Các bên đều "vô can", người tiêu dùng chịu thiệt

Các bên đều "vô can", người tiêu dùng chịu thiệt

Thứ 5, 27/12/2012 23:42

Khi câu chuyện gas giả, xăng "dỏm" chưa kịp lắng, người tiêu dùng lại hoang mang trước thông tin 300 lượng vàng nhái SIC bị phát hiện. Giới chuyên gia cảnh báo, đó chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, có thể sẽ còn rất nhiều lượng vàng bị nhái như vậy.

Khách hàng hoang mang, tiệm vàng ngơ ngác

Ngay sau khi thông tin công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) chi nhánh miền Bắc phát hiện 300 lượng vàng nhái SJC trong quá trình dập lại bao bì từ tháng 7 được phát đi đã khiến thị trường vàng nhốn nháo.

"Người trong cuộc" cũng phản ứng theo nhiều cách khác nhau. Rất đông khách hàng đã rồng rắn kéo đến chi nhánh Công ty SJC miền Bắc để kiểm tra chất lượng khiến nhân viên ở đây bị xoay như chong chóng.

Về phía các tiệm vàng, họ cũng tỏ ra thận trọng hơn khi mua vàng miếng SJC vì lo ngại gặp phải vàng nhái. Khi mua vàng miếng, các nhân viên của tiệm vàng đều được lệnh phải kiểm tra rất kỹ sản phẩm. Chủ một tiệm vàng tại khu vực Ngã Tư Sở (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: "Trong diễn biến tương đối phức tạp này, buộc chúng tôi phải cẩn trọng. Chúng tôi sẽ ưu tiên mua của những khách hàng quen. Nếu khách hàng lạ đến bán chúng tôi đều yêu cầu phải cắt bao bì để đo thử tuổi vàng, đặc biệt là những miếng vàng đựng trong bao bì cũ".

Bất động sản - Các bên đều 'vô can', người tiêu dùng chịu thiệt

Nhiều người sở hữu vàng nhái SJC đang rất hoang mang. Ảnh minh họa.

Một số tiệm vàng khác cũng cho biết, sau khi mua vàng của khách hàng, họ lập tức đem đến Công ty SJC ép bao để kiểm định, nhằm kịp thời phát hiện vàng giả, vàng nhái SJC. Bản thân các doanh nghiệp vàng, chủ các tiệm vàng... cũng chưa nắm được bất kỳ thông tin gì về vàng nhái, vàng giả cũng như cách thức phân biệt. Ngay bao bì miếng vàng SJC cũng được công ty này thay đổi thường xuyên khiến nhiều đơn vị khác không cập nhật được.

Lý giải cho vấn đề này, ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng kinh doanh Công ty SJC cho biết, nếu các ngân hàng, công ty vàng có nhu cầu tìm hiểu phân biệt vàng thật - nhái có thể đến tổ kiểm định, công ty SJC để được hướng dẫn. Theo ông Tường, cứ đưa ra chi tiết nào để phân biệt là các đối tượng làm giả, làm nhái đều khắc phục được nên SJC chỉ cung cấp thông tin cho những đơn vị cần chứ không phổ biến rộng rãi.

Trao đổi với PV báo ĐS&PL, bà Lê Thúy Hằng, Giám đốc chi nhánh SJC miền Bắc cho biết, các chuyên gia kỹ thuật của SJC đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật, kiểm tra, kiểm định và phát hiện được trong các sản phẩm vàng bị làm giả, làm nhái có vàng miếng của SJC. Số vàng này bị phát hiện khi khách hàng rút tiết kiệm, giao dịch vàng với một số ngân hàng, đại lý vàng trên địa bàn Hà Nội. Sau khi mang bán, kiểm tra, dập vỏ mới phát hiện ra bị nhái.

