Gây được chú ý vì yếu tố "nước ngoài"?
Nhìn lại thời gian trước đó, đã có một vài ca sĩ như Lam Trường có album kết hợp Việt - Thái hay Mỹ Tâm có 2 album thực hiện tại Hàn Quốc, nhưng thực sự phải đến thời điểm này thì việc ra nước ngoài thực hiện album mới trở thành xu hướng tất yếu của thị trường nhạc Việt.
Dù giá khá cao nhưng album Music of the night của ca sĩ Đức Tuấn được thực hiện tại Canada ngay trong tuần đầu phát hành đã bán được hơn 1.000 bản.
Điều này cũng không khó hiểu bởi khi cảnh đẹp trong nước gần như đã bị các ca sĩ khai thác đến cạn kiệt, thì việc sang trời Tây kết hợp với ê - kip nước ngoài làm album là một sự "đổi món" cần thiết. Nếu liệt kê danh sách các ca sĩ thực hiện sản phẩm âm nhạc ở nước ngoài thì khó có thể kể hết trong thời gian ngắn: Thu Minh sang Trung Quốc làm clip cho album Giác quan thứ 6; Đan Trường sang Mỹ làm album Dan Truong in American; Akira Phan sang Nhật Bản và Hàn Quốc quay clip cho album Thiên đường thứ 2 và Điều ước giản đơn, hay Ngô Kiến Huy sang Hồng Kông quay clip cho album Yêu như không yêu... Tuy nhiên, điều dễ dàng nhận thấy là chưa hẳn cứ ra nước ngoài quay đều là sản phẩm tốt nhất, hay nhất. Minh chứng là có một số MV của ca sĩ được quay ở nước ngoài chỉ mang tính minh họa và thể hiện, còn chất lượng thì không mấy đảm bảo.
Thêm vào đó hầu hết các MV được thực hiện kết hợp với du lịch, lưu diễn của ca sĩ chứ chưa hoàn toàn đầu tư riêng cho việc làm clip. Và ca sĩ không cần có một êkip với đầy đủ trang thiết bị như ở trong nước mà chỉ cần một người quay phim cùng một máy quay du lịch là đủ. Vì thế mà trong nhiều sản phẩm âm nhạc, công chúng thấy xuất hiện nhiều những cảnh quay thô sơ kiểu đi dạo phố hoặc chỉ dừng lại ở một cảnh đẹp nào đó trong một thành phố. Còn những cảnh quay ở trung tâm đất nước đó hay các thắng cảnh nổi tiếng thì hầu như không có. Hậu quả là những sản phẩm âm nhạc này vừa kém chất lượng về màu sắc, hình ảnh, vừa không có sự đặc sắc về nội dung.
Thế nhưng nhìn nhận một cách khách quan thì không phải ca sĩ nào ra nước ngoài thực hiện sản phẩm âm nhạc cũng chỉ để chơi ngông và gây sự chú ý. Dẫn chứng là thời gian gần đây có rất nhiều các album của ca sĩ trong nước được quay tại nước ngoài đã nhận được sự đánh giá cao từ giới âm nhạc và công chúng. Tiêu biểu như album vừa phát hành mang tên Music of the night của Đức Tuấn được thực hiện ở Canada; Minh Thư mới giới thiệu album Listen được thiết kế hình ảnh tại Thái Lan hay album Li ti của Tùng Dương được thực hiện hoàn toàn tại Đức đã giành giải Cống hiến của báo TT&VH.
Ca sĩ Hoàng Bách cho rằng việc ca sĩ xuất ngoại làm album là tín hiệu đáng mừng của thị trường nhạc Việt.
Sự khác biệt
Nói về vấn đề này, ca sĩ Hoàng Bách cho biết: "Có nhiều ca sĩ thường ra nước ngoài lưu diễn, du lịch kết hợp quay MV với chi phí thấp và không được đầu tư về tiền bạc lẫn chất xám. Những MV này chỉ là sự thay đổi bối cảnh hay sự "đổi gió" không đáng nói đến. Nhưng bên cạnh đó, vẫn có những album thực hiện tại nước ngoài có chất lượng cao. Chưa nói đến điều kiện kỹ thuật, mà chỉ nói đến tư duy làm nhạc thôi đã có sự khác biệt rất lớn giữa các nhà làm nhạc Việt Nam và nước ngoài rồi. Có thể thấy hầu hết các ê kip nước ngoài mà ca sĩ chọn đều có khả năng tốt về chuyên môn và tính chuyên nghiệp cao. Tất nhiên ở thời điểm các phòng thu nở rộ khắp nơi ở ta như hiện nay, cũng không thiếu những nhà sản xuất âm nhạc chuyên nghiệp và đẳng cấp, nhưng tôi nghĩ đây là tín hiệu vui vì khi âm nhạc có sự giao thoa thì mọi thứ sẽ tốt hơn".
