Hướng đến cuộc hội đàm vào ngày 27-28/2, các quan chức của cả Mỹ và Triều Tiên đều không tiết lộ chi tiết cho truyền thông về những nội dung chính mà hai nước sẽ tập trung vào thảo luận ở Việt Nam.
Trong một động thái thể hiện sự kỳ vọng một cách thận trọng, Tổng thống Mỹ trong những ngày gần đây nói rằng ông "không vội vàng" để đạt được phi hạt nhân hóa, thay vào đó, Mỹ muốn tiếp tục tạm dừng thử nghiệm vũ khí của Bình Nhưỡng.
Về phía Triều Tiên, mục tiêu chấm dứt các lệnh trừng phạt quốc tế, cùng với tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 có khả năng sẽ nằm trong danh sách ưu tiên.
Trước thềm cuộc hội đàm, tờ Al Jazeera đã cùng với các nhà phân tích xem xét những gì sẽ có mặt trên bàn thảo luận hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần 2 ở Thủ đô Hà Nội, Việt Nam.
8 tháng sau thượng đỉnh Singapore
Vào tháng 6 năm ngoái, Singapore đã tổ chức cuộc gặp lịch sử đầu tiên giữa một Tổng thống Mỹ và một nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Hội nghị thượng đỉnh diễn ra sau nhiều tháng căng thẳng Mỹ-Triều gia tăng được đánh dấu bằng các vụ thử hạt nhân và tên lửa, các lệnh trừng phạt mới và những lời đe dọa nguy hiểm. Sau cuộc gặp mặt, Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim đã kết thúc bằng một tuyên bố bước đầu tích cực, hứa hẹn giải tỏa căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Tại Singapore, hai nhà lãnh đạo Kim và Trump đã vạch ra bốn cam kết: Thiết lập "quan hệ mới" vì hòa bình và thịnh vượng; xây dựng "chế độ hòa bình ổn định trên Bán đảo Triều Tiên"; làm việc "hướng tới phi hạt nhân hóa"; và hồi hương hài cốt của những người lính thiệt mạng trong Chiến tranh Triều Tiên.
Tuy nhiên, thỏa thuận không xác định rõ ràng mục tiêu phi hạt nhân hóa cũng như không nêu chi tiết một mốc thời gian cụ thể đối với việc tiến tới vô hiệu hóa kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Mỹ hướng tới điều gì tại thượng đỉnh Hà Nội?
Như Tổng thống Trump đã nhấn mạnh trước đó, Mỹ đang tìm kiếm một sự đảm bảo từ Triều Tiên rằng nước này sẽ ngừng thử vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Washington cũng muốn Bình Nhưỡng loại bỏ tất cả các vũ khí nằm trong chương trình hủy diệt hàng loạt, cũng như đưa ra một lộ trình và kế hoạch hành động cụ thể về cách thức thiết lập để đạt được điều đó.
"Hai bên có thể thảo luận về phi hạt nhân hóa nhưng tôi dự đoán rằng ông Trump muốn cuộc đàm phán với Triều Tiên sẽ là một chiến thắng nội bộ nên ông sẽ tránh đề cập đến ngày tháng và kỳ vọng cụ thể khi nói về vấn đề hạt nhân", Ben Young, một nhà phân tích về Triều Tiên, nói với Al Jazeera.
"Tôi nghĩ rằng họ sẽ cố gắng đưa ra một hiệp ước hòa bình nào đó. Đó là một chiến thắng cùng có lợi cho cả hai bên", ông nói thêm.
Trong khi một số chính trị gia và nhà phân tích Mỹ đã suy đoán về việc ông Trump có thể đồng ý giảm sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc - nơi có tổng cộng khoảng 28.500 binh sĩ - các quan chức ở Seoul và Washington cho biết đây là vấn đề không thể đàm phán.
"Kiên nhẫn với Triều Tiên không phải là lựa chọn tồi tệ nhất”, chuyên gia Young nêu quan điểm. “Việc gây áp lực và dồn họ vào góc tường để buộc phi hạt nhân hóa có thể khiến Triều Tiên cảm thấy không được tôn trọng và sẽ phản ứng lại".
"Triều Tiên rất kiêu hãnh và coi trọng danh dự quốc gia. Do đó, điều mà chính quyền Tổng thống Trump muốn tránh nhất là trở lại thời kỳ ‘lửa giận’ cách đây 2 năm”.
Triều Tiên mang tâm thế gì đến Việt Nam?
Ngoài việc nới lỏng các lệnh trừng phạt và tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên, Triều Tiên cũng đang kêu gọi khởi động lại một số dự án kinh tế liên Triều và mở văn phòng liên lạc của Mỹ ở Bình Nhưỡng, theo Stephen Biegun – đặc phái viên về Triều Tiên của Tổng thống Trump.
Gánh nặng từ các lệnh trừng phạt quốc tế do Mỹ dẫn đầu đối với chương trình hạt nhân của Triều Tiên đã gây ảnh hưởng lớn đến giá trị thương mại toàn cầu. Do đó, Bình Nhưỡng năm ngoái đã chuyển trọng tâm sang phát triển kinh tế.