"Khi phát hiện vàng bị làm giả, nhái, từ 2 lượng trở xuống, sẽ cắt hủy để không cho lưu thông ra thị trường. Miếng vàng đó sẽ được chuyển thành vàng nguyên liệu, điều đó cũng có nghĩa là miếng vàng sẽ được bán với giá của vàng nguyên liệu, giá trị của nó không còn bằng như vàng miếng chuẩn của SJC. Từ lượng thứ 3 trở lên, SJC sẽ lập hồ sơ chuyển tới cơ quan công an, sàng lọc các đối tượng nghi vấn để kịp thời xử lý", bà Hằng nhấn mạnh.

Một số người băn khoăn, nếu chuyển thành vàng nguyên liệu, giá trị của lượng vàng bị giảm đi, người tiêu dùng sẽ bị thiệt hại khá nhiều. Trả lời cho lo lắng này, bà Hằng khẳng định, trong quá trình kiểm tra và chuyển vàng nhái về thành vàng nguyên liệu, đương nhiên người dân sẽ phải chịu mức phí nhất định. Mức phí này sẽ phụ thuộc vào độ chênh lệch của vàng trong nước và thế giới. Nếu thời điểm giá vàng trong nước và thế giới chênh nhau ra sao sẽ có các căn cứ để tính theo mức chênh lệch như vậy.

"Nếu vàng trong nước và thế giới, chênh từ 2,5 - 3 triệu đồng/lượng, người dân cũng sẽ phải chịu mức chênh lệch như vậy khi chuyển từ vàng thương phẩm sang vàng nguyên liệu", bà Hằng lấy ví dụ. Đại diện SJC miền Bắc cũng khẳng định, SJC miền Bắc cũng chỉ là một doanh nghiệp dân sự, nên chỉ có thể kiểm tra được sản phẩm có chính hãng hay không, chất lượng ra sao mà không thể giải quyết được các khiếu nại, tố cáo và giữ được số lượng vàng của khách.

Sản xuất vàng nhái SJC có tổ chức?

Nhiều người đặt câu hỏi, trước đây gần như không có hiện tượng vàng nhái SJC, vậy tại sao thời gian này lại rộ lên nhiều như vậy?. Đại diện SJC cho hay, đó là do chênh lệch giữa giá vàng trong nước và vàng thế giới khá xa. Bên cạnh đó, trên thị trường, giá vàng của thương hiệu khác cũng thấp hơn giá vàng SJC hàng triệu đồng. Theo thời gian, khi giá vàng thế giới giảm và khoảng chênh lệch không còn thì thị trường sẽ ổn định.

Tuy nhiên, không ít ý kiến băn khoăn, sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho dập lại vàng miếng cong vênh, móp méo và cho chuyển đổi vàng phi SJC sang SJC đã tạo ra một kẽ hở khi vàng bóng, ký trở thành vàng phi SJC và từ vàng phi SJC thành vàng SJC hay vàng nhái SJC. Bởi theo một tổng giám đốc công ty vàng, một số đơn vị đăng ký lượng chuyển đổi vàng nhưng liệu số lượng ấy có được kiểm tra hay không mới là quan trọng.

Trao đổi với PV, ông Vũ Mạnh Hải, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn TP. Hà Nội phân tích, việc SJC được lựa chọn là thương hiệu vàng quốc gia là nguyên nhân chính khiến số lượng vàng nhái thương hiệu này xuất hiện ngày càng nhiều. Thêm vào đó, việc chênh lệch giữa giá vàng trong nước với giá vàng thế giới cũng dẫn đến tình trạng này.

"Chỉ cần làm nhái một lượng vàng SJC, đúng tuổi vàng và hàm lượng thì cũng lãi hơn 2 triệu đồng rồi. Vì giá vàng trong nước kể từ tháng 8 đến nay luôn cao hơn giá thế giới ít nhất 2 triệu đồng/lượng, thậm chí có lúc lên đến trên 3 triệu đồng", ông Hải nhấn mạnh.

Cũng theo quan điểm của ông Hải, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới thường xuyên quanh mức 3 triệu đồng/lượng đã kích thích các đối tượng làm vàng SJC nhái, giả để kiếm lời. Với 300 lượng vàng nhái bị "phanh phui", các đối tượng có thể đã bỏ túi gần 1 tỷ đồng.

