Hãng xe điện VinFast đã có màn ra mắt ấn tượng tại thị trường chứng khoán Mỹ, tăng giá trị thị trường của công ty lên 85 tỷ USD sau ngày đầu tiên giao dịch trên Nasdaq. Con số này cao hơn nhiều so với định giá của Ford hay General Motors tại thời điểm đó.
Tuy nhiên, VinFast sẽ cần phải điều chỉnh lại chiến lược bán hàng và cũng như giá bán của sản phẩm để chi phí của mình để tiếp tục duy trì mức vốn hóa này.
Kể từ khi công bố kế hoạch mở rộng ra nước ngoài, VinFast đã tính đến việc chỉ sử dụng các phòng trưng bày của riêng mình, giống như cách tiếp cận của Tesla. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc VinFast toàn cầu Lê Thị Thu Thủy hôm 15/8 cho biết, công ty đang thay đổi mô hình kết hợp nhằm thu hút các nhà phân phối và đại lý tại Mỹ.
Tính đến tháng 6, VinFast đã mở 122 phòng trưng bày trên toàn cầu, hầu hết ở miền Tây nước Mỹ. Ngoài việc bán hàng trực tiếp cho khách hàng, nhà sản xuất ô tô sẽ hợp tác với các đại lý để mở các điểm bán hàng mới ở Bắc Mỹ và các thị trường toàn cầu khác.
“Mở cửa hàng của riêng mình là điều tuyệt vời, nhưng mất rất nhiều thời gian. Hợp lực với các đối tác khác để tiến nhanh hơn luôn là lựa chọn của chúng tôi”, bà Thủy khẳng định.
“Chúng tôi hiện đang xác định các điều khoản của mô hình mới này và thảo luận với các đối tác tiềm năng. Thông tin chi tiết sẽ được công bố trong thời gian tới”, bà Thủy chia sẻ.
Ý tưởng của VinFast nhận được những phản hồi tích cực từ một số đại lý ở Mỹ, nhưng họ muốn biết thông tin chi tiết hơn về kế hoạch của VinFast, bao gồm chiến lược bán hàng, yêu cầu đối với đại lý, kế hoạch phân phối phụ tùng của công ty và chế độ bảo hành xe.
Các đại lý ở Mỹ cho biết, còn quá nhiều câu hỏi chưa được trả lời, bao gồm cả việc VinFast sẽ phân phối các phụ tùng cần thiết để sửa chữa như thế nào.
“Các đại lý phải quan tâm đến thương hiệu của mình. Nếu tôi bán xe cho anh mà anh không mua được cái chắn bùn từ cửa hàng của tôi, anh sẽ tức giận. Tôi sẽ không làm thế”, ông Scott Fink, Giám đốc điều hành của Fink Automotive Group, một công ty sở hữu các cửa hàng VW và Subaru gần Tampa, Florida, cho biết.
Trong khi Tesla có thể tự khẳng định mình là hãng xe điện hàng đầu thế giới, các công ty khởi nghiệp khác đã phải vật lộn để khởi đầu, các đại lý cho biết. VinFast sẽ phải cạnh tranh với các thương hiệu lâu đời như GM, Ford và Hyundai.
Một số đại lý cho biết, VinFast có thể sẽ phải cung cấp mức lợi nhuận hấp dẫn cho các đại lý để giải quyết rủi ro. Ngoài ra, hãng xe cần cung cấp chế độ bảo hành uy tín để giành được niềm tin của khách hàng.
Theo các đại lý, việc chưa có tên tuổi không phải là yếu tố cản trở chuyện kinh doanh của VinFast, bởi các thương hiệu như Toyota, Honda và Hyundai đều bắt đầu với quy mô nhỏ và dần phát triển thành công.
“Nếu đó là một sản phẩm tốt và được bảo hành tốt, người Mỹ sẽ mua nó”, ông Rhett Ricart, Giám đốc điều hành của Tập đoàn ô tô Ricart ở Columbus, tiểu bang Ohio khẳng định.
Nguyễn Tuyết (Theo Reuters, Asia Financial)