'lên chức'
Lạc Thành