Nghệ thuật có thể xuống dốc nhưng không thể chui xuống đất
Cách đây hai năm, tôi gặp bạn trong một tâm thế chán nản với âm nhạc và đời sống showbiz Việt. Bây giờ thì sao, cái nhìn của bạn về con đường nghệ thuật đã bớt buồn chưa?
Vẫn còn buồn chút xíu nhưng nói chung là tâm trạng của tôi đã sáng lên khá nhiều so với thời điểm cách đây 2 năm. Tôi nghĩ rằng chẳng ai buồn được lâu cả. Bởi một hiện tượng gì, cho dù nó có tệ đến mấy thì cũng phải có giới hạn. Nói như một vị nhạc sĩ lớn tuổi là âm nhạc xuống dốc không phanh nhưng không thể chui xuống đất được. Đến một lúc nào đó, nó cũng phải vượt dốc thôi, dù là chậm chạp và khó khăn.
Hà Linh nồng nàn trên sân khấu
Sau Sao mai điểm hẹn và được đánh giá cao, giọng hát của Hà Linh lại trở nên trầm lắng đáng ngạc nhiên. Thực sự cuộc thi đó không giúp bạn có một bệ phóng nào ư?
Không phải do cuộc thi mà là do chúng tôi bị khán giả kỳ vọng quá mức. Ở Việt Nam, chưa có tiền lệ thần đồng âm nhạc nào để có thể vụt lớn thành một nghệ sĩ thực thụ chỉ sau một cuộc thi. Cuộc thi chỉ đơn giản là một cuộc thi. Điều quan trọng là bạn làm được gì sau đó chứ không phải là thời điểm hiện tại với những tung hô và sự làm màu của truyền thông.
Thế nhưng thực tế ở Việt Nam đã có hiện tượng này nhờ các gameshow giải trí? Những cuộc thi đó đã mang lại cho họ quá nhiều?
Tôi có đi xem một vài lần các gameshow truyền hình dưới danh nghĩa là cuộc thi về âm nhạc. Thú thực, với tôi nó khá nhàm chán. Tôi cũng không tìm thấy điều gì đáng học hỏi ở đó cho sự nghiệp và công việc của mình. Hơn ai hết, tôi hiểu những cuộc thi đó, bởi chính tôi cũng từng bước ra từ nó. Đừng nghĩ rằng họ hát hay. Không hay làm sao được khi bài hát đó đã được họ dành một khoảng thời gian dài để nghiền ngẫm, tập tành. Đó là chưa tính đến sự hỗ trợ, tư vấn, chăm sóc của cả một ê - kíp. Gần đây, tôi có làm giám khảo ở một cuộc thi hát của các bạn sinh viên Hà Nội. Tôi tin rằng, nếu nghe họ hát, sẽ có nhiều ca sĩ mang danh chuyên nghiệp phải xấu hổ đấy. Vì họ hát quá hay, trong khi một bộ phận ca sĩ bây giờ thậm chí không dám hát live vì giọng quá tệ.
Dĩ nhiên, giọng hát luôn là thứ được đánh giá cao nhất ở một ca sĩ. Nhưng có nhiều người lại rất thành công khi sử dụng các chiêu trò, chú trọng phần nhìn nhiều hơn phần nghe?
Chỉ có những người không tự tin với giọng hát của mình mới cần đến những màn vũ đạo, những thứ sương khói không cần thiết trên sân khấu. Đối với những nghệ sĩ lớn, khi đã sở hữu được thứ vũ khí tối tân nhất là giọng hát, họ không cần phải làm màu, càng không cần đến các chiêu trò. Thậm chí, bộ cánh họ mặc cũng được tối giản nhất có thể. Nhưng màn biểu diễn của họ bao giờ cũng thu hút khán giả. Bởi với âm nhạc, chỉ có tiếng hát của người nghệ sĩ mới có thể chạm đến được với trái tim.
Dị ứng với những chiêu trò, vậy bạn có từ chối những show diễn tạp kỹ?
Tôi từ chối 100% ấy chứ dù tôi biết mình không phải là ca sĩ quá đắt show. Bởi thế cho nên, đã từng có thời gian hơn 1 năm tôi gần như không đi hát, không lên sân khấu.
Thời gian đó bạn làm gì?
Tôi đi học đàn, học thanh nhạc.
Hà Linh giản dị ở ngoài đời
“Tôi bị ám ảnh bởi những thị phi”
Ấy vậy mà khán giả nào có buông tha cho bạn, tôi thấy một năm vừa rồi, Hà Linh khá ồn ào với những scandal từ trên trời rơi xuống?
Tôi sợ showbiz là vì thế. Nhiều khi tôi tự hỏi không biết người ta thích nổi tiếng để làm gì. Tôi bị ám ảnh bởi những thị phi của thiên hạ.
Cho nên bạn luôn ngập ngừng với giấc mơ trở thành nghệ sĩ lớn?
