Không biết UEFA có đếm cua trong lỗ hay không, nhưng trong thời buổi khó khăn này, số tiền nói trên quả thực quá lớn, một cơn mưa rào giữa mùa hè nắng cháy.
1,6 tỷ USD nói trên là tổng hợp của tất cả các nguồn thu từ bán vé, dịch vụ đi kèm, và đặc biệt là bản quyền truyền hình. Nên nhớ, chỉ tính riêng trận chung kết Euro 2012 sẽ diễn ra tại Ukraine đã thu hút được 237 triệu người theo dõi (dự báo con số này càng về cuối sẽ còn tăng lên nữa). Đó là chưa kể khoản lãi ròng mà UEFA sẽ nhận được sau Euro từ các nhà tài trợ (dự tính khoảng gần 500 triệu euro).
Tất nhiên UEFA không phải kẻ chỉ biết tận thu, họ cũng trích ra một khoản 300 triệu USD để lại quả cho các đội bóng tham dự, những người phải chạy mướt mồ hôi để kiếm tiền về cho họ. 300 triệu kia sẽ được phân bổ dưới dạng tiền thưởng, trong đó, nhà tân vô địch sẽ kiếm chác được 25 triệu USD.
Tiền nhiều thì ai mà chẳng thích, UEFA cũng vậy, nhất là trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu như hiện nay. Chẳng thế mà Michel Platini đã quyết định tăng số đội từ 16 lên thành 24 vào kỳ Euro tới, đồng nghĩa số tiền thu về khi đó sẽ tăng lên gấp bội.
Đến bây giờ, có lẽ nhiều người sẽ hiểu ra tuyên bố Wolrd Cup nên được tổ chức thường xuyên hơn, 2 năm một lần của Sepp Blatter đều có dụng ý của nó cả. Hoặc các nhà tổ chức bóng đá khác cũng thế, luôn nghĩ cách tăng số trận, thêm nhiều giải đấu hòng đút cho đầy túi.
Chỉ tội cho các cầu thủ, họ bị vắt kiệt sức một cách quá đáng, và những chấn thương dày đặc ở các ĐT là một minh chứng. Bước vào giải đấu mà nhìn ai cũng hốc hác, hết chấn thương này đến chấn thương kia, từ đội này sang đội khác. Nhưng UEFA liệu có quan tâm?
Song Vịnh