“Cá thần” trong “tổ rồng” xôn xao ở Thái Nguyên

“Cá thần” trong “tổ rồng” xôn xao ở Thái Nguyên

Thứ 5, 27/12/2012 23:49

Phát hiện ở trong động có loài cá lạ, người dân lập tức phong lên thành “cá thần”.

Cách thành phố Thái Nguyên theo quốc lộ 1B (hướng Thái Nguyên - Lạng Sơn) tại xã Thượng Nung (huyện Võ Nhai – Thái Nguyên) tồn tại một truyền thuyết về hang Rồng đã có từ hàng trăm năm nay.Theo một số người cao tuổi ở xã Thượng Nung, truyền thuyết về hang đá bên trong những dãy núi đá nằm ở phía Đông Bắc của xã có từ bao giờ cũng không ai xác định được. Sau này, cửa hang đã mất dấu, không tìm ra vị trí nên từ lâu không còn ai nhắc đến chuyện này nữa.

Xã hội - “Cá thần” trong “tổ rồng” xôn xao ở Thái Nguyên

Cửa động Long Dương được rào chắn để hạn chế nguy hiểm cho người, gia súc.

Truyền thuyết về hang Rồng

Để tìm hiểu về hang đá kỳ bó trên, PV Người đưa tin tìm gặp ông Ma Văn Lập (85 tuổi) người dân trong xã Thương Nung. Nói chuyện với PV, ông Lập cho biết: Từ khi lên năm tuổi, tôi đã nghe thấy bố mẹ mình nói về truyền thuyết hang Rồng nằm trên núi, cách nhà mình khoảng một ngày đi bộ.

Họ bảo rằng, trong hang có một con rồng làm tổ. Theo lời ông Lập, các cụ cao niên trong làng thường kể trong chiếc hang đá đó cũng có rất nhiều châu báu, ngọc ngà quý hiếm. Đã có nhiều người sinh lòng tham lên đấy tìm cơ hội đổi đời nhưng đều không thấy trở về nữa.

Mỗi khi trẻ con trong làng nghịch ngợm hay khóc lóc đều bị bố mẹ lấy chuyện con rồng ra dọa nạt mà sợ hãi lặng im thin thít. Đã bước sang tuổi 85 nhưng số lần ông lên khu núi gần nhà đó chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Bởi vì câu chuyện mà bố mẹ ông kể đã nhiễm vào máu. Nó ám ảnh ông và người dân xã Thượng Nhung.

Rít một hơi thuốc lào nặng trịch, ông Lập Kể: Vào cuối năm 2005, anh Ma Văn Trí ở xóm Lục Thành thuê máy xúc về san một quả đồi gần sông Thượng Nung để làm ruộng trồng ngô.

Khi đào xuống sâu khoảng 1m, anhå thấy xuất hiện một cái lỗ sâu hoắm nằm ở bên dưới lòng đất. Ban đầu người dân cứ tưởng đấy là cái hang chuột, chỉ cần đào sâu xuống sẽ chạm đáy.

Tuy nhiên, ai ngờ khi càng đào sâu xuống thì miệng hố càng rộng ra thành một cái hang. Bên trong cái hang tối om và bốc lên mùi tanh nồng. Do ý định ban đầu chỉ để san lấp trồng cây nên anh Trí không để ý đến.

Anh tiếp tục lấy đất đổ vào cửa hang, tuy nhiên, cứ hết đống đất này đến đống khác đẩy xuống thì lại bị cuốn trôi, nước không dâng lên chút nào. “Lúc đó tôi mới biết đấy là một cái hang lớn không thể san lấp nổi. Mọi người bèn dừng lại việc xúc đất và báo lên chính quyền địa phương”,

Câu chuyện san lấp đất phát hiện ra hang động tự nhiên của anh Trí nhanh chóng lan ra khắp vùng. Câu chuyện ngày một được người dân trong vùng bàn tán, thêu dệt thêm nhiều chuyện ly kỳ hấp dẫn. Đặc biệt, khi họ phát hiện ra trong hang có một loài cá da trơn, màu vàng.

Theo người dân, kỳ lạ thay chỉ anh Mai Thế Dân, Trưởng xóm Tân Thành mới có khả năng gọi cá từ tít trong hang sâu ngoi lên mặt nước. Hay chuyện anh Dân còn tìm thấy trong động một “linh vật” hình rồng ba mắt bằng đá…

Từ đó, người dân địa phương cho đây là cửa hang Rồng linh thiêng theo thuyết kể lại từ xưa và đặt tên là động Long Dương.

Xã hội - “Cá thần” trong “tổ rồng” xôn xao ở Thái Nguyên (Hình 2).

Loại cá lạ trong động

Mục sở thị “tổ Rồng”

Nhờ hai người dân địa phương dẫn đường, chúng tôi vượt qua cánh đồng của xóm Tân Thành, men theo bờ sông Thượng Nung tìm đến động Long Dương. Thoạt nhìn, động Long Dương giống như một hố nước sâu.

Tuy nhiên, khi quan sát kỹ, quả là có nhiều điều bí ẩn. Cửa động hình vòm khung nhỏ chỉ vừa cho một người lớn chui vào. Hai người này chỉ tai vào hòn đá ở cửa cửa động (dưới mép nước khoảng 0,5m) bảo: Các cậu có nhìn thấy viên đá có hình giống xương mặt người, có đôi mắt to nhìn ngược lên rất hung dữ giống kia không.