Tôi chưa bao giờ dám nhận mình là nghệ sĩ. Tôi đi hát vì niềm đam mê chứ không phải để kiếm tiền hay để sống chết như những người khác. Tôi cũng thấy mình kỳ quặc vì điều đó. Bởi lẽ, nghệ sĩ sống được với nghề là một điều rất đáng trân trọng.
Hiện tại, tôi vẫn đi hát và sẽ hát cho đến lúc vẫn còn đam mê, nhưng một ngày nào đó, nếu bạn thấy Hà Linh đột ngột chuyển sang một công việc khác thì cũng đừng ngạc nhiên.
Nghệ thuật luôn tồn tại những sự khắc nghiệt. Có nhiều người sẵn sàng tử vì nghiệp mà chắc gì đã thành công. Còn bạn, tôi thấy bạn nửa vời quá. Điều đó sẽ là một hạn chế trong nghệ thuật?
Có lẽ vậy. Bạn bè tôi vẫn nói rằng, nếu có cơ hội hãy nhanh chóng nắm lấy thì may ra mới thành công. Nhưng tôi là thế, tôi không thể bon chen hay đánh đổi tất cả vì nghệ thuật được. Họa sĩ Đinh Công Đạt từng nói với tôi: "Người ta lên sân khấu chỉ để làm phận sự của người nghệ sĩ là hát. Còn em, tôi thấy em không chỉ hát mà còn yêu và sống trên đó". Tôi hiểu là anh ấy đang nói đến những bản năng. Nghệ sĩ có quyền diễn trên sân khấu, nhưng ở một chừng mực nào đó. Tôi từng rất sợ khi thấy một nghệ sĩ lớn nói đúng một câu nói, làm đúng một hành động quỳ gối trong 4 đêm diễn liên tiếp của một nhạc sĩ. Có thể khán giả sẽ không nhận ra được ngay sự giả tạo thái quá đó. Nhưng tôi nghĩ, điều đó sẽ giết chết cảm xúc của người nghệ sĩ trước tiên.
Tôi vẫn nghĩ rằng, nghệ sĩ thì phải luôn sống chung với những scandal, hơn nữa nó cũng có hai mặt tốt xấu đấy chứ?
Lạm dụng sự tai tiếng để được nổi tiếng thì khác gì mượn gió bẻ măng. Tôi không làm được điều đó. Nếu cứ mượn đến các chiêu trò thì tuổi thọ của người nghệ sĩ đó không bền. Có sự màu mè nào mà hấp dẫn mãi được. Cuối cùng khán giả sẽ phải nhận ra giá trị đích thực của nghệ thuật thôi. Điều này phải cần đến sự kiên nhẫn.
Tôi từng thấy bạn chọn những dòng nhạc rất khó để thể nghiệm. Đối với số đông công chúng Việt Nam, khi văn hóa và kiến thức của họ còn thấp thì nhạc khó nghe sẽ đồng nghĩa với loại nhạc dở đấy?
Tôi không nghĩ thế. Ngược lại tôi thấy khán giả Việt Nam đang ngày càng rất thông minh. Chúng ta vẫn nói nhạc Jazz đang bị khán giả quay lưng, nhưng năm vừa rồi tôi và một số đồng nghiệp đã tổ chức được 3 show diễn về thể loại này ở 3 thành phố lớn. Sự thành công đã vượt hơn cả ngoài mong đợi. Đầu tiên chúng tôi xác định bán được 50% vé đã là thành công. Nhưng thật bất ngờ, con số đó là 100%. Khán giả nhạc Jazz ở Việt Nam không hề ít như chúng ta vẫn nghĩ.
Thường thì những người nghe Jazz đều là những khán giả tinh tế và khó tính. Các bạn có phải sử dụng một chiến thuật nào đó không?
Người nghe Jazz thường thiên về cảm nhận. Chúng tôi đã hát Jazz theo một cách dễ nghe nhất để không làm mệt khán giả. Vẫn có những nốt phiêu nhưng quan trọng nhất là bạn phải biết giữ nhịp bài hát một cách thuần chất.
Để tổ chức được những liveshow như thế không phải là dễ, cho dù bạn có ê - kip lớn bên cạnh. Người ta đồn rằng Hà Linh đang có đại gia chống lưng đấy?
Khi tôi nói ý tưởng về những đêm nhạc Jazz, hầu hết các đồng nghiệp đều ủng hộ nhiệt tình. Bởi chúng tôi đều có một đam mê chung đó là Jazz. Càng thực hiện, chúng tôi càng bị cuốn hút và cuối cùng, sự cống hiến hết mình của tất cả đã được đền đáp. Không có đại gia nào đứng sau tôi như lời đồn thổi đâu.
Nhưng hình như bạn đang yêu một người đàn ông giàu có?
(Cười). Tôi đang có một tình yêu xa, cả về địa lý lẫn tuổi tác. Nhưng hình như khoảng cách càng làm tình yêu đó lớn hơn. Thật tiếc vì không thể chia sẻ nhiều hơn vì còn có quá nhiều điều phía trước. Tôi sợ nói ra mất thiêng, hẹn một dịp khác nhé.
Cảm ơn Hà Linh và chúc bạn hạnh phúc!
Đào Bích