Ca sĩ Ngọc Khuê kể về tuổi thơ sau lưng bố

Ca sĩ Ngọc Khuê kể về tuổi thơ sau lưng bố

Thứ 5, 27/12/2012 23:54

"Bố mẹ là chỗ dựa tinh thần rất lớn, khi mà Khuê gặp những chuyện không vui trong cuộc sống thì bố mẹ là người đầu tiên đóng góp những ý kiến, những chia sẻ để mình cảm thấy vơi bớt những nỗi niềm…", nữ ca sĩ Chuồn chuồn ớt tâm sự.

Tuổi thơ sau lưng bố

Khuê kể: “Hồi đó, có anh bộ đội đem lòng yêu một cô giáo dạy Văn... Nhà lại ở ngay đối diện nhau và kết quả của tình yêu là có 3 cô con gái ra đời. Hai cô chị sớm theo nghiệp sư phạm của mẹ, còn cô con gái út thì bộc lộ năng khiếu ca hát nên sớm học từng ngón đàn theo bố…”.

Tuổi thơ của Ngọc Khuê khá êm đềm. Nhà ở Gia Lâm – mà theo chị, ngày đó, ở bên kia sông và bên này sông hoàn toàn khác nhau. Bên này sông là thành phố, còn bên kia sông là quê.

Vì thế, Khuê bảo mình lớn lên với tất cả những gì mà một đứa trẻ con nhà quê trải qua. Có một điều khác là một tuần 3 buổi, cha cô (nhạc sĩ, họa sĩ Phạm Ngọc Khôi) đèo con gái út từ nhà sang Cung thiếu nhi Hà Nội học nhạc, trên chiếc xe đạp cọc cạch.

Xã hội - Ca sĩ Ngọc Khuê kể về tuổi thơ sau lưng bố

Ca sĩ Ngọc Khuê

Hồi đó nhà Khuê chẳng khá giả gì. Bố Khuê là nhạc sĩ nhưng ông học guitar chứ không học piano. Dù con gái út Ngọc Khuê thích học đàn lắm, nhưng bố mẹ chị không có đủ khả năng kinh tế để mua cho con một chiếc piano hay organ.

Nhạc sĩ Ngọc Khôi mua cho con mình một chiếc đàn organ nhỏ của Trung Quốc và để cho con tự khám phá. Vậy là cô bé Khuê thích thú tự mày mò học đàn.

Cô tự mượn sách nhạc của các thầy ở Cung thiếu nhi về nhà để học theo, từ ngón nào là nốt Đồ, ngón nào là nốt Rê,… dần dần, bản nhạc đầu tiên mà bé Ngọc Khuê chơi hoàn thiện chính là bài Quốc Ca.

Đến năm lớp 6 thì Khuê thi vào khoa Thanh nhạc, hệ sơ cấp của trường Cao Đẳng nghệ thuật Hà Nội và trải qua 11 năm rèn luyện ở đây cho đến khi tốt nghiệp Cao Đẳng. Bố vẫn là người đưa đón cô con gái ngoan cho đến khi cô học năm cuối của cấp 3, có thể tự đạp xe đi học.

Thị Mầu Ngọc Khuê chia sẻ: “Khi thi lên cấp 3 thì bố đặt chỉ tiêu cho Khuê là: Nếu con thi được vào lớp chọn thì bố sẽ mua cho con một cây đàn organ. Năm đó, mình đã đạt được mục tiêu mà bố đề ra và đến giờ, cây đàn organ ấy vẫn được bố mẹ lưu giữ cẩn thận như một món đồ lưu niệm quý giá.

Hồi đó gia đình Khuê khó khăn lắm, nên để mua được cây đàn organ cho con thì bố mẹ đã phải chắt chiu, ki cóp trong một thời gian rất dài. Đáp lại những hy sinh đó của bố mẹ, mình chỉ biết cố gắng học tập thật tốt.

Và trong khoảng thời gian từ lớp 6 đến lớp 12 thì bố mẹ mình hoàn toàn không phải đóng tiền học cho con vì Khuê đều đạt học bổng. Khuê nghĩ mình đã rất cố gắng để giảm bớt những lo toan của bố mẹ”.

Cứ thế, cùng với những bước đi vững chãi của Khuê luôn có sự hậu thuẫn nhiệt tình của bố mẹ. Hai vợ chồng nhạc sĩ, họa sĩ Phạm Ngọc Khôi không bỏ sót buổi biểu diễn nào của con gái.

Khi Khuê đi thi Sao mai điểm hẹn 2004 ở Tuần Châu, ông bà cũng khăn gói đi theo và thuê nhà nghỉ ngay cạnh khách sạn của con và túc trực ở đó cả tháng trời, cho đến khi chương trình kết thúc.