Người ta bảo đó là hình ảnh những con rồng trong truyền thuyết. Theo quan sát của chúng tôi, xung quanh viên đá đó là những con cá bơi tung tăng. Chúng tôi đi vào sâu trong động khoảng chừng 20m thấy nước trong động chảy theo hướng Nam - Bắc (ngược hướng với dòng chảy của sông Thượng Nung).

Sâu hun hút vào chân núi đá, lòng động rộng thênh thang chứa đầy nước trong vắt. Nhìn lên thành động, có nhiều hình thu kỳ quái giống như người dân bảo đó là “đôi mắt thần”, “rồng ba mắt”...Hai người dẫn đường cho biết thêm, trong động Long Dương có loại cá da trơn, màu vàng, trọng lượng lên tới 5kg nhưng người dân không dám bắt thịt. Họ cho rằng đây là cá thần linh thiêng…

Điều đáng tiếc nhất là anh Mai Thế Dân đi vắng nên không có ai ở Thượng Nung dám lặn sâu vào trong lòng động để gọi đàn cá lạ bơi ra ngoài cửa động. Chúng tôi chỉ quan sát thấy, dòng nước bên ngoài thi thoảng có một số con cá màu vàng nhỏ bằng hai đầu ngón tay ngoi lên mặt nước đớp mồi.

Trở lại nhà anh Mai Thế Dân, chúng tôi ngỏ ý mong muốn bà Lương Thị Mùa (mẹ anh Dân) cho xem “linh vật”. Thoạt đầu bà còn e dè nhưng khi được biết chúng tôi là nhà báo đến tìm hiểu sự việc và trình cho bà xem giấy giới thiệu của tòa soạn, người đàn bà này niềm nở mời chúng vào nhà. Đến bàn thờ của gia đình, bà thành kính khấn vái rồi mang “linh vật” xuống.

Theo quan sát của PV, “linh vật” mà bà bảo đó là một vật thể bằng đá vôi. Nếu để nằm ngang nhìn nó cũng giống hình con Rồng. Dựng đứng lên, hòn đá trông tựa bản đồ Việt Nam. Đã từ lâu, gia đình anh Dân và người dân Thượng Thung coi đó là báu vật.

Bà Mùa khẳng định, đây là vật thể được tự nhiên tạo thành mà anh Dân tìm thấy ở trong động Long Dương. Từ ngày anh Dân mang về, gia đình cất giữ cẩn thận, không phải ai cũng có thể tiếp xúc được với nó.

Chỉ là những câu chuyện thêu dệt

Từ những lời kể của người dân, chúng tôi tự đặt câu hỏi về tính xác thực của câu chuyện đàn cá da trơn dài tới nửa mét ngoi lên mặt nước theo tiếng gọi của anh Dân. Lấy những thông tin thu được ở động Long Dương, chúng tôi trao đổi với ông Nguyễn Đình Mộc, Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất Đông Bắc.

Ông Mộc giải thích: “Tại những khu vực có nhiều núi đá vôi thường hình thành những dòng sông ngầm. Hiện tượng nước chảy từ Nam – Bắc ở Thượng Nung là rất bình thường, không phải chỉ riêng nơi đây mới có. Riêng về những con cá da trơn nặng vài ki lô gam, rất có thể do những trận lũ lớn, nước tràn vào các cửa hang trong núi nên cá theo vào và sinh sôi, phát triển.

Việc chúng sống hoang dã, không gặp người bao giờ nên khi được cho ăn thì bơi theo là chuyện không có gì lạ”. Tuy nhiên, từ trước đến nay, chưa có sự khảo sát và đưa ra kết luận cuối cùng của cơ quan chuyên môn. Được biết, hiện nay động Long Dương vẫn được người dân địa phương cho là kỳ bí, linh thiêng.

Trao đổi với PV Người đưa tin, ông Mai Khánh Tuyên, Chủ tịch UBND xã Thượng Nung khẳng định: “Tôi trực tiếp nhìn thấy những con cá da trơn nặng gần chục cân theo anh Dân ngoi lên mặt nước. Tuy nhiên, đây cũng là sự việc bình thường. Hơn nữa, nước trong động chảy ngược chiều với sông Thượng Nung có thể do địa hình đặc biệt”.

Theo ông Tuyên, các cơ quan chức năng liên quan của tỉnh Thái Nguyên sớm thành lập đoàn khảo sát để đưa ra kết luận cuối cùng về hiện tượng trên. Để vừa có thể trấn an dư luận về sự kỳ bí của cá thần, ‘linh vật” “rồng ba mắt” và xét nghiệm nguồn nước có đảm bảo an toàn phục vụ sinh hoạt hay không.

Chỉ là loại cá bình thường

Để tìm hiểu rõ hơn về câu chuyện, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đức Tịch, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Võ Nhai (Thái Nguyên). Ông Tịch cho biết, hang động Long Dương là tạo hóa thiên nhiên đã ban tặng cho con người nói chung và người dân tỉnh Thái Nguyên nói riêng. Ông cũng đã nghe về truyền thuyết hang Rồng và câu chuyện cá thần ở xã Thượng Nung. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có những chứng cứ cụ thể để kết luận xem động Long Dương có thuộc quần thể di tích nào không. Ngoài ra ông Tịch cũng khẳng định, “cá thần” chỉ là câu chuyện thêu dệt của người dân. Vì họ chưa nhìn thấy loài cá này nên mới đồn thôi và coi nó là “thánh thần”.

Trung Tuyến


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.