Táo bón là gì?
Táo bón là hội chứng thường gặp ở đường tiêu hóa, được chẩn đoán lâm sàng dựa trên triệu chứng đi ngoài không hết phân, khó khăn trong việc đại tiện hoặc cả hai triệu chứng trên. Tần suất đi ngoài thường dưới 3 lần/ tuần. Người già bị táo bón thường gặp các triệu chứng khác như: phân cứng, khô, đầy chướng và đau bụng, căng thẳng và đau khi đại tiện…
Táo bón mạn tính khi các triệu chứng trên kéo dài quá 3 tháng hoặc thường xuyên lặp lại.
Trên thực tế, táo bón thường gặp ở 16% người trưởng thành (tại Việt Nam con số này là 30%). Đặc biệt có đến 1/3 người già từ 60 tuổi trở lên bị táo bón và phần nhiều trong số đó phải đến khám tại các chuyên khoa tiêu hóa. Táo bón đang trở thành mối lo cho nhiều người khi về già, bởi tỉ lệ táo bón tăng nhanh theo độ tuổi.
Táo bón gây ra những hệ lụy nào cho người cao tuổi?
Táo bón thường là biểu hiện của rối loạn tiêu hóa (táo bón chức năng) hoặc triệu chứng, tác dụng phụ xuất phát từ bệnh lý nào đó.
Tình trạng táo bón kéo dài làm phân bị tích tụ lâu ngày trong đại tràng, khối phân trở nên khô cứng, khuôn to. Người cao tuổi lại bị giảm khả năng nhu động đại tràng, nên táo bón thường trở nặng, có khi cả tuần không đại tiện được.
Áp lực ổ bụng gia tăng khiến tĩnh mạch vùng hậu môn dễ bị phình giãn, khiến người cao tuổi dễ mắc bệnh trĩ. Trĩ không những khiến việc đại tiện càng trở nên khó khăn, mà còn gây đau đớn, bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày. Trĩ chảy máu, gây sưng đau thậm chí là nhiễm khuẩn, lở loét vùng hậu môn, gây suy giảm chất lượng cuộc sống ở người cao tuổi.
Phân bị tích trữ trong đại tràng, làm gia tăng nguy cơ nhiễm độc vào máu do sự tái hấp thu nước ở ruột già kéo theo các chất độc tồn đọng.
Bên cạnh những khó chịu do bệnh táo bón gây ra, ở người già còn có nhiều nguy cơ khác có thể nguy hại đến tính mạng nếu bị táo bón. Đây là các trường hợp bệnh nhân bị các bệnh tim mạch như suy tim, bệnh mạch vành nên phải hạn chế gắng sức. Nhiều trường hợp rặn nhiều do bị táo bón dẫn đến đột tử do nhồi máu cơ tim. Gắng sức nhiều khi đại tiện cũng có thể làm vỡ các phế nang (đã giãn to) ở các bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính gây tràn khí màng phổi.
Các biện pháp phòng ngừa táo bón cho người cao tuổi
Người cao tuổi cần lưu ý hơn các dấu hiệu táo bón từ sớm. Tốt nhất, nên có một chế độ sinh hoạt phòng ngừa táo bón từ xa.
- Tăng cường ăn rau, củ quả giàu chất xơ như mồng tơi, đu đủ, rau má, khoai lang, bắp cải, bơ, chuối chín, táo, bưởi, cam… Do khả năng nhai kém hơn khi về già, nên các loại sinh tố từ hoa quả, rau xà lách… rất phù hợp với người cao tuổi để bảo toàn lượng xơ cần thiết.
- Uống nước đầy đủ, từ 1.5 – 2L/ ngày.
Người cao tuổi sẽ giảm các cảm giác khát, vì vậy nên chuẩn bị sẵn lượng nước phù hợp chia ra uống trong ngày cả cả khi chưa muốn uống nước.
- Tuyệt đối không nhịn đại tiện vì ngại đi hoặc vì thấy khó đại tiện.
- Giữ tinh thần lạc quan, thoải mái, không để stress.
- Tập thể dục nhẹ nhàng.
Các bài tập vận động nhẹ như đi bộ, tập dưỡng sinh rất phù hợp với người cao tuổi. Chúng vừa giúp nâng cao sức khỏe, vừa tăng vận động cơ sàn chậu và tuần hoàn máu ổ bụng, giúp vận động đại tiện trơn tru hơn.
- Dùng thêm các loại thảo dược diếp cá, rau má, yến bạch, đương quy.. hoặc thực phẩm bảo vệ chiết xuất hoàn toàn từ thảo dược như Diếp cá vương để thanh mát cơ thể, tăng cường tiêu hóa, cải thiện táo bón và trĩ ngay khi vừa nhận ra những biêu hiện đầu tiên của táo bón, trĩ.
- Tập hít thở sâu để tăng sức mạnh cơ hoành – cơ phối hợp khi rặn đại tiện.
- Chú ý một số bệnh và thuốc điều trị có thể làm tăng nguy cơ bị táo bón ở người già.
Các thuốc dạ dày, thuốc hen giãn cơ trơn khí phế quản, thuốc điều trị Parkinson, bệnh lý tâm thần kinh… thường gây táo bón. Do không thể dừng các thuốc trị bệnh ngay lại được nên người cao tuổi cần chủ động kết hợp tất cả các biện pháp trên để ngăn ngừa táo bón.
Táo bón hoàn toàn có thể tránh được nếu người cao tuổi áp dụng đúng các biện pháp trên và duy trì lối sống khoa học. Chúc quý độc giả nhiều sức khỏe.
Phượng Nguyễn