Sáng nay, vô tình tôi đọc được một bài báo về hai người đàn ông ở Bạc Liêu, một người chết, một người lĩnh án 12 năm tù do mâu thuẫn từ việc bênh vực con. Ban đầu vì chuyện con cái đánh nhau, giữa họ chỉ xảy ra xô xát nhỏ. Sau đó, anh Trần Văn Tâm đã về nhà lấy khí giới để đánh vợ anh Châu Thành Long khiến Long tức giận, dùng dao và thanh kim loại trong nhà chém, đánh vào người anh Tâm khiến anh Tâm tử vong. Ai đúng hay sai trong vụ án này, tôi sẽ không bàn thêm nữa. Điều khiến tôi băn khoăn hơn cả là cách ứng xử của bố mẹ trước việc con cái bị bắt nạt hay chịu thiệt ở ngoài xã hội.
Lâu nay, chúng ta thường quen với khái niệm bạo lực học đường là những hành vi thô bạo nhằm giải quyết mâu thuẫn giữa các học sinh. Nhưng có lẽ giờ đây, khái niệm này cần phải mở rộng – khi ngay cả bố mẹ học sinh cũng sử dụng bạo lực để bênh vực con em mình. Các bậc phụ huynh vẫn hay khuyên con nói chuyện với người lớn khi bị bạn bè bắt nạt ở trường. Bởi vì các em còn nhỏ, hành động còn thiếu chín chắn. “Hàng rào” gia đình sẽ giúp các em tránh được những tổn thương và nói không với bạo lực. Nhưng hai phụ huynh trong vụ án kể trên thì sao? Họ đều đã là người lớn, đã là những ông bố, vậy mà hành động của họ còn nông nổi hơn cả con trẻ. Giả sử, nếu không xảy ra sự việc đáng tiếc trên, liệu lời dạy bảo sau này của họ còn có sức thuyết phục trước những đứa trẻ?
Cụm từ “cha mẹ trực thăng” ám chỉ những ông bố bà mẹ vì muốn bao bọc, bảo vệ con cái mình mà can thiệp quá nhiều vào cuộc sống riêng của chúng xuất hiện ngày càng nhiều. Ở các nước phương Đông, hiện tượng này phổ biến hơn phương Tây do đặc điểm văn hóa, phong tục, cách suy nghĩ của từng vùng. Hai ông bố trong câu chuyện trên cũng là ví dụ điển hình của kiểu “bố mẹ trực thăng”. Thay vì ngồi xuống để tìm ra vấn đề rồi cùng hai con giải quyết, họ lại lôi chính bản thân mình vào vòng xoáy hận thù. Các “bố mẹ trực thăng” tưởng mình đang giúp đỡ, nhưng thực chất lại gây tổn thương cho con em mình.
Tôi đã gặp rất nhiều ông bố bà mẹ khi nghe con cái mình bị bắt nạt là vội vàng chạy xộc tới nhà đứa bé đánh con mình mà không cần biết đúng sai thế nào. Cách “bảo vệ” con kiểu này rất dễ khiến cho trẻ ỷ lại vào bố mẹ, cho rằng chỉ cần có bố mẹ ra mặt là mọi sự đều được sắp xếp ổn thỏa.
Đã đến lúc, những “bố mẹ trực thăng” hạ cánh và trở thành “bố mẹ hải đăng” chỉ đường cho những con tàu vượt qua tăm tối trên biển khơi. Bởi cho dù, “đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con” nhưng bố mẹ đâu thể chăm lo cho con mãi mãi, phải không?
Lê Chinh
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả