Nhưng, khi nó không được như ý muốn thì... buộc phải truy tìm nguyên nhân để những văn bản tương tự như vậy không gây bức xúc dư luận nữa. Và, muốn có một hệ thống chuẩn chỉ, từ trên xuống dưới, theo đúng thuật ngữ văn bản quy phạm pháp luật thì chúng ta cần thận trọng xem xét ngay từ khi soạn thảo, sửa đổi, bổ sung các bộ, đạo luật cơ bản, lớn để người áp dụng không thể cố tình hoặc vô ý lợi dụng.
Mổ xẻ chuyện khách quan, chủ quan
Trao đổi với PV báo Nguoiduatin.vn, luật sư Hà Đăng, người có nhiều năm kinh nghiệm lăn lộn với nghề và hiểu khá rõ cái gọi là lý thuyết và thực tế áp dụng văn bản pháp luật vào cuộc sống cho rằng: Hàng loạt dự thảo Nghị định, Thông tư, văn bản dưới luật thời gian qua "chết yểu" có lỗi do lỗ hổng ở các đạo luật trước đó đã ban hành. Một số luật còn chung chung, thiếu tính thực tiễn, tính dự báo dẫn đến phải có nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện luật. Mà, văn bản hướng dẫn thực hiện đôi khi diễn giải còn nhầm lẫn về khái niệm. Bởi người soạn thảo luật và văn bản dưới luật hướng dẫn ấy thiếu sự kết hợp giữa lý thuyết và thực tế công việc của ngành.
Cụ thể, luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước vừa ban hành không xác lập trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi có hành vi ban hành văn bản quy phạm pháp luật sai, trái pháp luật là thiếu sót và chưa đảm bảo nguyên tắc Nhà nước pháp quyền, chưa xác định trách nhiệm đúng, đầy đủ của cơ quan Nhà nước, công chức khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật sai ảnh hưởng cho đời sống xã hội và cuộc sống của công dân.
Theo phân tích của luật sư Nguyễn Cẩm, chủ nhiệm đoàn luật sư Hải Phòng, luật này đang được người dân quan tâm, bởi nó "đụng" đến hầu hết các lĩnh vực trong đời sống xã hội hiện đại. Thế nhưng, nó chưa cụ thể hóa trách nhiệm của cán bộ, người soạn thảo văn bản sai ấy sẽ bị xử lý như thế nào? Rồi thì trách nhiệm bồi thường của cán bộ gây oan trong hoạt động tư pháp cũng chưa rõ ràng, chỉ được quy định một cách chung chung. Cán bộ tư pháp gây oan, cơ quan đó đứng ra xin lỗi, bồi thường.
Trực tiếp cán bộ đó phần lớn chỉ bị xử lý kỷ luật như cảnh cáo, khiển trách, giảm bậc lương, thuyên chuyển công tác còn tiền bồi thường người bị oan, cơ quan Nhà nước phải chi trả, công chức đó không bị trừ lương, không bị truy thu... thì làm sao đảm bảo được sự công bằng cũng như hạn chế được oan. Tức là chúng ta cần phải quy trách nhiệm cá nhân trong luật.
Nếu chúng ta đưa yếu tố trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của cá nhân người lãnh đạo lên để làm chủ thể điều chỉnh ở một số luật nhất định thì giải quyết tận gốc vấn đề. Hiện tại, chúng ta thường đưa nhiều cái gọi là tổ chức, chính vì điều này, dẫn tới việc lách luật và cha chung không ai khóc, sai hay oan cũng chẳng ảnh hưởng đến cá nhân nên họ tự cho mình cái quyền đứng ngoài cuộc.
Đây là văn bản có một phần nội dung trái với luật, phải sửa đổi.
Tiếp theo, luật sư Hà Đăng chỉ rõ, luật, Nghị định liên quan đến giáo dục, đất đai, an sinh xã hội, thuế là cần nhiều văn bản hướng dẫn nhất. Các nước trên thế giới, khi đã ban hành luật, cứ theo luật mà thực hiện, không có văn bản dưới luật hướng dẫn như chúng ta. Chính vì sự thiếu cụ thể, thực tiễn, thiếu tính dự báo mà luật phải sửa đổi, bổ sung, phải có nhiều văn bản hướng dẫn gây nên việc không thể kiểm soát được lỗi sai, khi ban hành văn bản dưới luật.
Theo báo cáo mới nhất của kỳ họp Quốc hội lần này, thì bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nợ 28/42 văn bản phải ban hành; bộ Giáo dục & Đào tạo tệ hại hơn, nợ 14/15 văn bản phải ban hành; bộ Tài chính là 12/19 và bộ Công Thương “thảm” nhất, nợ 10/10 văn bản phải ban hành. Điều rất lạ là luật có hiệu lực thi hành, không có văn bản hướng dẫn thế thì áp dụng vào thực tiễn kiểu gì? Hay nó ra đời chỉ là sự kết nối của những ý tưởng để rồi thực tiễn áp dụng hay không lại là chuyện khác?
