Ngày 9/7, thống kê từ Chi cục Thủy sản Gia Lai cho thấy, từ năm 2022 đến nay, đặc biệt là trong tháng 6-7/2025, cá voi Bryde (Balaenoptera edeni) đã liên tục xuất hiện tại nhiều khu vực ven bờ tỉnh, từ Xuân Thạnh (xã Phù Mỹ Đông), Vũng Bồi (xã An Lương), xã Đề Gi, đến các hòn đảo như: Hòn Sẹo, Hòn Cỏ, Hòn Khô Lớn và Mũi Gành.
Cá voi Bryde xuất hiện tại Vũng Bồi - Đề Gi (Gia Lai). Nguồn: Tí Tài
Cá voi quý hiếm “chọn” vùng biển Gia Lai
Trao đổi với phóng viên, TS.Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Gia Lai, cho hay: Cá voi Bryde có tập tính sống đơn độc nhưng đôi khi xuất hiện theo cặp hoặc thành nhóm gia đình, đặc biệt trong giai đoạn nuôi con. Với thời gian mang thai từ 10-12 tháng và nuôi con khoảng 12 tháng, việc chúng "chọn" vùng biển Gia Lai để sinh sống cho thấy môi trường nơi đây đang rất phù hợp.

Cá voi Bryde khổng lồ xuất hiện săn mồi ở vùng biển gần bờ tỉnh Gia Lai. Ảnh: Tí Tài
"Việc cá voi Bryde xuất hiện thường xuyên cho thấy môi trường và hệ sinh thái biển Gia Lai đang dần phục hồi với nguồn thức ăn dồi dào, phù hợp với tập tính kiếm ăn của loài cá voi này", TS. Vinh nhận định.
Chuyên gia bảo tồn biển Vũ Long từ Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học và Loài nguy cấp (CBES) - người trực tiếp tham gia khảo sát cá voi tại Đề Gi từ năm 2022 - chia sẻ thêm: "Các vùng biển ven bờ như Đề Gi hay Nhơn Lý có cấu trúc vịnh tương đối kín, sóng gió không quá mạnh, trở thành nơi tập trung cá mồi và tạo môi trường yên tĩnh phù hợp cho hoạt động kiếm ăn của cá voi".

Theo các chuyên gia, sự xuất hiện liên tục của cá voi ở vùng biển gần bờ tỉnh Gia Lai cho thấy sự phục hồi tích cực của hệ sinh thái biển nơi này. Ảnh: Tí Tài
Sự xuất hiện thường xuyên của cá voi không chỉ phản ánh sự phục hồi của hệ sinh thái biển mà còn mở ra tiềm năng cần được nghiên cứu và bảo tồn nghiêm túc. Việc duy trì môi trường biển lành mạnh, kiểm soát tốt các hoạt động khai thác thủy sản và phát triển ven biển là yếu tố then chốt để đảm bảo cá voi tiếp tục quay lại trong tương lai.

Chuyên gia Vũ Long trong chuyến khảo sát cá voi Bryde năm 2022 tại vùng biển Đề Gi. Ảnh: Ái Trinh
Du lịch tự phát là thách thức trong bảo tồn môi trường biển cho cá voi
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Gia Lai, thời gian qua đã xuất hiện tình trạng tàu du lịch, ca nô, các tàu cá tiếp cận quá gần cá voi. Một số tour du lịch tự phát đưa khách đi xem cá voi, chụp ảnh có thể khiến cá voi căng thẳng, bỏ đi, thậm chí mắc cạn.
Đặc biệt nguy hiểm, cá voi sử dụng hạ âm để định hướng và giao tiếp, nên tiếng động cơ tàu có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chúng. Chỉ một cú va chạm nhẹ cũng có thể gây chấn thương nghiêm trọng. Ngoài ra, tập tính "ăn dựng" của loài cá này khiến chúng dễ nuốt phải túi ni lông, rác thải nhựa.
Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề, ngày 9/7/2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Gia Lai đã ban hành công văn về việc phối hợp tuyên truyền, bảo vệ các loài thú biển quý hiếm với các biện pháp cụ thể: Đối với ngành du lịch: Tăng cường tuyên truyền quy tắc tiếp cận cá voi, yêu cầu giữ khoảng cách tối thiểu 100m, không tiếp cận phía trước đầu hoặc phía sau đuôi cá, hạn chế tốc độ và tốt nhất là tắt động cơ khi tiếp cận khu vực có cá voi. Đồng thời, không quá 3 tàu hoạt động trong khu vực có cá voi.

Cùng với tín hiệu tích cực, một thách thức lớn trong công tác bảo tồn thú biển quý hiếm là việc hoạt động du lịch tự phát đang gây ra trở ngại.
Đối với cộng đồng ven biển: Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động ngư dân và chủ tàu cá chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, nguồn lợi thủy sản. Phối hợp giám sát hoạt động của tàu du lịch, tàu dịch vụ nhằm đảm bảo không gây ảnh hưởng đến loài thủy sản quý hiếm.
Ông Nguyễn Hữu Đảo, Giám đốc Công ty Du lịch Khánh An, chia sẻ: "Chúng tôi xây dựng các tour du lịch sinh thái biển ở khu vực Nhơn Lý và thực sự rất vui khi vùng biển quê mình thường xuyên có sự xuất hiện của cá voi. Đây là một tín hiệu tích cực của môi trường biển đang phục hồi".
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai cho hay, những câu chuyện về cá voi đã được các hướng dẫn viên đưa vào các tour để giới thiệu với du khách. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch cũng tích cực tuyên truyền để du khách hiểu và không tiếp cận quá gần, tránh gây ảnh hưởng tới cá voi khi đang kiếm ăn.