'Cả thế giới tắt đèn 1 giờ bằng TQ xả thải trong 4 phút'

'Cả thế giới tắt đèn 1 giờ bằng TQ xả thải trong 4 phút'

Chủ nhật, 31/03/2013 11:00

Dù mang tính nhân văn cao, có vẻ như Giờ Trái đất lại không thực sự mang lại hiệu quả, nhất là khi người dân không ý thức được việc tiết kiệm điện trong suốt những giờ còn lại của năm.

Bắt đầu diễn ra từ năm 2007 với nơi khởi xướng là Sydney, Australia, cùng sự tham gia của hơn 2 triệu người, Giờ Trái đất (Earth Hour) giờ đây đã trở thành sự kiện thường niên của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (World Wildlife Fund) với tiêu chí đề cao tiết kiệm năng lượng, giảm khí thải CO2 và hướng đến mục đích cuối cùng là giáo dục mọi người ý thức bảo vệ môi trường.

Nhờ các phương tiện truyền thông, sự kiện này đã trở thành một hoạt động quốc tế với mức độ lan tỏa vượt trội. Năm 2008 có số người tham gia là 50 triệu người, năm 2009 là 1 tỷ người và theo thống kê năm 2012 vừa qua, Earth Hour thu hút sự tham gia của hơn 7.000 thành phố thuộc 152 quốc gia. Hình thức tham gia rất đơn giản: Giờ Trái đất khuyến khích các gia đình và cơ sở kinh doanh tắt đèn điện và các thiết bị điện không ảnh hưởng đến sinh hoạt trong khoảng một giờ, từ 20h30 (giờ địa phương) ngày thứ Bảy cuối cùng của tháng Ba hằng năm. Năm 2013, Giờ Trái đất sẽ diễn ra vào ngày 23/3.

Việt Nam Xanh - 'Cả thế giới tắt đèn 1 giờ bằng TQ xả thải trong 4 phút'

Vấn đề quan trọng của Giờ Trái đất là nhân loại phải có ý thức tiết kiệm sau giờ đó.

Tác giả George Marshal, người sáng lập “Mạng lưới tiếp cận thông tin khí hậu” đồng thời là tác giả cuốn Carbon Detox đã phát biểu trên tờ The Guardian rằng: “Trong suốt 25 năm hoạt động môi trường, tôi từng chứng kiến nhiều phong trào đầy hứng khởi và những thứ thiếu chiều sâu, hay thậm chỉ vô nghĩa. Nhưng với Giờ Trái đất của WWF (Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên) thì phải nói đây là một trong những chiến dịch lệch lạc và phản tác dụng nhất mà tôi từng thấy”.

Biện giải chính mà tác giả này đưa ra là Giờ Trái đất sẽ chẳng giúp cắt giảm chút khí thải nào vì các công ty năng lượng luôn để dành một phần công suất và các tuốc-bin vẫn luôn chạy trong suốt thời gian nhu cầu điện tụt giảm đột ngột để chuẩn bị khi mọi người bật đèn lên lại”.

Một sự kiện hy hữu ở Uusikaupunki (Phần Lan) tại Giờ Trái đất 2010: Một người phụ nữ 17 tuổi đi môtô đã đâm chết một người đàn ông 71 tuổi, khi ấy đang đi bộ dưới… lòng đường thay vì vỉa hè. Tại thời điểm xảy ra tai nạn, đèn đường đã bị tắt để… hưởng ứng Giờ Trái đất

Những năm đầu của Giờ Trái đất, nhiều đơn vị tổ chức đã kêu gọi người dân tắt hết thiết bị điện, ra đường thắp nến nhằm “gắn kết triệu trái tim trong công cuộc bảo vệ mẹ Trái đất”. Tuy ý tưởng được đề xuất có vẻ hay, nhưng thực chất các tổ chức ấy đang góp phần biến “Giờ Trái đất” thành “Giờ Trái đất ốm”. Các bạn tắt đèn nhưng lại thắp nến - một sản phẩm làm tăng lượng CO2 còn cao hơn điện gấp trăm lần, có giá thành (so với “đốt” bóng đèn điện trong một giờ) cao hơn chục lần. Đồng thời, lại thắp nhiều (mỗi nơi cũng phải vài trăm cây nến để tăng phần “rực rỡ” còn… chụp ảnh cho đẹp). Vô hình trung, nhiều nơi chỉ coi Giờ Trái đất như một cuộc vui, nhằm thỏa mãn nhu cầu cá nhân của mình.

