Các biện pháp phòng chống bão kịp thời, hiệu quả cho bà con

Các biện pháp phòng chống bão kịp thời, hiệu quả cho bà con

Nguyễn Ngọc Hoài Thanh

Nguyễn Ngọc Hoài Thanh

Thứ 2, 11/10/2021 13:47

Hiện bão số 7 vừa qua, bão số 8 đang mạnh dần và bão số 9 đang có khả năng hình thành. Vì vậy bà con ở vùng bão cần phòng chống bão kịp thời.

Sẵn sàng kịch bản ứng phó bão

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, thời tiết trong 10 ngày tới, ở khu vực bắc miền Trung trở ra Bắc Bộ đối mặt với thời tiết bất thường gồm bão chồng bão và không khí lạnh liên hoàn.

Xã hội - Các biện pháp phòng chống bão kịp thời, hiệu quả cho bà con

Bão số 8 (Kompasu) hình thành di chuyển tốc độ nhanh với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 11. Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia.

Thông tin trên VOV, để chủ động ứng phó thiên tai, hạn chế thiệt hại, bảo vệ an toàn tính mạng của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ, triển khai kịp thời, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp ứng phó, trong đó tập trung vào các nội dung sau:

1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với lực lượng bộ đội biên phòng, ngành thủy sản và giao thông kiểm soát, hướng dẫn, chỉ đạo, bảo đảm an toàn cho phương tiện, tàu thuyền hoạt động trên biển, cửa sông và tại khu neo đậu; đảm bảo an toàn cho người trên lồng bè nuôi trồng thủy hải sản và trên các đảo.

- Về chỉ đạo, tổ chức đảm bảo an toàn trên đất liền: Rà soát, sẵn sàng triển khai phương án ứng phó bão, mưa lũ, lũ quét, sạt lở, nhất là sơ tán dân tại khu vực nguy hiểm (lưu ý phòng chống dịch Covid-19); chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để chủ động ứng phó, nhất là tại các khu vực đã từng xảy ra ngập lụt, sạt lở đất năm 2020, sẵn sàng cho tình huống bị chia cắt, cô lập cục bộ. Triển khai phương án bảo vệ sản xuất, đê điều, hồ đập; bố trí lực lượng, vật tư, máy móc, thiết bị sẵn sàng ứng phó, khắc phục khi có sự cố.

Kiểm soát, hướng dẫn, phân luồng giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính. Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, nhất là khu vực đã từng xảy ra để kịp triển khai sơ tán dân cư, cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời diễn biến áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất để các cơ quan có liên quan và người dân biết chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

3. Bộ Công Thương chỉ đạo công tác vận hành đảm bảo an toàn hồ đập thuỷ điện, phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở thông tin kịp thời, bảo đảm an toàn cho người dân, nhất là trong tình huống phải xả lũ khẩn cấp; kiểm tra công tác bảo đảm an toàn đối với hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản và hệ thống lưới điện.

4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn hồ đập, công trình thủy lợi, nhất là hồ đập xung yếu, công trình đang thi công sửa chữa; thu hoạch lúa và hoa màu, bảo vệ sản xuất nông nghiệp.

5. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo việc kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

6. Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo rà soát phương án ứng phó, sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ thu hoạch lúa, hoa màu, sơ tán, di dời dân cư, tìm kiếm cứu nạn, ứng phó và khắc phục hậu quả bão, mưa lũ khi có yêu cầu.

7. Bộ Công an phối hợp với chính quyền các địa phương và các Bộ, ngành có liên quan thông tin kịp thời, khuyến cáo người dân hạn chế di chuyển qua vùng bị ảnh hưởng của bão, lũ, sạt lở; chỉ đạo, triển khai phương án hỗ trợ, bảo đảm an toàn đối với những người dân đang di chuyển từ các tỉnh phía Nam ra phía Bắc do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

8. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường thời lượng, đưa tin kịp thời về diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ và công tác chỉ đạo ứng phó để người dân biết, chủ động phòng, tránh.

9. Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa lũ, chủ động chỉ đạo triển khai biện pháp ứng phó phù hợp với diễn biến thực tế, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, hạn chế thiệt hại, trọng tâm là bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân; báo cáo, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý những tình huống cấp bách, vượt thẩm quyền.

Cách phòng chống bão hiệu quả

Để giảm nhẹ thiệt hại tính mạng, tài sản khi bão về người dân cần thực hiện theo sự chỉ đạo của cơ quan chức năng đồng thời biết cách phòng chống bão kịp thời, để tránh những hậu quả đáng tiếc.

