Cuộc rong chơi xuyên thế kỷ
Những cái tên như Sông Hồng, Thăng Long, Du Lịch, Đài Phát Thanh... đã được định danh trong những năm 1970-1980 của thế kỷ trước, khi những ca khúc của ABBA, Bee Gees, Lobo được du nhập vào Việt Nam. Thành viên của những ban nhạc ấy đến nay, người còn, người mất, nhưng lòng đam mê và nhiệt huyết vẫn còn rực cháy.
Trải qua những thăng trầm của cuộc sống, những thành viên nòng cốt của các ban nhạc, kẻ ở người còn, có người tiếp tục làm nghệ thuật, có người dừng lại, có người còn sống, có người đã ra đi. "Sau cuộc hội ngộ năm ngoái, tôi nhận thấy chỉ một thời gian ngắn mà cuộc sống của anh em đã có quá nhiều thay đổi. Chỉ một năm mà một vài người đã qua đời, lại có người trở về từ cõi chết. Điều đó hối thúc chúng tôi thường xuyên tổ chức các buổi gặp mặt. Một là để anh em cùng nhau chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống, hai là giúp nhau nuôi dưỡng những cảm xúc âm nhạc của thời gian ấy. Các ca sĩ trẻ bây giờ không có sự say mê với dòng nhạc ấy nữa. Dòng nhạc của thập niên 70-80 là một trong những dòng nhạc kinh điển của thế giới và nó sẽ tồn tại mãi mãi. Nhưng nếu không biết duy trì, nó sẽ mai một dần", nghệ sĩ Văn Hạnh chia sẻ.
Những thành viên trong các ban nhạc nổi tiếng một thời, có người cũng phải tha phương, cầu thực ở nước ngoài. Chính vì thế, để tổ chức một buổi gặp mặt cũng rất khó. Thời điểm này cũng có một vài nghệ sĩ từ nước ngoài về nên ban tổ chức quyết định gặp mặt mặc dù vắng mặt một số người. Trong những người trở về đó, có nghệ sĩ Trần Tràn. Ông sống ở Đức và mắc bệnh ung thư gan. Trong quá trình điều trị bệnh, rất may đã có người tặng ông bộ gan và ông được cứu sống. Ông như "từ cõi chết trở về" và muốn chia sẻ niềm vui này đến với mọi người.
Các nghệ sĩ cùng ôn lại những kỉ niệm của một thời vàng son.
Buổi biểu diễn bắt đầu với một ban nhạc có cái tên rất lạ, ban "Thủ công nghiệp", ca sĩ Sao Mai, người hát chính trong ban giải thích: "Vì không có địa điểm tập nên anh em mượn tạm sân của hợp tác xã thủ công nghiệp nên lấy luôn tên đó để đặt cho ban nhạc". Khác với các thành viên còn lại, ca sĩ Sao Mai là người duy nhất đi theo con đường âm nhạc chuyên nghiệp. Cô cũng chia sẻ rằng, chính những người anh trong ban nhạc không chuyên này đã dìu dắt cô trên con đường nghệ thuật. Và cô hát, giọng ca nổi tiếng từ những năm 70 đến giờ vẫn đầy lửa. Những bài hát mà có lẽ thế hệ sau chỉ được nghe trên băng đĩa hoặc internet thì giờ đây trở nên sống động hơn bao giờ hết.
Họ đứng trên sân khấu cùng nhau, như 40 năm về trước. Vẫn thấy đâu đó vẻ yêu đời, lí lắc, chỉ khác là họ không mặc quần ống loe và để tóc dài. Ca sĩ Sao Mai chia sẻ, nhóm nhạc của bà giống như nhóm du ca, biểu diễn ở bất cứ nơi nào họ thích, có khi là các buổi sinh nhật, có khi ngay trên bãi cỏ. Chỉ cần được hát, có khán giả là diễn, diễn vô tư, không toan tính, và chuyện không có cát-sê là bình thường.
Nghệ sĩ Trần Hạnh nhớ lại: "Thời điểm đó, chúng tôi không quan niệm nghiệp dư và chuyên nghiệp. Giai đoạn đó anh em không mấy ai được học nhạc, tất cả đều xuất phát từ nghiệp dư, sau đó các đoàn đến tuyển chọn thì mới được đi học. Ngày xưa, chúng tôi chơi nhạc không có phòng trà, hay sân khấu như bây giờ. Nơi chúng tôi được thể hiện "ngón nghề" là những cuộc tiễn chân tân binh đi bộ đội nhập ngũ. Hồi ấy, đang chiến tranh, đi "đánh" cho các gia đình có con em đi lính thì không có tiền. Gia đình người ta đang chia ly, buồn khổ nên bọn tôi chẳng có tâm trạng gì để lấy tiền của họ. Nhưng, chúng tôi chỉ được chơi nhạc ở nhà những người quen, người ngoài họ không dám nhờ vì tưởng tốn kém lắm".
Những nghệ sĩ "ở bên kia sườn dốc"
Những tiết mục diễn ra vô cùng ăn ý, như là họ sinh ra để chơi đàn cùng nhau vậy. Được biết, các nghệ sĩ vẫn tập với nhau thường xuyên giống như văn ôn, võ luyện. Mặc dù không có "đất" diễn nhưng họ vẫn làm. Họ chơi nhạc cho chính bản thân mình, để được cùng nhau hưởng thụ những cảm xúc âm nhạc. Một số nghệ sĩ vẫn tiếp tục chơi nhạc trên sân khấu Hà Nội, vẫn tham gia các hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp, một số chỉ chơi nhạc nghiệp dư. Nhưng nghệ sĩ Trần Lan khẳng định, mặc dù chơi nghiệp dư nhưng đam mê của họ đã để lại trong lòng người hâm mộ nhạc tại thủ đô Hà Nội rất nhiều ấn tượng tốt đẹp.
