Các công ty vũ trụ phương Tây chạy đua thay thế tên lửa Soyuz của Nga

Các công ty vũ trụ phương Tây chạy đua thay thế tên lửa Soyuz của Nga

Nguyễn Lê Tùng Phong

Nguyễn Lê Tùng Phong

Thứ 2, 28/03/2022 15:41

Do căng thẳng giữa Nga và phương Tây vì xung đột Nga - Ukraine, hoạt động sử dụng tên lửa Soyuz đã bị gián đoạn và mở ra cơ hội cho các công ty vũ trụ khác.

Tên lửa Soyuz của Nga đã đưa nhiều phi hành gia, vệ tinh và khối lượng hàng hóa khổng lồ trong nhiều thập kỷ kể từ khi được ra mắt năm 1966, với độ tin cậy cao và kỷ lục hơn 1900 lần phóng. 

Tuy nhiên, chỉ trong vòng vài tuần kể từ khi xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine nổ ra, triển vọng tương lai của tên lửa Soyuz đã bị suy giảm nghiêm trọng khi Nga gần như ngừng hợp tác với Mỹ và châu Âu trong vấn đề sử dụng tên lửa này. Quyết định của Nga được coi là biện pháp trả đũa nhanh đối với các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây do xung đột Nga- Ukraine. 

Cơ quan nhà nước cho các hoạt động không gian Nga Roscosmos đã rút nhân viên khỏi Trung tâm Vũ trụ Guiana ở Nam Mỹ - vốn là bãi phóng chính của Cơ quan Không gian Châu Âu (ESA) - và dừng giao động cơ tên lửa đến Mỹ. Động thái này có thể ảnh hưởng đến các tên lửa của công ty Northrop Grumman và United Launch Alliance (ULA), đồng thời trì hoãn một số vệ tinh và thiết bị thăm dò bề mặt ExoMars của ESA. 

ULA cho biết đã đủ động cơ Nga để phóng các tên lửa Atlas V trong những năm tới trước khi ngừng sử dụng tên lửa này. Đại diện Northrop Grumman từ chối yêu cầu bình luận.

Việc rút Soyuz khỏi hoạt động hợp tác với các cơ quan vũ trụ Mỹ và châu Âu nhiều khả năng sẽ làm xói mòn nghiêm trọng lòng tin đối với phía Nga trong lĩnh vực hàng không vũ trụ. 

Ông Caleb Henry, một nhà phân tích cấp cao từ công ty nghiên cứu và tư vấn Quilty Analytics, cho rằng: “Nga vừa "giết chết" tiềm năng thương mại của Soyuz… Hành động của Nga đe dọa loại bỏ vĩnh viễn Soyuz khỏi danh sách các tên lửa đẩy được sử dụng trên toàn cầu.”

Châu Âu bắt đầu sử dụng Soyuz làm tên lửa đẩy hạng trung chính vào năm 2011. Việc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) ngưng sử dụng Tàu con thoi vào cùng năm có nghĩa là Soyuz trở thành phương tiện duy nhất đưa các phi hành gia Mỹ lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) trong vòng gần 10 năm, cho đến khi SpaceX đưa vào vận hành tên lửa đẩy Falcon.  

Tuy tên lửa Soyuz vốn đã và đang phải cạnh tranh gay gắt hơn với các loại tên lửa đẩy mới, những diễn biến vừa qua đã tăng tốc quá trình chuyển đổi khỏi Soyuz và mở cửa cho sản phẩm từ các công ty hàng không vũ trụ Mỹ và châu Âu như SpaceX, Rocket Lab USA và Arianespace. 

Công nghệ - Các công ty vũ trụ phương Tây chạy đua thay thế tên lửa Soyuz của Nga

Tên lửa Falcon 9 của SpaceX phóng lên quỹ đạo từ Florida tháng 3/2015. Ảnh: SpaceX.

Rocket Lab cho biết đang xem xét các lựa chọn nhanh chóng đưa loại tên lửa mới nhất ra thị trường để lấp đầy khoảng trống của Soyuz. Tên lửa đẩy hạng trung Neutron đang được Rocket Lab nghiên cứu và dự kiến đưa vào vận hành năm 2024 có sử dụng gợi ý thiết kế từ Soyuz.

Trong khi đó, SpaceX đã ký hợp đồng cung cấp dịch vụ phóng trong cuối năm 2022 cho công ty vận hành vệ tinh OneWeb - một công ty được sở hữu một phần bởi chính phủ Anh và vốn sử dụng tên lửa Soyuz.  

Để hoàn thành triển khai mạng vệ tinh quỹ đạo thấp cho dịch vụ Internet của mình, OneWeb đã lên kế hoạch cho 6 lần phóng tên lửa trong vòng 6 tháng tới.  Tuy nhiên, sau khi Nga yêu cầu OneWeb cam kết không cho phép dùng vệ tinh cho mục đích quân sự và chính phủ Anh phải thoái vốn khỏi công ty này, OneWeb đã kết thúc quan hệ với phía Nga. 

Hiện OneWeb đã triển khai 2/3 mạng vệ tinh bằng tên lửa Soyuz. Cố vấn cấp cao của OneWeb Ruth Pritchard-Kelly cho biết tương lai của các vệ tinh OneWeb tại Nga hiện chưa rõ ràng. 

CEO của Arianespace Stephan Israel thì cho biết có thể chuyển các khách hàng vốn dùng Soyuz sang tên lửa đẩy Ariane 6 vào năm 2023

Tùng Phong (Theo Bloomberg)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.