“Cao tay” hơn là những hoạt động ăn theo Giờ Trái đất. Hiện tại, Facebook đang lan truyền một thông báo “Đăng ký để nhận 50.000 áo Giờ Trái đất”. Dĩ nhiên đây cũng chỉ đơn giản là một trò lừa đảo nhằm tăng "likes" cho một Fanpage nào đó.

Những người mẫu, ca sĩ được dịp để “thể hiện tình yêu với môi trường” - thứ mà trước đây có lẽ họ chưa từng nhắc đến. Các đài truyền hình, công ty tổ chức nên những sự kiện tiêu tốn hàng chục tỷ đồng để quảng cáo rầm rộ, thanh niên ra đường hưởng ứng Giờ Trái đất, cũng vô tình khiến đường phố “ngập lụt”, lượng rác thải xả ra nhiều hơn (trong đó bao gồm cả túi ni lông - thứ vô cùng "độc hại" với môi trường). Đồng thời, khói xe tăng cao, một lượng xăng dầu rất lớn bị tiêu thụ, điện có thể tắt một nhưng hóa ra ô nhiễm môi trường lại tăng đến mười phần.

Thông qua những ví dụ trên, chỉ xin nhấn mạnh hai điểm mà Earth Hour, cũng như những nhà tổ chức vẫn còn thiếu sót. Đó là Earth Hour chỉ khuyến cáo “tắt những thiết bị điện không cần thiết trong một giờ”. Tuy nhiên, đối với những thiết bị điện sống còn như nguồn điện của tủ lạnh, máy sưởi, máy giặt, điện thoại… là những đồ dùng không thể cắt bỏ và cũng là thứ tốn nhiều điện năng nhất mới chính là “thủ phạm”.

Theo thống kê của tạp chí Slate (Mỹ), ngay cả khi mọi gia đình đều tắt toàn bộ bóng điện trong một giờ và lượng điện tiết kiệm được quy ra lượng phát thải CO2 thì lượng khí thải đó cũng chỉ tương đương lượng phát thải CO2 của Trung Quốc trong chưa đầy 4 phút.

Trong khi ở Anh, việc cắt giảm một lượng tiêu thụ điện nhỏ trong một giờ không làm giảm lượng điện mà cơ quan này phải truyền vào khi chuẩn bị khởi động hệ thống. Người ta lại phải sử dụng lượng than hoặc khí nhiều hơn để phục hồi hệ thống cung cấp điện trở lại bình thường sau Giờ Trái Đất. Vậy nên, dù mang tính nhân văn cao, có vẻ như Giờ Trái đất lại không thực sự hiệu quả, nhất là khi người dân không ý thức được việc tiết kiệm điện trong suốt những giờ còn lại của năm.

Việc thứ hai đến từ những nhà tổ chức, hãy ngừng việc tư lợi từ một chương trình như Giờ Trái đất. Một Giờ Trái đất nhẹ nhàng nhưng bền vững được duy trì bởi các tổ chức xanh có kế hoạch cụ thể sẽ tiết kiệm và hiệu quả hơn nhiều với những chương trình quảng cáo rầm rộ để rồi nhanh chóng đi vào quên lãng cho đến năm sau.

Chỉ cần người dân ngừng xả rác, xe cộ ngừng thải khói bụi, nến không được thắp, áo và biểu trưng không được in một cách bừa bãi, đặc biệt là ý thức người dân luôn được nâng cao thì Giờ Trái đất mới có thể trọn vẹn như ý nghĩa và mong muốn của nó.

Minh Quân (theo Chúng ta)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.