Nghe lại những giọng ca của bạn bè, họ như được sống lại "thời kỳ vàng son" của những dân "phủi" chơi đàn của Hà Nội. Nghệ sĩ trumpet Hiển “còi” hay còn được giới nghệ sĩ biết đến với biệt hiệu Hiển “nấm độc”, thành viên của ban nhạc Du Lịch chia sẻ: "Tôi là người may mắn khi là một thành viên của rất nhiều ban nhạc thời kỳ đó. Trong buổi gặp mặt này, có những người vì điều kiện đã không có mặt, có những người vì tuổi cao sức yếu mà đã ra đi. Nhưng tất cả những nghệ sĩ ấy là những con người vì nghệ thuật, vì đam mê, muốn được cất cao lời ca tiếng hát, được chơi những bản nhạc theo ý của mình và đem lời ca tiếng hát để làm đẹp thêm cho đời”.
Lần lượt rất nhiều nghệ sĩ xuất hiện trên sân khấu: Lân “Tàu”, Toàn “phủi”, Tuấn “tập”... Nghệ sĩ Trần Lan cũng lên hát tặng người cha đã mất của mình ca khúc Papa, người mà ông kể rằng "đã phải đi sơ tán mỗi khi ông chơi nhạc vì sợ vỡ... cửa sổ". Hàng loạt các ca khúc tiếng Anh, tiếng Pháp và cả tiếng Nhật được vang lên, sâu lắng và đầy sức sống.
Trải qua những thăng trầm của lịch sử và cuộc sống, những con người tự gọi mình "ở bên kia sườn dốc" cũng dành một phút tưởng niệm để tưởng nhớ đến những người anh, người bạn đã qua đời sớm, để lại cho họ những niềm thương tiếc khôn nguôi. Họ hát để tặng cho khán giả, tặng bạn bè và để tặng cho chính mình mà không có bất cứ một áp lực nào. Vì họ biết, dù hay hay dở thì tất cả đều là những nghệ sĩ chân chính.
Và cuộc chiến với thời gian
Họ ngồi đây, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm của một thời, chia sẻ về cuộc sống, cùng hát, cùng vui. Các thành viên trong cùng một ban nhạc giờ mỗi người một nơi, nhưng trong họ luôn bừng cháy ngọn lửa đam mê để mỗi khi có cơ hội, ngọn lửa ấy lại cháy để nhắc cho khán giả nhớ rằng, họ đã ở đó, vào những năm 70, 80 của thế kỷ trước, ôm đàn cầm mic đem niềm vui đến cho khán giả.
Nhận định về chương trình, tay trống Hạnh “đen” cho biết: "Mặc dù chương trình tính nghệ thuật có thể chưa cao nhưng ít nhiều cũng để lại sự lắng đọng nào đó trong tâm trí những người đến dự". Cũng trong buổi diễn, mọi người được nghe những tiếng ghi-ta trầm bổng từ ngón đàn điêu luyện của nghệ sĩ Dũng “râu”. Anh đàn hồn nhiên, vô tư đệm theo những bản nhạc ca ngợi tình yêu cuộc sống, không ai nghĩ rằng anh đang mang trong mình căn bệnh ung thư, mà lại ung thư giai đoạn cuối. Buổi gặp mặt này, anh vẫn đàn, vẫn cười, vẫn vẫy tay. Mọi người mong rằng sẽ vẫn nhìn thấy hình ảnh đó vào những năm tiếp theo...
Chất lãng tử Những ban nhạc "phủi" nổi lên nhờ hiệu ứng của các chương trình biểu diễn nhạc ngoại góp vui đám cưới, rồi đến các sàn khiêu vũ dành cho khách quốc tế mang đúng nghĩa "nhảy đầm" đã "châm ngòi" cho một cuộc cách mạng âm nhạc và thính giả Hà thành. Nhưng rồi, họ bất ngờ tan rã. Vì nhiều lý do khác nhau, có người đi nước ngoài, có người vì hoàn cảnh kinh tế mà phải "dừng cuộc chơi", cũng có người được các đoàn trung ương nhiệt tình mời gọi. Gây ồn ào nhất hồi ấy có lẽ là sự kiện đoàn ca múa nhạc Hà Nội mạnh dạn "chiêu nạp" ban Hùng - Hào, dù cả hai nhạc công cho đến thời điểm đó đều chưa đọc được nốt nhạc. Cát-sê chỉ đủ trả tiền trà đá "Có những buổi tối thứ 7, chúng tôi tụ tập lại để chơi nhạc mà thấy công chúng bám cả vào cửa sổ để nghe. Nói chung, được chơi nhạc là vui. Có những lúc chơi nhạc ở các đám cưới, xe đạp không có, anh em chúng tôi cầm cái đàn ghi-ta nhảy tàu điện đi "đánh". "Đánh" xong được trả thù lao 50 đồng thì phải trả tiền thuê nhạc cụ mất 40 đồng. Còn lại 10 đồng, anh em ban nhạc ngồi lại với nhau tại một quán cóc ngoài phố để "liên hoan", nghệ sĩ Văn Hạnh chia sẻ. |
Thanh Xuân