Khi nói về nguyên nhân sâu xa của vấn đề này, nhạc sĩ của Hoàng Bách cho rằng, mỗi ca sĩ khi bỏ tiền và công sức ra thực hiện một sản phẩm âm nhạc thì đều có lý do riêng, nó phù hợp với từng dự án cá nhân của ca sĩ và theo đó mỗi ca sĩ cũng có sự đầu tư khác nhau. "Tôi nghĩ lý do đầu tiên là các ca sĩ muốn tìm sự khác biệt trong tư duy làm nhạc, bởi ngay chính bản thân họ cũng muốn có sự thay đổi. Đôi khi người ta không để ý chuyện sản phẩm đó được nhận xét là tốt hay dở, mà cần một sự đánh giá khác đi.
Có thể thấy, việc lựa chọn quay album ở nước ngoài của ca sĩ bên cạnh thuận lợi là tạo sự khác biệt, có "gia vị" mới để công chúng chú ý hơn thì vẫn luôn có những khó khăn đi kèm. Trong đó phải kể đến vấn đề là nhạc Việt có "gu" riêng và không chắc người nước ngoài nào cũng hiểu được điều đó. Vì thế, khi cộng tác với ê kip nước ngoài, câu hỏi làm sao để khán giả Việt yêu thích và đón nhận sản phẩm âm nhạc đó luôn là vấn đề khó đặt ra với các ca sĩ. Chỉ riêng việc sản phẩm âm nhạc đó thành công hay thất bại đã đòi hỏi sự cộng hưởng rất lớn từ nhiều thứ và nó quyết định đến số phận riêng của sản phẩm âm nhạc khi ra thị trường.
Chung quy lại, âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung luôn cần có sự giao thoa để tạo ra sự đột phá và tìm kiếm những cơ hội mới. Chúng ta không chỉ quanh quẩn mãi trên lãnh thổ Việt Nam bởi sẽ có lúc nó tạo ra sự tù túng. Các ca sĩ chịu tìm tòi, chịu "vượt biên" để tìm đến sự văn minh khác hay một tư duy làm nghề khác là một tín hiệu đáng mừng và cần được khuyến khích. Và công chúng nên ghi nhận sự tích cực của mỗi ca sĩ khi họ dốc hết tâm sức để đầu tư vào sản phẩm âm nhạc của mình dù theo cách này hay cách khác. Bởi điều quan trọng là họ không chỉ có sự đầu tư lớn về tiền bạc mà còn có sự cống hiến rất lớn để nâng cao chất lượng nghệ thuật.
Trân trọng những người làm nhạc tử tế "Nước ngoài cũng có 5 - 7 dạng người chứ không phải ông Tây ba lô nào cũng đại diện cho nền văn minh của đất nước đó, nên việc ca sĩ chọn ai để cộng tác là vấn đề rất quan trọng. Nhưng về cơ bản, những ê kip nước ngoài là những người thực sự chuyên nghiệp khi họ chăm chút hơn chúng ta về nhiều thứ, nhất là ý tưởng. Họ đi trước ta về tư duy âm nhạc nên sẽ có nhiều cái hay ho hơn. Điều dễ thấy là tư duy âm nhạc của mỗi xã hội khác nhau và đôi khi cái người ta cần là sự mới mẻ. Vì thế tôi luôn đánh giá cao và trân trọng những người làm âm nhạc một cách tử tế", Hoàng Bách nói. Được biết, mới đây, Bách vừa cho ra mắt album mới mang tên Trời còn mưa mãi theo phong cách Nhật Bản. Ngại nhà sản xuất trong nước vì ít sự lựa chọn? Hiện, những nhà sản xuất thực sự chuyên nghiệp, đủ độ tin cậy để ca sĩ lựa chọn chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi đó, số lượng ca sĩ cần thực hiện sản phẩm âm nhạc nhiều hơn gấp mấy chục lần. Chính việc cầu luôn vượt quá cung đã khiến cho các ca sĩ trong nước phải tìm đến cộng tác với ekip nước ngoài. Như chia sẻ của ca sĩ Đức Tuấn rằng, để tránh tình trạng ca sĩ xếp hàng chờ đến lượt album của mình, thậm chí có khi phải chầu chực, muốn quỳ xuống năn nỉ họ làm giùm mình thì cách giải quyết tốt nhất là tìm nhà sản xuất ngoài nước. Mặt khác, cũng phải nhìn nhận rằng, dù trong nước vẫn có những nhà sản xuất tài năng không thua kém những nhà sản xuất nước ngoài nhưng chính sự trễ nải và thái độ không tích cực trong quá trình hợp tác của họ đã khiến cho ca sĩ "ngại" cộng tác. |
Loan Thanh