Năm đó, Khuê giành giải Nhì của cuộc thi và biệt danh mà khán giả ưu ái gọi Ngọc Khuê chính là bài hát chị trình diễn trong đêm Chung kết: Chuồn chuồn ớt.

Ca sĩ “Bà tôi” tâm sự: “Bố mẹ là chỗ dựa tinh thần rất lớn, khi mà Khuê gặp những chuyện không vui trong cuộc sống thì bố mẹ là người đầu tiên đóng góp những ý kiến, những chia sẻ để mình cảm thấy vơi bớt những nỗi niềm… Vì thế từ nhỏ đến lớn, có bất kỳ chuyện gì thì mình đều chia sẻ với bố mẹ, thoải mái như nói với những người bạn.

Đến giờ, khi có gia đình, có bé Tony thì Khuê thấy cách dạy con như thế của bố mẹ vừa tình cảm, vừa gần gũi và Khuê cũng dùng cách đó để dạy con mình. Hiệu ứng tốt đẹp mang lại là con trai của Khuê luôn rất hào hứng kể với mẹ những chuyện ở lớp, ở nhà…”.

Khuê không biết bố mình có tiếc khi chỉ có duy nhất cô con gái út đi tiếp con đường âm nhạc còn dang dở - những đam mê chưa đi hết của ông không. Nhưng chị biết ông bà vui khi các con đều theo nghiệp của gia đình, cả 3 chị em ca sĩ “Bên bờ ao nhà mình” cũng tiếp nối nghiệp giáo viên của mẹ. Mỗi người dạy 1 trường khác nhau... Khuê thì đang làm giảng viên của trường Đại Học Văn Hóa Hà Nội...

Trong một thời gian dài đời sống khó khăn, nhạc sĩ – họa sĩ Phạm Ngọc Khôi đã nhận được công việc thiết kế nhãn rượu, nhãn mứt Tết, bánh kẹo… còn vợ ông thì ngoài thời gian lên lớp cũng tranh thủ nhận len về đan để tăng thêm thu nhập.

Những ngày giáp Tết, được nghỉ học, ba chị em Khuê lại đỡ bố mẹ gấp vỏ hộp mứt Tết và cắt thủ công nhãn rượu vang Thăng Long, vang Gia Lâm… Nhắc đến hãng rượu vang này, mắt ca sĩ Giải Nhì Sao Mai 2004 ánh lên niềm tự hào: “Đó chính là tác phẩm mà bố mình thiết kế hồi đó, giờ vẫn sử dụng. Sau này, mỗi khi sum họp, gia đình Ngọc Khuê lại nhắc lại những kỷ niệm thời khó khăn ngọt ngào ấy”.

Đời sống khó khăn là thế, thật khó tránh khỏi những mâu thuẫn giữa những người lớn trong gia đình. Thế nhưng Khuê bảo, khi có xung đột, một trong hai bố mẹ nhịn rất tốt – đến nỗi cả ba chị em chỉ phát hiện ra bố mẹ giận nhau khi thấy trong nhà bỗng dưng có “chiến tranh lạnh”.

Sau khi lửa giận nguôi đi thì hai người mới bình tĩnh nói chuyện để rút kinh nghiệm. Giờ đây, khi đã có một gia đình nhỏ của riêng mình, cô Thị Mầu cũng lấy kinh nghiệm của bố mẹ ra để áp dụng.

Mang cả ánh hào quang về nhà

Năm 2006, ca sĩ “Giọt sương bay lên” quyết định lên xe hoa cùng chú rể Lê Trung Anh, công tác tại Hãng hàng không Quốc gia và là con một trong một gia đình công chức ở Hà Nội.

Với điểm tựa lớn là bố mẹ chồng trong việc chăm sóc cậu con trai đáng yêu với tên gọi ở nhà là Tony, chào đời năm 2007 – Ngọc Khuê lần lượt hoàn thành chương trình học Đại học và hiện đang tiếp tục hoàn thiện chương trình học Thạc sĩ về Thanh nhạc của mình.

Bên cạnh đó, chị vẫn dành thời gian cho việc tham gia các chương trình biểu diễn, đồng thời đều đặn hoàn thành các dự án âm nhạc của mình.

Ca sĩ “Cặp ba lá” cười tươi tắn: “Nếu không ở cùng ông bà nội thì chết, vì thời gian của Khuê rất hạn hẹp. Hằng ngày chỉ tranh thủ cho con ăn sáng rồi đưa con đi học. Ông bà là người đón cháu, chăm cháu và lo lắng cơm nước chính”.

Nếu như với nhiều người, việc sống chung với gia đình chồng dễ nảy ra nhiều mâu thuẫn đáng tiếc. Nhưng Ngọc Khuê may mắn không phải đối mặt với những khó khăn đó.

