Các bên lên tiếng về thuế quan đối ứng, Mỹ đưa ra cảnh báo ngắn gọn

Thứ 5, 03/04/2025 15:20

Nhiều nước từ châu Á đến châu Âu cho đến nay đã đưa ra phản ứng ban đầu đối với thông báo thuế quan “có đi có lại” của ông Trump.

Trong một động thái làm rung chuyển thị trường toàn cầu, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố vào ngày 2/4 rằng ông sẽ áp dụng thuế quan “có đi có lại” với tất cả các đối tác thương mại.

Bắt đầu từ ngày 5/4, tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ sẽ phải chịu mức thuế cơ bản là 10%. Sau đó, bắt đầu từ ngày 9/4, khoảng 90 quốc gia, mà theo chính quyền Trump hiện đang áp dụng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa của Mỹ, cũng sẽ phải chịu thêm một khoản thuế quan đối ứng.

Ví dụ, hàng nhập khẩu từ Ai Cập, Vương quốc Anh, Ecuador và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) sẽ phải chịu mức thuế quan đối ứng 10%, trong khi hàng hóa nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) sẽ phải chịu mức thuế 20%, hoặc Campuchia với mức thuế quan đối ứng cao nhất là 49%.

Chỉ có hai đối tác thương mại được miễn hoàn toàn khỏi mức thuế quan “có đi có lại” mới nhất, là Mexico và Canada. Tuy nhiên, cả hai quốc gia này đều đang phải đối mặt với mức thuế 25% theo các chính sách riêng biệt nhắm vào nhôm và thép, có hiệu lực vào tháng 2, cũng như mức thuế đối với xe hơi, dự kiến có hiệu lực vào ngày 3/4.

Các nhà kinh tế đã cảnh báo rằng, thuế quan trên diện rộng có thể làm tê liệt tài chính của người Mỹ có thu nhập thấp nhất, đồng thời cũng góp phần thúc đẩy suy thoái.

Nhưng trong thông báo của mình từ Vườn Hồng của Nhà Trắng vào ngày 2/4, ngày mà ông gọi là "Ngày giải phóng", ông Trump lập luận: "Thâm hụt thương mại không còn chỉ là vấn đề kinh tế. Nó là tình trạng khẩn cấp quốc gia đe dọa đến an ninh và chính lối sống của chúng ta. Đây là mối đe dọa rất lớn đối với đất nước chúng ta".

Nhiều nước cho đến nay đã đưa ra phản ứng ban đầu đối với thông báo thuế quan “có đi có lại” của ông Trump.

Các bên lên tiếng về thuế quan đối ứng, Mỹ đưa ra cảnh báo ngắn gọn- Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng, Washington, DC., ngày 2/4/2025. Ảnh: Getty Images

Bộ Thương mại Trung Quốc trong một tuyên bố gửi tới AFP đã kêu gọi Mỹ "hủy bỏ ngay lập tức" các mức thuế quan.

Một quan chức Nhà Trắng nói với CBS News rằng thuế quan trả đũa là thuế bổ sung, nghĩa là mức thuế 34% vừa mới công bố đối với Trung Quốc sẽ được áp dụng cùng với mức thuế 20% đã áp dụng.

"Trung Quốc kêu gọi Mỹ ngay lập tức hủy bỏ các biện pháp thuế quan đơn phương và giải quyết thỏa đáng các bất đồng với các đối tác thương mại thông qua đối thoại bình đẳng", Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, đồng thời nói rằng điều này sẽ "gây nguy hiểm cho sự phát triển kinh tế toàn cầu".

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết thuế quan sẽ gây ra "hậu quả nghiêm trọng" cho hàng triệu người trên khắp thế giới.

"Chúng tôi (EU) đã hoàn thiện gói biện pháp đối phó đầu tiên để đáp trả thuế quan đối với thép", bà Von der Leyen cho biết. "Chúng tôi hiện đang chuẩn bị cho các biện pháp đối phó tiếp theo để bảo vệ lợi ích và doanh nghiệp của chúng tôi nếu các cuộc đàm phán thất bại".

Thủ tướng Italy Giorgia Meloni, người đã đến thăm ông Trump tại Mar-a-Lago vào tháng 1, đã gọi mức thuế quan là động thái "không phù hợp với bất kỳ bên nào".

"Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để đạt được thỏa thuận với Mỹ, nhằm ngăn chặn một cuộc chiến thương mại chắc chắn sẽ làm suy yếu phương Tây theo hướng có lợi cho các tác nhân toàn cầu khác", bà Meloni cho biết.

Thủ tướng Anh Keir Starmer, người gần đây đã gặp ông Trump tại Nhà Trắng, cho biết ông tin rằng phản ứng bằng cách lao vào một cuộc chiến thương mại với Mỹ là không sáng suốt.

Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Yoji Muto nói với các phóng viên rằng mức thuế 24% đối với hàng hóa Nhật Bản là "cực kỳ đáng tiếc", đồng thời cho biết mọi lựa chọn đều đang sẵn sàng.

Khi được hỏi liệu Nhật Bản có trả đũa hay không, ông nói thêm: "Chúng tôi cần quyết định điều gì là tốt nhất cho Nhật Bản và hiệu quả nhất, theo cách thận trọng nhưng táo bạo và nhanh chóng".

Thủ tướng Australia Anthony Albanese cho biết mức thuế 10% đối với quốc gia của ông – mức thấp nhất – "không phải là hành động của một người bạn", cảnh báo người dân Mỹ sẽ phải trả giá đắt nhất cho những mức thuế vô lý này.

"Chúng tôi sẽ không tìm cách áp đặt mức thuế có đi có lại. Chúng tôi sẽ không tham gia vào cuộc đua xuống đáy dẫn đến giá cả tăng cao và tăng trưởng chậm hơn", ông Albanese nói.

Trong một tuyên bố rất ngắn, Tổng thống Thụy Sĩ Karin Keller-Sutter chỉ nói rằng quốc gia vùng Alps "sẽ nhanh chóng xác định các bước tiếp theo".

Trong một cuộc phỏng vấn trên Fox News vào tối hôm 2/4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent đã đưa ra lời khuyên ngắn gọn cho các quốc gia đang tìm cách đáp trả mức thuế quan mới của Mỹ: "Chớ có trả đũa".

"Lời khuyên của tôi cho mọi quốc gia hiện nay là chớ có trả đũa. Hãy ngồi xuống, chấp nhận, chúng ta hãy xem mọi chuyện diễn ra thế nào. Bởi vì nếu các vị trả đũa, sẽ có sự leo thang", ông Bessent cho biết trong một cuộc phỏng vấn ngay sau thông báo thuế quan của Tổng thống Trump.

"Miễn là các vị không trả đũa, đây là mức cao nhất", ông Bessent nói.

Minh Đức (Theo CBS News, Fox News, Sky News)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.