Vào tháng 8/2011, công ty POPS Worldwide ký kết dự án hợp tác bản quyền hoá nội dung nhạc Việt Nam trên YouTube với YouTube (thuộc tập đoàn Google). Những nội dung nhạc Việt Nam dưới hình thức video clip do người dùng YouTube đưa lên hệ thống website được đăng ký và bảo vệ bản quyền.
Việc bảo vệ bản quyền này tạo sự thay đổi với 2 đối tượng chính: người tạo nội dung và người dùng trên YouTube. Nhiều ca sĩ thức thời cho rằng nếu không ký để đưa sản phẩm âm nhạc của mình lên một cách chính thống thì sớm muộn sản phẩm của họ cũng sẽ bị khán giả đưa lên. Đây là cách ca sĩ “sống chung với lũ”.
Đàm Vĩnh Hưng, Tuấn Hưng, Lê Hiếu, Nhật Kim Anh, Lý Hải… đã ký kết bản quyền này để kiểm soát khả năng cho phép người dùng sử dụng sản phẩm âm nhạc của mình. Khi người dùng đăng (upload) toàn bộ hoặc một phần video clip ca nhạc của ca sĩ lên YouTube hoặc sử dụng toàn bộ hoặc một phần nhạc nền của ca sĩ cho video clip họ tự tạo (video clip sinh nhật, đám cưới, video clip hình…), hệ thống YouTube sẽ có thông báo bản quyền này thuộc về ai.
Khi đăng ký bản quyền với YouTube, ca sĩ có thể lựa chọn tính năng cho phép người dùng xem và chia sẻ nội dung bằng cách đăng video clip lên kênh của người dùng hoặc dùng nhạc làm nhạc nền cho các clip khác. Trong trường hợp này, người dùng sẽ nhận được thông báo bản quyền. Một cách khác là cho phép người dùng xem (có thể phân quyền xem trên từng lãnh thổ) và không đăng video clip lên kênh của người dùng mà chỉ có kênh YouTube chính thức của ca sĩ mới được đăng video clip. Trong trường hợp người dùng cố tình sử dụng sản phẩm âm nhạc không được cấp phép, ca sĩ có quyền hạ nội dung vi phạm này xuống khỏi hệ thống YouTube.
Ngoài ra, khi xảy ra tình trạng người dùng bôi nhọ hình ảnh của ca sĩ hoặc dùng các sản phẩm âm nhạc của ca sĩ cho việc quảng cáo không thích hợp thì ca sĩ có thể yêu cầu POPS thông báo người dùng gỡ bỏ nội dung này. Trong trường hợp người dùng vẫn không gỡ bỏ, POPS thể gỡ bỏ nội dung không phù hợp khỏi YouTube. Clip bé Bảo An Đồ Rê Mí hát "Bé Chút Chít" bị một trang web người lớn gắn đường link rồi đẩy lên YouTube. Khi gia đình bé Bảo An có ý kiến, clip này đã được tháo xuống khỏi hệ thống.
Người dùng Việt Nam vẫn quen với suy nghĩ YouTube là trang chia sẻ miễn phí, tự do upload. Trước việc ca sĩ ký bảo hộ bản quyền trên YouTube, nhiều người lo ngại phải đóng phí sử dụng. Tuy nhiên đại diện POPS cho biết, người dùng tiếp tục sử dụng nội dung có bản quyền trên YouTube không phải trả phí. YouTube sẽ là đơn vị trả phí cho chủ sở hữu bản quyền bằng cách chia sẻ doanh thu quảng cáo. Khác biệt của người dùng là phải tuân thủ các quyền của ca sĩ, nếu sai phạm sẽ bị cắt tiếng, cắt video, ba lần vi phạm bị đánh sập kênh trên YouTube.
Việt Nam đang tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế, đồng nghĩa với việc tuân thủ các quy định về bản quyền mà các nước tiên tiến trên thế giới đều áp dụng. Điều này dẫn đến thay đổi trong thói quen sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm văn hóa. Bản quyền là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu giúp cho công nghiệp sáng tạo phát triển. Có thể thấy rõ điều này khi nhiều nghệ sĩ Việt Nam đã tham gia dự án Nghe có ý thức, nhằm bảo vệ tác quyền của ca sĩ, nhà sáng tác. Với việc bảo hộ bản quyền âm nhạc trên YouTube, các ca sĩ kỳ vọng vào một bước tiến mới trong việc “xem có ý thức” của khán giả.
Theo Huy Phạm/VnExpress