"Người làm nhái SJC không phải đơn vị nhỏ lẻ mà có tổ chức bởi để làm được như vậy phải có máy móc hiện đại. Khuôn đúc làm ra vàng miếng của SJC được đặt riêng ở nước ngoài, ký hiệu đặc biệt và mất 2-3 tháng mới làm xong. Do đó, việc sản xuất vàng nhái cũng có thể ở nước ngoài", ông này dự đoán.

Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó TGĐ Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) cho biết: “Nhiều người đã rất hoang mang khi biết vàng mà họ cất giữ lâu nay có thể là hàng nhái. Bản thân các doanh nghiệp vàng, chủ tiệm vàng cũng không phân biệt được thế nào là vàng nhái huống hồ người tiêu dùng. Vì bằng mắt thường khó có thể nhận biết được đâu là vàng nhái thương hiệu SJC. Theo tôi, SJC phải nói rõ để người dân được hiểu".

Trước thông tin cho rằng, số lượng vàng nhái được phát hiện đa số có nguồn gốc từ phía các ngân hàng, ông Toại phân trần: "Bản thân ngân hàng chúng tôi cũng chỉ là đơn vị sử dụng. Ngân hàng cũng chưa có thiết bị kiểm định chuyên nghiệp như phía SJC cũng như chuyên môn để kiểm tra. Rõ ràng chúng tôi cũng ở vào thế bị động".

Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Lưu Quang Điền, Phó Tổng GĐ Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý SJC Hà Nội cho biết, có 2 nguyên nhân dẫn đến hiện tượng vàng nhái, vàng giả. Thứ nhất, bắt nguồn từ sự chuyển đổi thương hiệu vàng từ các thương hiệu khác sang SJC còn khó khăn, dẫn đến sự chênh lệch về giá giữa các loại vàng. Bên cạnh đó, sự khác nhau về giá giữa vàng trong nước với vàng thế giới cũng là một lý do khiến vàng SJC bị làm giả nhiều.

Trước thực trạng này, có giả thuyết cho rằng, một số thương hiệu vàng đã chẳng dại gì chuyển đổi mà chỉ cần thao tác kỹ thuật, dùng sản phẩm của mình, dập nhái thương hiệu SJC, mỗi lượng thu lời hàng triệu đồng. Thậm chí họ xin quota nhập khẩu vàng giá thấp, về làm nhái vàng SJC. Nếu không bị phát hiện sẽ dễ dàng bỏ túi hàng tỉ đồng, với số lượng hàng giả, hàng nhái lớn.

Trước việc người dân hoang mang vì vàng nhái, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) nhấn mạnh, người mua vàng, có vàng SJC nên bình tĩnh. Giải pháp hiện nay là người dân mua vàng ở đâu nên đến đó bán, tốt nhất là đến các đại lý của SJC để được kiểm định miễn phí.

"Chúng tôi dự tính đề xuất phương án mua vàng nhái SJC rồi bù chênh lệch cho người dân, nhưng đồng ý hay không tùy thuộc cơ quan quản lý vì Công ty SJC giờ chỉ là đơn vị gia công, còn quyền sở hữu thuộc Nhà nước", ông Dũng nói thêm.

NHNN đang điều tra vàng nhái SJC

Trước thông tin phát hiện 300 lượng vàng nhái SJC, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã giao Vụ Quản lý ngoại hối nghiên cứu để xử lý vấn đề về vàng giả, vàng nhái thương hiệu. Cơ quan này cũng cho biết, trong một vài ngày tới sẽ có thông tin chính thức về vấn đề này. Trước đó, từ tháng 9/2012, khi phát hiện vàng nhái SJC, Công ty SJC đã làm văn bản báo cáo Ngân hàng Nhà nước, UBND TP.HCM và cơ quan công an. Cơ quan công an đang trong quá trình điều tra. Nhiều tiệm vàng cũng cho biết gần một tháng nay vàng nhái loại 1 lượng ít xuất hiện, thay vào đó là tình trạng mài cạnh các miếng vàng loại nhỏ, trong đó có miếng vàng 1 chỉ.

Anh Văn - Phạm Hạnh


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.