Không biết đến "thím" Google
Không giống như các bà mẹ ở thành phố lớn, có thể gõ nhanh “thím” Google là thành chuyên gia nhưng lại đi “tẩy chay” tiêm vắc xin và gia nhập nhiều nhóm hội phản khoa học. Các bà mẹ ở những vùng nông thôn lại ý thức cao việc tiêm chủng cho con, dù là ngày Chủ nhật vẫn đưa con đi đều đặn, vì thế ít có dịch bệnh bùng phát.
Nói chuyện với chúng tôi, chị Thu Trâm (Thanh Oai, Hà Nội) cho biết: “Tôi ở quê, ngoài việc đồng áng, lo cơm nước cho gia đình thì không có thời gian để lên mạng, tìm hiểu hay gia nhập những nhóm hội chăm sóc, nuôi con. Chúng tôi chỉ biết nuôi con theo những kinh nghiệm mà các bà, các mẹ truyền lại. Con có ốm đau thì đưa ra trạm xá, bệnh viện nhờ bác sĩ”.
Theo sự chia sẻ của chị Trâm, 2 con của chị từ khi sinh ra đã đăng kí tiêm chủng tại trạm y tế xã, chị không bỏ một mũi tiêm nào của con. Chính vì thế, khi có bệnh dịch con chị đều vượt qua hết. Khi đi tiêm về, con chị có hơi quấy khóc, sốt, nhưng với chị đó chỉ là chuyện bình thường.
“Con có khóc, sốt cũng chỉ một ngày là hết chứ bỏ một mũi tiêm nào của con tôi còn đau lòng hơn nhiều. Khi tiêm xong, các con sẽ được nghỉ tại trạm 30 phút để các y bác sĩ theo dõi xem có phản ứng phụ nào không. Nếu thấy bình thường thì sẽ được về. Nói thật, chúng tôi ở quê chỉ mong sao con được tiêm phòng bệnh đầy đủ. Con có khỏe mạnh thì bố mẹ mới yên tâm làm ăn”, chị Trâm bày tỏ.
Tương tự như chị Trâm, chị Cao Thị Lan (Hưng Yên) kể, khi biết được lịch tiêm chủng cho con chị đều đặn đưa con đến trạm y tế xã. Nếu có quên là phải đưa con đi tiêm bù ngay. Vì, các bà mẹ ở quê không có thời gian tham gia mạng xã hội nên họ gần như không biết tới “thím” Google.
Nhiều người lo việc tiêm chủng cho con đến mất ăn mất ngủ
Để tìm hiểu rõ hơn về việc các bà mẹ ở quê tuân thủ đúng thời gian tiêm chủng cho con, chị Nguyễn Thị Hà (cán bộ dân số tại một xã trên địa bàn huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết: “Ở nơi tôi công tác, cứ sáng thứ 4 hàng tuần là có lịch tiêm phòng cho trẻ em. Còn mùng 4 hàng tháng là tiêm phòng cho người có thai. Đến ngày tiêm chủng mẹ nào quên thì những người phụ trách của xóm, đội đó sẽ có trách nhiệm gọi điện thông báo để họ đưa con đến. Ở quê, các mẹ chấp hành việc tiêm chủng cho con rất đầy đủ. Vì trên từng giấy mời chúng tôi đã ghi rất rõ thời gian, địa điểm, lợi ích của từng mũi tiêm chủng”.
Không những thế, khi đưa con đến tiêm, các bà mẹ sẽ được cán bộ y tế tư vấn cụ thể ngày hôm ấy tiêm gì, khi tiêm về thì trẻ sẽ sốt hay không sốt. Những bà mẹ đang có thai thì sẽ được tư vấn đăng kí khám thai và tiêm phòng. Ai chưa đi khám sẽ được y tế thôn và cán bộ dân số đến nhà tư vấn đi khám. Chính sự chấp hành tốt này nên tại những vùng nông thôn ít có dịch bệnh bùng phát. Có chăng cũng chỉ một vài trường hợp cha mẹ vì quá bận bịu công việc mà quên mất lịch tiêm của con.
Để đảm bảo cho trẻ nhỏ tại nơi mình công tác không bị bỏ mũi tiêm chủng nào, chị Phùng Bích Tuấn (một cán bộ dân số tại Cẩm Khê, Phú Thọ) cho hay: “Ở quê tôi, các gia đình ai cũng lo việc tiêm chủng cho con. Nếu có quên hoặc ốm là tháng sau họ phải đưa con đến tiêm ngay. Vì ở quê, tháng nào cũng tiêm chủng một ngày cố định. Khi đến khám, các mẹ sẽ được cán bộ y tế nói rõ về mũi tiêm, sau đó được theo dõi tại nơi tiêm chủng ít nhất 30 phút mới được đưa con về”.
Mai Thu