Xã hội - Ca sĩ Ngọc Khuê kể về tuổi thơ sau lưng bố (Hình 2).

Gia đình nhỏ của nữ ca sĩ Chuồn chuồn ớt

Chị quan niệm “thật thà là cha giả dối” nên rất thẳng thắn chia sẻ mọi chuyện mà mình thấy chưa hợp lý với mẹ chồng. Được cái mẹ chồng Ngọc Khuê cũng thẳng tính như con dâu nên hai mẹ con khá hợp nhau, bà hay nói chuyện, tâm sự với cô con dâu duy nhất của mình.

Với một số nghệ sĩ, sau những ánh hào quang chói lòa trên sân khấu, khi trở về nhà, họ phải bỏ ánh hào quang ngoài cửa để trở thành người bình thường như bao người khác. Nhưng với Ngọc Khuê thì không.

Chị bảo: “Nhà chồng Khuê ai cũng yêu văn nghệ, đặc biệt là bố chồng hát rất hay. Khuê thường xuyên có các cuộc “giao lưu” karaoke với các em chồng nên không khí gia đình rất vui vẻ. Vì bố mẹ chồng Khuê ít có thói có thói quen đi ra ngoài, không thích những chỗ sôi động, nên ông bà thích ở nhà xem con dâu hát qua tivi. Ông bà rất thích những bó hoa con dâu mang về để cắm ở nhà, thích được nhiều người hàng xóm bạn bè quan tâm hỏi han con dâu...”.

Nói là ở chung với bố mẹ chồng nhưng vợ chồng Khuê ở một tầng riêng biệt, có phòng tiếp khách, phòng ngủ… riêng, chỉ đến giờ sinh hoạt chung mới xuống nhà. Vì thế, nếu hôm nào đi diễn về muộn thì thôi, còn về sớm thì xuống nhà, bố mẹ chồng chị đều có những nhận xét về buổi diễn của con dâu, như là: “Hôm nay con để kiểu tóc đấy đẹp, không bị già, mặc váy đấy đẹp, trang phục thế này thế kia... hay là, hôm nay có bao nhiêu cô dì chú bác ở quê gọi điện lên cho bố mẹ, bảo là cái Khuê nó đang hát đấy…”.

Mẹ chồng Ngọc Khuê cũng tỏ ra rất tế nhị khi thăm dò ý tứ con dâu: “Sao dạo này mẹ thấy mấy đứa cứ thích mặc áo tắm lên sân khấu, mẹ chả thấy đẹp tí nào”. Rồi bà hỏi con dâu: “Con thấy thế nào?”…

Biết mẹ nhắc khéo nhưng Ngọc Khuê chỉ tủm tỉm cười vì chị bảo: “Dòng nhạc của Khuê không thể nào ăn mặc hở hang hay quá sexy được”.

Trong việc giáo dục con cái, để tránh xung đột giữa cách giáo dục của ông bà và bố mẹ thì cả gia đình Ngọc Khuê thống nhất: “Khi vợ chồng con dạy cháu thì ông bà cứ để cho chúng con dạy cháu. Nếu con có gì sai hoặc ông bà không bằng lòng thì sau đó nói riêng với con chứ đừng nói trước mặt cháu”.

Chính vì thế mà dù rất bướng bỉnh nhưng khi bị mẹ Khuê mắng, Tony sẽ nhìn khắp lượt từ ông bà đến bố xem có ai có biểu hiện gì không…, lúc đó mới xin lỗi mẹ. Còn nếu có ai đó định bênh thì thế nào cu cậu cũng lăn ra ăn vạ.

Những lúc rảnh rỗi, ông xã Trung Anh cũng cùng con trai đưa Ngọc Khuê đi diễn. Con trai chị ở dưới thấy mẹ hát cũng đòi lên hát cùng, không được thì đứng dưới hát đớp theo mẹ. Chưa biết cu cậu có khiếu ca hát không nhưng hình như hoa tay hội họa kế thừa từ ông ngoại thì dường như đang thể hiện rất rõ.

Công việc và cuộc sống của con gái út nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi dường như được trải tấm thảm êm đềm khi cùng với việc xây dựng cho mình một gia đình hạnh phúc, sự nghiệp âm nhạc của chị cũng tiến triển rất thuận lợi nhờ có sự ủng hộ mạnh mẽ của cả gia đình.

Cuối tháng 3 này, cô Thị Mầu sẽ trình làng album mới của chị, nhưng Ngọc Khuê nhất định giữ bí mật đến phút chót và chi tiết của album chỉ được công bố trong buổi họp báo ra mắt.

Liên Châu

* Bài đăng trên ấn phẩm phụ báo ĐSPL


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.