Xã hội - Các biện pháp phòng chống bão kịp thời, hiệu quả cho bà con (Hình 2).

Cảnh sát và nhân viên cứu hộ sơ tán người dân địa phương sau trận mưa lớn do bão. Ảnh minh họa.

Những lưu ý trước khi bão đến

- Dự trữ sẵn một số thực phẩm như mì gói, thức ăn đóng hộp, nước uống, thuốc chữa bệnh thông thường, bông băng, thuốc diệt khuẩn.

- Dự trữ nước sinh hoạt dùng để tắm gội, giặt giũ... đề phòng khả năng hệ thống cung cấp nước chính bị hư hại.

- Kiểm tra các cửa chính, cửa sổ. Nếu các cánh cửa yếu, có thể dùng ván ép (có độ dầy ít nhất 1,5cm) đóng bít lại để ngừa sức gió phá vỡ các cánh cửa sổ và luồn vào nhà.

- Nếu mái nhà lợp bằng tôn, hãy dùng dây dai dệt bằng sợi tổng hợp bản lớn chằng giữ, hoặc có thể dùng các bao cát chất lên nóc.

- Kiểm tra các cây lớn gần nhà, hãy cắt tỉa gọn gàng các cành nhánh để giảm nguy cơ gió quật ngã cây đè lên mái nhà.

- Kiểm tra ống thoát nước có bị nghẽn không để tránh nước mưa tích tụ lại trên mái nhà làm tăng áp lực có thể làm sụt mái, tràn nước vào nhà. 

- Khóa chặt cửa, nếu có đồ vật để ngoài sân hãy chằng kỹ lưỡng bởi sức gió mạnh có thể thổi bay các đồ vật.

- Cho tất cả các giấy tờ quan trọng cho vào một túi nylon chống nước, vì khi nước lũ dâng cao ngập nhà làm hư hỏng các loại giấy tờ hồ sơ quan trọng.

- Chuẩn bị các túi hành lý chứa một số quần áo, chăn mền dự phòng, thực phẩm và nước uống cho trường hợp phải di tản theo lệnh của cơ quan chức năng hay tình thế nguy ngập.

- Nên kê cao các đồ vật trong nhà phòng nước ngập.

- Chuẩn bị sẵn một ít tiền mặt, bởi nhiều khi lúc bão các cây ATM không hoạt động.

- Kiểm tra xăng nhớt và tình trạng hoạt động của các phương tiện di chuyển, vì có thể bạn và gia đình phải di chuyển khẩn cấp ra khỏi nhà đến nơi tạm trú khác.

Những lưu ý “vàng” đối phó bão vào

- Tránh xa các cửa chính, cửa sổ bằng kính.

- Khóa chặt các cửa ra vào, cửa sổ. Nếu cửa yếu hãy dùng các cây chống để trợ lực không cho cửa bị gió thổi bung ra.

- Tránh sử dụng điện thoại, trừ trường hợp khẩn cấp.

- Nếu có yêu cầu từ cơ quan chức năng, hãy tắt nguồn điện chính.

- Cả gia đình nên tập trung vào một căn phòng nào kiên cố nhất.

- Nếu trần nhà bị rung lắc mạnh, hãy chui dưới gầm bàn, gầm giường hoặc dưới một đồ vật dày chắc nào đó để tránh bị đè khi sập trần nhà. Dùng gối, nệm che kín đầu.

- Khóa van bình gas đun bếp.

- Thường xuyên mở radio, tivi để nghe những thông báo mới nhất về tình hình bão của cơ quan chức năng. Nếu có lệnh di tản, hãy lập tức làm theo hướng dẫn của các cơ quan này.

- Nếu bắt buộc phải mở cửa ra ngoài thì nên cẩn thận lúc mở cửa, có thể có các đường dây điện bị đứt và rơi trước cửa nhà, chúng ta không biết rằng các đường dây có còn điện hay không, nên tránh xa chỗ đó.

- Chú ý khi phải ra ngoài nên mang giày dép bằng nhựa khô ráo.

- Hãy chuẩn bị tâm lý cho khả năng bạn và gia đình phải di tản khẩn cấp theo lệnh của cơ quan chức năng, hoặc trong trường hợp có nguy cơ nhà bị sập, nước lũ dâng ngập, theo báo Tuổi Trẻ.

Trúc Chi (t/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.