Kab-Woo Ko, giáo sư khoa học chính trị tại đại học Nghiên cứu Triều Tiên tại Seoul, cho biết Bình Nhưỡng "cần đảm bảo lợi ích kinh tế, chính trị và ngoại giao từ hội nghị thượng đỉnh lần này".
Trong trường hợp thỏa thuận chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên được thực hiện tại Hà Nội, giáo sư Ko nói rằng nên theo dõi chặt chẽ xem bên nào sẽ ký một tuyên bố như vậy.
"Sẽ rất thú vị khi xem liệu thỏa thuận chỉ được thực hiện giữa Mỹ và Triều Tiên, hay nó sẽ bao gồm Trung Quốc", ông nói.
Hai miền Triều Tiên về mặt kỹ thuật vẫn còn trong tình trạng chiến tranh khi sự đối đầu dừng lại vào năm 1953 chỉ đến từ một thỏa thuận ngừng bắn tạm thời do Mỹ ký, đại diện cho lực lượng Liên Hợp Quốc với quân đội của Triều Tiên và Trung Quốc.
Hồi đầu tuần này, phát ngôn viên của Tổng thống Hàn Quốc cho biết, một tuyên bố kết thúc chiến tranh chỉ cần hai bên - Bình Nhưỡng và Washington - là đủ, thêm vào đó cần tập trung vào việc "Triều Tiên sẽ phi hạt nhân hóa một cách thông suốt sau tuyên bố".
"Chính phủ Hàn Quốc hoan nghênh bất kỳ hình thức thỏa thuận kết thúc chiến tranh nào nếu nó đóng vai trò đẩy nhanh phi hạt nhân hóa", tuyên bố của Seoul cho hay.
Quan điểm ở Seoul là gì?
Cuộc hội đàm tại Hà Nội diễn ra sau một khoảng thời gian mối quan hệ Hàn Quốc-Triều Tiên nồng ấm trở lại vào năm ngoái, trong đó công chúng được chứng kiến ông Kim và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in gặp nhau ba lần.
Trong hội nghị thượng đỉnh Hàn-Triều, hai nhà lãnh đạo đã đồng ý một loạt các động thái thiện chí, cam kết sẽ tiếp tục hợp tác kinh tế khi có thể và thực hiện các bước để giảm các mối đe dọa quân sự.
Giống như Bình Nhưỡng, các dự án kinh tế liên Triều cũng được Seoul tích cực thúc đẩy, bao gồm cả việc khởi động lại hoạt động tại Khu công nghiệp Kaesong đã bị đình chỉ trong ba năm.
Nằm ngay bên trong Triều Tiên, tổ hợp được ra mắt năm 2004 với ý tưởng các công ty Hàn Quốc sản xuất sản phẩm của mình kết hợp với nguồn lao động của Triều Tiên, giúp cải thiện nền kinh tế.
Để giành được một số nhượng bộ từ Washington, Triều Tiên có thể thông qua việc đóng cửa tổ hợp hạt nhân chính Yongbyon, cũng như bãi bỏ các cơ sở tên lửa quan trọng trước sự chứng kiến của các chuyên gia nước ngoài, các quan chức Hàn Quốc cho biết.
"Tổng thống Moon đã đầu tư rất nhiều vốn liếng chính trị và tình cảm vào việc cải thiện quan hệ với Triều Tiên", chuyên gia Young nhận định.
Từ “dạm ngõ” ở Singapore đến cái kết viên mãn ở Hà Nội
Các nhà phân tích không dự đoán hội nghị thượng đỉnh Hà Nội sẽ kết thúc với một thỏa thuận sẽ chứng kiến Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân, nhưng đã thúc giục Washington cần thực hiện các bước đi tạm thời để có thể có được một thỏa thuận đáng giá nào đó.
Mặc dù viễn cảnh cho một bước đột phá lớn là mong manh, nhưng có một số kỳ vọng cho rằng, cuộc đàm phán Mỹ-Triều lần 2 có thể đưa ra tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên.
Về phần mình, Ko nói rằng ông muốn thấy Triều Tiên "đồng ý về quy trình phá dỡ cơ sở hạt nhân Yongbyon".
Ko dự đoán rằng các cuộc đàm phán ở Hà Nội sẽ chứng kiến việc Mỹ mang lại cho Triều Tiên một số lợi ích cần thiết trong các mặt trận chính trị, quân sự và kinh tế, đồng thời cho rằng Mỹ sẽ không rời khỏi Hà Nội bằng một thỏa thuận “mơ hồ” như ở Singapore.
"Cuộc nói chuyện ở Singapore giống như lễ dạm ngõ - cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa gia đình của cô dâu và chú rể”, giáo sư Ko so sánh. "Bây giờ, đã đến lúc cho kế hoạch thực sự", mô tả rằng hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội sẽ là “ngày hỷ” dành cho cả hai nước Mỹ và Triều Tiên.