Ở góc độ của người làm nghề, luật sư Hà Đăng kiến nghị rằng: Để luật của chúng ta đi vào cuộc sống, trách nhiệm của người soạn thảo ra nó rất lớn. Trách nhiệm ở đây không đơn thuần là công việc mà nó phải hội tụ cả trách nhiệm công dân, trách nhiệm đối với xã hội, cộng với nhiệt tâm muốn có một đạo luật, luật, văn bản dưới luật để đời. Luật của chúng ta hiện nay rất chung chung, mang tính luật ống, luật khung... Hạn chế được sự chung chung này, thêm tính dự báo vào nữa, chúng ta sẽ hạn chế được văn bản dưới luật "chết yểu".
Kiến thức pháp luật + Hiểu biết xã hội = Khả thi?
Trong một lần trà dư, tửu hậu với bác sỹ Nguyễn Trọng An - phó cục trưởng cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, chúng tôi được nghe: "Tôi có cảm tưởng như các nhà "làm luật" cứ ngồi trong phòng rồi vẽ ra các quy định. Cái gì vì lợi ích chung thì làm, đừng vì dự án, này nọ mà cố ý làm gây tốn kém tiền, phiền hà cho dân. Tôi đơn cử như quy định hỗ trợ tiền cho các gia đình sinh con gái là quy định trái với Hiến pháp. Hiến pháp quy định rất rõ, nam nữ bình đẳng, sao chỉ hỗ trợ người sinh con một bề là gái mà không cả là trai?".
Chúng tôi đem những câu chuyện rất đời thường như thế, tâm tư với tiến sỹ Phạm Minh Tuyên, Phó chánh án Toà án nhân dân tỉnh Bắc Ninh, giảng viên Học viện Tư pháp, viện Nhà nước và pháp luật (Học viện Chính trị Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh), được nghe: “Giữa lý thuyết và thực hiện có lô gíc khoa học. Hãy biết chắt chiu những chi tiết dù nhỏ nhất trong cuộc sống nhưng nó là điển hình, để có thể so sánh, vận dụng. Khi soạn thảo hay ban hành một văn bản, cần xem xét và kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý thuyết và thực tế cuộc sống”.
Tiến sỹ Tuyên phân tích rằng: "Nếu dấu ấn cá nhân và ngành trong văn bản dưới luật nhiều quá sẽ khó tránh khỏi cái gọi là "chết yểu". Cụ thể, bộ Xây dựng ra quy định, phải xây nhà theo phong cách truyền thống, không được lai kiến trúc châu Âu... chẳng hạn. Nếu nhìn ở khía cạnh quản lý về kiến trúc, xây dựng, rõ ràng, nó thuận lợi cho ngành nhưng lại không đại chúng, thiếu thiết thực. Điều này suy ra rằng, cá nhân, nhóm soạn thảo văn bản dưới luật "chết yểu" kiến thức pháp luật, thực tiễn rất hạn chế. Muốn văn bản dưới luật không bị "chết yểu" thì phải nâng cao kiến thức pháp luật và hiểu biết xã hội cho đội ngũ này".
Bà Lê Thị Nga, phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị, sớm tiến hành cuộc giám sát nghiêm túc, công minh về việc chấp hành luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Chính phủ cần xây dựng cơ chế thẩm định Thông tư khách quan hơn, tiến tới bổ sung vào luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tăng thẩm quyền cho cơ quan kiểm tra văn bản sau khi văn bản được ban hành. Bởi, bà Nga cho rằng, những quy định bất hợp lý, dù mới chỉ là dự thảo nhưng cũng đã gây xáo trộn tâm lý đời sống của người dân, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, nó còn gây lãng phí về tiền của, thời gian của Nhà nước và công dân.
Cần đặt câu hỏi và trả lời: Mục đích của văn bản đó là gì? Khi còn tại chức, ông Nguyễn Văn Thường, nguyên phó chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia vào rất nhiều dự thảo luật, Nghị định liên quan đến hoạt động của Mặt trận Tổ quốc. Ông khẳng định rằng: Khi soạn thảo, điều mà nhóm và mỗi cá nhân được giao thực hiện phải xác định, luật, Nghị định đó có mục đích gì? Hiểu mục đích việc làm sẽ hiểu ý nghĩa. Người ta thấy việc làm ý nghĩa thì bao giờ cũng dồn tâm huyết, sức lực, tận tâm để làm ra "sản phẩm" tốt nhất. Thạc sỹ hay tiến sỹ, nếu làm việc như một cái máy, tức là được thuê để làm phần này, soạn phần kia, không tận tâm, trăn trở với nó thì tính thực tế hạn chế, luật khung, luật ống, luật khẩu hiệu là điều dễ hiểu. Tránh tình trạng xây dựng luật “khẩu hiệu” Tại kỳ họp Quốc hội lần này, uỷ viên thường vụ Quốc hội, ông Phùng Quốc Hiển dẫn báo cáo của Chính phủ cho biết, có 55,6% các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực nhưng chưa quy định nội dung chi tiết, tức chỉ có 44% luật có đủ điều kiện triển khai. Tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện luật, pháp lệnh, theo báo cáo thanh tra của UB Pháp luật Quốc hội còn lên đến gần 67%. Ông Hiển dẫn ra nguyên nhân cần nhiều văn bản hướng dẫn dưới luật là do chất lượng xây dựng luật chưa tốt, còn tình trạng luật khung, luật ống hay luật chờ Nghị định, Thông tư, luật khẩu hiệu (luật nghị quyết). |
Trần Quyết - Quế Ngân