Theo ông Vũ Mão: "Thực tế chúng ta có quy định về công tác giám sát và bỏ phiếu tín nhiệm, hai cái đó rất quan trọng, cần phải làm. Tuy nhiên, tôi thấy mức độ giám sát của các cơ quan thuộc Quốc hội, có những việc chưa sâu sát. Làm việc ở Quốc hội lâu năm, tôi rút ra, công tác ở Quốc hội có thể là khó mà cũng có thể là dễ. Bởi vì lâu nay Quốc hội giám sát các cơ quan khác chứ có ai giám sát Quốc hội đâu! Vì thế, các cơ quan của Quốc hội cần làm tốt hơn nữa chức năng giám sát của mình".
Ông Vũ Mão, nguyên chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội
Trao đổi với PV Người đưa tin, chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: “Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 13 (dự kiến diễn ra vào tháng 10 tới), các bộ trưởng, trưởng ngành đã trả lời chất vấn ở kỳ họp thứ 2 và 3 sẽ phải báo cáo về việc thực hiện lời hứa với cử tri cả nước. Sau khi có kết quả việc thì mới đánh giá được việc thực hiện lời hứa của bộ trưởng với cử tri. Tuy nhiên, Quốc hội sẽ giám sát việc thực hiện lời hứa của các bộ trưởng, trưởng ngành. Tới đây, việc bỏ phiếu tín nhiệm hàng năm với các vị trí mà Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn cũng là một tiêu chí xem xét uy tín của các vị bộ trưởng, trưởng ngành. Nếu các vị không thực hiện lời hứa với cử tri thì cũng ảnh hưởng đến uy tín của các vị”.
Anh Nguyễn Văn Pháp (Thái Bình) chia sẻ: “Nhiều quan chức vẫn quan niệm lời nói của họ là sức nặng, là trọng lượng lắm, nói ra lời xin lỗi sợ xấu hổ, sợ không rút lại được. Mà một khi đã xem mình là trung tâm của mọi sự chú ý thì đương nhiên, những người đó sẽ sợ bị bắt lỗi, bị “soi”. Cũng như việc người đứng đầu ngành GTVT xin lỗi cũng trở thành tâm điểm dư luận. Ai cũng hiểu ông cũng chỉ là 1 con người, mới ngồi vào chiếc ghế nóng được hơn 1 năm, khó có thể một sớm một chiều thay đổi được ngành giao thông vốn đã nằm ì từ nhiều năm trước. Chuyện một quan chức chịu đứng lên nhận mình sai, xin lỗi và xin được khắc phục là việc làm đáng được trân trọng”.
Tống Thị Huyền Thanh (Đại học KHXH&NV Hà Nội) cũng chia sẻ: “Theo tôi được biết, ở các nước, các Bộ trưởng phải xin lỗi dân rất nhiều: có khi là lỡ lời, có khi là một vụ tai nạn xảy ra trong ngành. Điển hình, tháng 7 vừa qua, ngay cả Tổng thống Hàn Quốc đã phải cúi đầu xin lỗi nhân dân vì những bê bối mà người anh trai của Tổng thống dính líu đến. Điều quan trọng, ở các nước đó, khi các chính khách xin lỗi xong, lời xin lỗi sẽ đi kèm với lời hứa trách nhiệm giải quyết, xử lý lỗi lầm, thiếu sót đó. Nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc có cả cơ chế giám sát xem bộ trưởng thực hiện sửa chữa sai lầm đó đến đâu. Tiếc là ở Việt Nam chưa làm được đến nơi đến chốn.
Theo thứ trưởng GTVT Lê Mạnh Hùng: “Không có chuyện bộ trưởng Đinh La Thăng xin lỗi lãnh đạo Thành phố Hà Nội sau kết luận thanh tra vỉa hè của Bộ. Chúng tôi có xin lỗi đâu. Biết thế nào mà xin lỗi. Báo chí thì kệ người ta. Hà Nội kiến nghị một số điều, người ta xin tài liệu giải trình thêm để hai bên cùng trao đổi lại với nhau những việc chưa rõ. Về chuyện thất thoát 20 tỷ đồng một năm, người ta đang so sánh, kiến nghị nếu như cơ chế này nó sẽ như thế chứ không phải nói là thất thoát".
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng (nhà phản biện xã hội) bày tỏ: “Ở nước ngoài cũng không có chuyện anh đứng đầu chịu trách nhiệm vô tận. Nhưng cái khác của họ với ta là sự phân định rất rõ chức trách từng người. Như vậy, khi xảy ra vụ việc rất dễ phân định trách nhiệm. Ví dụ, khi cần giấy phép kinh doanh tôi chỉ cần đến ông A trực tiếp giải quyết. Công việc này, không phải đến ông to hơn. Ở Thụy Điển, nếu vụ việc thuộc thẩm quyền của cấp dưới, ông bộ trưởng gọi điện xuống can thiệp là thành chuyện tày trời. Còn ở ta, việc phân định trách nhiệm không rõ, đôi khi cấp trên lại có bút phê yêu cầu cấp dưới làm thế này thế kia. Vì thế, nếu có một văn hóa chính trị dựa trên lương tri thì việc từ chức khi không hoàn thành nhiệm vụ là điều gần như bắt buộc".
N.Giang- H.Mai